Vận tải Hàng không tăng trưởng “nóng”
Giai đoạn 2014 - 2018, thị trường vận tải hàng không Việt Nam (HKVN) có sự tăng trưởng cao, liên tục với mức độ tăng trưởng trung bình giai đoạn là 20,5% về hành khách và 13,2% về hàng hóa. Năm 2018, tổng thị trường vận tải HKVN đạt xấp xỉ 70 triệu khách (tăng 12,6% so năm 2017) và 1,2 triệu tấn hàng hóa (tăng 7,2% so năm 2017), tăng tương ứng 2,1 lần và 1,64 lần so với năm 2014. Sản lượng thông qua các cảng hàng không, sân bay Việt Nam năm 2018 đạt hơn 103 triệu hành khách và 1,48 nghìn tấn hàng hóa, tăng tương ứng 9,9% về hành khách và 8,5% về hàng hóa so với năm 2017.
Từ ngày 16/01/2019, thị trường HKVN có sự tham gia khai thác của hãng hàng không Bamboo Airways. Tổng thị trường vận tải HKVN 9 tháng đầu năm 2019 đạt xấp xỉ 59,3 triệu khách (tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2018) và 931 nghìn tấn hàng hóa (tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2018). Sản lượng thông qua các cảng hàng không, sân bay Việt Nam đạt hơn 87,5 triệu hành khách và 1,12 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 10,8% về hành khách và 3% về hàng hóa so với cùng kỳ năm 2018.
Các thách thức đối với vận tải HKVN
Thách thức chung
Sự phát triển nhanh của các hãng HKVN dẫn đến sự thiếu hụt về phi công cũng như nhân viên kỹ thuật, bảo dưỡng tàu bay. Hiện tại, để thực hiện kế hoạch khai thác của mình, các hãng hàng không của Việt Nam ngoài việc thuê phi công là người nước ngoài thì cũng đang cạnh tranh với nhau trong việc thu hút phi công Việt Nam. Về nhân viên kỹ thuật, bảo dưỡng tàu bay, do đây là loại hình lao động đặc thù, xã hội chưa có các trường đào tạo nên các hãng hàng không sẽ phải bổ sung lực lượng này từ nguồn đào tạo tại chỗ, thuê nước ngoài và “lôi kéo” nhân sự của các hãng hàng không khác. Sự thiếu hụt phi công, nhân viên kỹ thuật, bảo dưỡng tàu bay không chỉ là mối quan ngại của các hãng HKVN mà còn của cả Bộ GTVT, Cục HKVN và của các cơ quan nhà nước hữu quan.
Ngoài ra, cạnh tranh điểm đến du lịch giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, trong khi năng lực cạnh tranh và kinh nghiệm của Việt Nam còn kém nên đây lại là thách thức lớn. Việc tham gia đầy đủ và sâu, rộng của Việt Nam vào thị trường hàng không thống nhất ASEAN là cơ hội cho các hãng HKVN mở rộng hoạt động khai thác, nâng cao vị thế và hình ảnh trên thị trường quốc tế nhưng các hãng HKVN cũng phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng hàng không khác trong khu vực.
Sự phát triển nhanh của thị trường vận tải hàng không cũng như lực lượng vận tải HKVN đặt ra những thách thức mới đối với hệ thống hạ tầng cảng HKVN, đặc biệt là những cửa ngõ chính như Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Hiện tại, các hãng hàng không sử dụng các Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Cần Thơ và Cát Bi làm các sân bay căn cứ để đậu tàu bay qua đêm. Cùng với việc vượt quá công suất khai thác của nhà ga, các Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã sử dụng hết các vị trí đậu tàu bay qua đêm.
Thách thức đối với công tác quản lý nhà nước của Cục HKVN
Cục HKVN đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự phát triển mạnh của vận tải hàng không, bao gồm: Một là, công tác giám sát an toàn lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay của nhà chức trách hàng không với khối lượng công việc rất lớn. Đây thực sự là thách thức, khó khăn lớn đối với Cục HKVN khi nguồn ngân sách hạn hẹp. Hai là, việc kiểm soát, điều tiết kế hoạch của các hãng cho phù hợp với khả năng hấp thụ của thị trường, hạ tầng cảng hàng không là vấn đề nan giải. Ba là, công tác quản lý giờ hạ, cất cánh gặp khó khăn do sự thiếu đồng bộ so với nhu cầu. Bốn là, việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, quyền lợi của hành khách là thách thức không nhỏ do sự tăng trưởng về sản lượng vận tải hành khách qua các năm, số lượng các chuyến bay bị chậm, bị hủy của các hãng HKVN tăng lên.
Các giải pháp phát triển vận tải hàng không bền vững
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật kết hợp với việc tiếp tục cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính; hoàn thiện, nâng cao năng lực, mô hình tổ chức của nhà chức trách HKVN theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ hai, huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư kết cấu hạ tầng, công nghiệp và các cơ sở cung cấp dịch vụ, cơ sở đào tạo, huấn luyện nhân viên hàng không; đẩy mạnh đầu tư theo hình thức PPP để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng, dịch vụ hàng không.
Thứ ba, chủ động tham gia quá trình “mở cửa” bầu trời của khu vực và thế giới trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia; có chính sách tổng thể phối hợp phát triển hai ngành Hàng không và Du lịch.
Thứ tư, thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.
Thứ năm, tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hoạt động vận tải hàng không, đặc biệt là công tác điều phối slot tại cảng hàng không, sân bay và áp dụng mô hình tối ưu hóa việc ra quyết định tại cảng hàng không (ACDM).
Thứ sáu, các hãng HKVN xây dựng kế hoạch phát triển đội tàu bay 5 năm và tăng cường quản lý nhà nước, giám sát việc thực hiện kế hoạch của các hãng HKVN; nghiên cứu, đề xuất Bộ GTVT xem xét việc bổ sung quy định về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phát triển đội tàu bay của các hãng HKVN vào hệ thống văn bản QPPL về vận tải hàng không.
Thứ bảy, xây dựng, ban hành Thông tư quy định về điều phối giờ hạ, cất cánh tại các cảng hàng không, sân bay để đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu khai thác của các hãng hàng không cũng như của thị trường; tăng cường hiệu quả sử dụng kết cấu hạ tầng cảng hàng không và các nguồn lực khác thông qua kiểm tra việc tuân thủ phép bay, slot đã cấp.
Thứ tám, nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển, đảm bảo an toàn, an ninh hàng không và giảm tình trạng chậm, hủy chuyến bay
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.