Thách thức với tham vọng sở hữu tàu ngầm hạt nhân của Hàn Quốc

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Ứng dụng 10/10/2017 10:10

Chi phí khổng lồ để mua sắm hoặc đóng mới có thể ngăn cản Hàn Quốc sở hữu ba tàu ngầm hạt nhân đối phó Triều Tiên.

nuclear-submarine-6956-1507534499_exkc

Hàn Quốc muốn sở hữu tàu ngầm hạt nhân như hải quân Mỹ. Ảnh minh họa: USNI.

Chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang xem xét việc mua một số tàu ngầm hạt nhân để đối phó với hạm đội hơn 70 tàu ngầm các loại của Triều Tiên, trong đó nhiều chiếc mang được tên lửa đạn đạo. Nếu được thông qua, kế hoạch này sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh cho hải quân Hàn Quốc, vốn đang vận hành 18 tàu ngầm thông thường, theo National Interest.

Lò phản ứng hạt nhân cho phép tàu ngầm dạng này có thể hoạt động liên tục nhiều tháng dưới lòng biển, thay vì phải nổi lên lấy không khí chỉ sau vài ngày hoạt động hoặc trở về cảng để tiếp liệu như tàu ngầm thông thường. Điều đó giúp tăng khả năng theo dõi và phản ứng trước các vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm của Triều Tiên.

Thách thức lớn nhất với chính quyền Hàn Quốc là chi phí bỏ ra không hề rẻ. Phương án đầu tiên là mua mới hoặc thuê lại tàu ngầm hạt nhân từ Mỹ, nhưng tính khả thi không cao vì Mỹ chưa bao giờ bán tàu ngầm hạt nhân cho nước khác. Ngay cả khi Washington đồng ý, Seoul vẫn sẽ phải giải quyết bài toán ngân sách khổng lồ cho dự án này.

Hải quân Mỹ đang tìm cách giảm chi phí đóng tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia xuống còn 2,24 tỷ USD/chiếc, đồng thời rút ngắn thời gian đóng mới chỉ còn 60 tháng. Một tàu ngầm Virginia xuất khẩu cho đồng minh như Hàn Quốc sẽ có giá không dưới 2,5 tỷ USD, chưa kể số tiền đầu tư cho trang thiết bị và cơ sở hạ tầng phục vụ nó. Seoul sẽ phải trả tối thiểu 7,5 tỷ USD cho ba tàu ngầm hạt nhân, cùng nhiều tỷ USD để mua vũ khí và hỗ trợ kỹ thuật hậu cần từ Washington.

Giải pháp khả quan hơn là Hàn Quốc tự chế tạo tàu ngầm hạt nhân trong nước. Seoul từng có nhiều kinh nghiệm đóng tàu ngầm diesel - điện cũng như chế tạo lò phản ứng hạt nhân. Vào đầu những năm 2000, nước này được cho là đã bắt đầu nghiên cứu việc thu nhỏ lò phản ứng hạt nhân để đưa lên tàu ngầm. "Cơ quan năng lượng nguyên tử Hàn Quốc đã hoàn thành thiết kế cơ bản của lò phản ứng có thể sử dụng cho tàu ngầm hồi năm 2004", một chuyên gia Hàn Quốc trong dự án này cho biết.

Tuy nhiên, giải pháp đóng tàu ngầm hạt nhân nội địa cũng sẽ khiến Seoul tiêu tốn nhiều tiền của. Nước Anh từng dự kiến bỏ ra 13,3 tỷ USD để đóng 7 tàu ngầm hạt nhân lớp Astute, tương đương gần hai tỷ USD/chiếc. Tuy vậy, chi phí chế tạo chiếc đầu tiên trong lớp này đã vượt qua mức 2,6 tỷ USD, bất chấp việc Anh có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đóng tàu ngầm hạt nhân.

Hải quân Brazil cũng mất tối thiểu 2,4 tỷ USD để sản xuất một tàu ngầm hạt nhân với sự hỗ trợ từ hãng đóng tàu DCNS của Pháp, trong đó riêng lò phản ứng đã có giá tới 1,5 tỷ USD. Những con số này cho thấy Hàn Quốc không thể chi ít hơn ba tỷ USD cho tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của mình, khiến tổng chi phí cho ba chiếc sẽ rơi vào khoảng 7-9 tỷ USD.

Chi phí đầu tư quá lớn và thời gian chờ đợi kéo dài khiến nhiều chuyên gia đặt dấu hỏi về tính khả thi của dự án sở hữu tàu ngầm hạt nhân này. Hàn Quốc có thể dùng số tiền đó để mua thêm nhiều tàu ngầm diesel - điện nhằm tạo thế cân bằng với hạm đội tàu ngầm Triều Tiên.

Sự phát triển của công nghệ cũng giúp việc phát hiện và theo dõi tàu ngầm trở nên dễ dàng nhiều. Các máy bay săn ngầm như P-8A Poseidon và lá chắn tên lửa đạn đạo là phương án mua sắm có hiệu quả hơn đối với Seoul. Những lựa chọn này là cũng không làm gia tăng lo ngại về sự phổ biến vũ khí hạt nhân tại châu Á, đồng thời tránh vi phạm chính sách phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Sở hữu ba tàu ngầm hạt nhân sẽ tăng đáng kể sức mạnh răn đe cho hải quân Hàn Quốc. Tuy nhiên, chi phí khổng lồ cho dự án cũng như lo ngại về phổ biến vũ khí hạt nhân ở châu Á khiến dự án này khó trở thành hiện thực trong tương lai gần, chuyên gia quân sự Zachary Kech nhận định.

Ý kiến của bạn

Bình luận