Thái Lan đang từ bỏ vũ khí Mỹ, quay sang Trung Quốc?

Tác giả: zing

saosaosaosaosao
Ứng dụng 01/02/2019 07:11

Các thỏa thuận vũ khí trị giá hàng tỷ USD với Trung Quốc đã được chính quyền quân sự Thái Lan thực hiện,


 

zing_vt4_3
Quân đội Thái Lan tập trận với xe tăng VT-4 của Trung Quốc. Ảnh: Military Armed Force. 


Chính quyền quân sự Thái Lan đang đẩy mạnh các thỏa thuận vũ khí với Trung Quốc trước cuộc bầu cử dân chủ vào tháng 3, khiến các nhà phê bình chỉ trích sự minh bạch của việc mua sắm, theo South China Morning Post.

Tuần trước, quân đội Thái Lan thông báo đang đề xuất nội các phê chuẩn việc mua thêm 14 xe tăng chiến đấu chủ lực VT-4 do Trung Quốc sản xuất, trong một thỏa thuận trị giá 2,3 tỷ baht (khoảng 72 triệu USD) giữa Bangkok và tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng Bắc Trung Quốc (Norinco).

Nếu được phê duyệt, đây sẽ là lô xe tăng VT-4 thứ ba, sau hợp đồng đầu tiên trị giá khoảng 155 triệu USD cho 28 chiếc VT-4 ký kết vào năm 2016 và hợp đồng thứ hai trị giá khoảng 63 triệu USD cho 11 chiếc ký vào năm 2017.

Trong năm 2017, nội các Thái Lan đã phê duyệt mua 3 tàu ngầm diesel S26T, phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm Type-039A của Trung Quốc trị giá hơn 1 tỷ USD. Các thỏa thuận vũ khí với Trung Quốc dẫn đến làn sóng chỉ trích từ các nhà phê bình, trong đó một số người gọi việc mua sắm không minh bạch, thậm chí là phi pháp.

Vũ khí Mỹ chỉ bằng một phần nhỏ Trung Quốc

Thái Lan sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24/3, lần đầu tiên kể từ khi quân đội lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014. Kể từ đó, ngân sách quốc phòng Thái Lan đã tăng hơn 20%, từ 5,8 tỷ USD lên 7,2 tỷ USD.

Sau khi thông báo mua thêm xe tăng VT-4 được đưa ra, nhà hoạt động chính trị Srisuwan Janya đã kêu gọi điều tra về các thỏa thuận vũ khí của Bangkok. Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia Thái Lan (NCPO), tên gọi chính thức của chính quyền quân sự, đã cho phép quân đội mua số lượng lớn vũ khí từ Trung Quốc.

“Tại sao họ chỉ tập trung vào mua sắm vũ khí từ Trung Quốc? Việc mua bán này không thể được kiểm tra công khai như mua vũ khí từ phương Tây”, ông Srisuwan Janya nói.

Quan hệ giữa Thái Lan và Mỹ, đồng minh lâu năm của Bangkok, trở nên lạnh nhạt sau cuộc đảo chính quân sự vào năm 2014. Tuy nhiên, quan hệ song phương đã có những dấu hiệu ấm trở lại sau chuyến thăm của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha tới Nhà Trắng tháng 10/2017.

Không lâu sau chuyến thăm, quân đội Thái Lan thông báo kế hoạch mua thêm 4 trực thăng UH-60 Black Hawk do Mỹ sản xuất để bổ sung vào phi đội 12 chiếc hiện có. Tuy vậy, thỏa thuận vũ khí với Mỹ vẫn rất nhỏ so với Trung Quốc.

Năm 2017, Hải quân Hoàng gia Thái Lan thừa nhận định mua tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon do Mỹ sản xuất, nhưng sau đó Thủ tướng Prayuth và Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan từ chối bất kỳ thỏa thuận nào như thế.

Paul Chambers, giáo sư về các vấn đề quốc tế Đại học Naresuan, miền Bắc Thái Lan, nói thiết bị quân sự Trung Quốc rẻ nhưng chất lượng thấp hơn của Mỹ và phương Tây. Nhưng theo ông, việc chính quyền quân sự mua xe tăng, tàu ngầm và thiết bị quân sự khác sẽ không gây ngạc nhiên, vì chính quyền đã nghiêng về Bắc Kinh sau khi Washington hạ cấp quan hệ với Bangkok.

Quân đội tiếp tục chi phối Thái Lan

Chính phủ Thái Lan trong khi chào đón thương mại, viện trợ và mua thiết bị quân sự từ Trung Quốc cũng đang tìm cách thực hiện một chính sách đối ngoại cân bằng với Trung Quốc và Nga ở một bên, Mỹ và Nhật Bản ở một bên. Đây là chính sách thể hiện chủ nghĩa hiện thực kinh tế tại Thái Lan, nơi có thể được coi là quốc gia trung lưu của châu Á.

Dulyapak Preecharush, trợ lý giáo sư nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Thammasat, cho rằng có rất nhiều khác biệt trong thỏa thuận vũ khí mới so với lần đầu tiên Thái Lan tìm cách mua vũ khí Trung Quốc. Quân đội Thái Lan trong quá khứ từng mua vũ khí Trung Quốc.

Tuy nhiên, quan hệ quốc phòng Thái - Trung sẽ không thể thay thế quan hệ Thái - Mỹ, vì chiến lược của Bangkok tập trung vào sự cân bằng quyền lực. Tuy vậy, ông Preecharush dự báo ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Lan ngày càng tăng.

Sự phụ thuộc chiến lược ngày càng tăng của Thái Lan vào Trung Quốc sẽ khiến chính sách đối ngoại và quốc phòng của Bangkok trở nên kém linh hoạt. Liệu thỏa thuận vũ khí mới có bị ảnh hưởng bởi cuộc bầu cử sắp tới hay không vẫn là điều chưa rõ.

Ông Preecharush nhận định quân đội đã có lợi thế vì sự sắp xếp của thỏa thuận đã được thực hiện trước. Quân đội Thái Lan sẽ duy trì vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử và giai đoạn chuyển tiếp của chính phủ mới, vì vậy thỏa thuận mua sắm vẫn sẽ được duy trì ở thời điểm đó.

Theo vị chuyên gia, các bên tham gia giao dịch vũ khí với Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng đến chính phủ mới, nhưng không nhiều. Một số người có thể đặt câu hỏi về giá trị và hiệu suất của vũ khí Trung Quốc hoặc mục tiêu của việc mua sắm, nhưng Bắc Kinh chia sẻ với Bangkok về sự phát triển của công nghiệp quốc phòng, điều này tốt cho nghiên cứu, sản xuất và bảo mật vũ khí trong nước.

“Quân đội trong các chính phủ trước đó đã thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, vì vậy mối quan hệ giữa quân đội Thái Lan với Trung Quốc sẽ tiếp tục chi phối chính phủ trong cuộc bầu cử sắp tới”, ông Preecharush nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận