Thái Lan thành thủ phủ sản xuất ôtô châu Á như thế nào?

Thị trường 12/07/2018 06:29

Nếu bạn mua một chiếc xe hơi tại Đông Nam Á hoặc Australia, đặc biệt là xe bán tải, nhiều khả năng nó được sản xuất tại Thái Lan.

 

Thái Lan thành thủ phủ sản xuất ôtô châu Á như thế
Công nhân trong một nhà máy sản xuất xe hơi tại Thái Lan. Ảnh: AFP

Từ nhiều thập kỷ nay, Thái Lan đã có vị thế vững chắc trong việc sản xuất xe hơi. Họ tự đặt cho mình biệt danh “Detroit của châu Á” (Detroit là kinh đô ôtô của Mỹ). Hiện tại, Thái Lan là nơi sản xuất ôtô công nghiệp lớn thứ 12 thế giới, và lớn nhất Đông Nam Á.

Các hãng xe như Toyota hay Mitsubishi đều hiện diện tại Thái Lan từ thập niên 60. GM, Ford, Mercedes và BMW sau đó cũng nối gót vào đây. Người phát ngôn của GM cho biết nhà máy của họ là trung tâm sản xuất lớn cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi. Sản phẩm của nhà máy này xuất khẩu sang 15 thị trường, trong đó có cả Australia và New Zealand.

Suốt 3 thập kỷ qua, Thái Lan đánh thuế 80% xe hơi nhập khẩu và 60% với xe máy nhập khẩu, để giữ việc sản xuất ở lại trong nước. Chính phủ nước này còn chào mời quyền sở hữu đất với nhà đầu tư ngoại và có quy trình cấp visa khá nhanh gọn cho các cố vấn ngoại về xe hơi.

Họ cũng có hàng loạt ưu đãi thuế với nhà đầu tư nước ngoài. Các công ty chuyển sản xuất sang Thái Lan sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 8 năm. Tại một số vùng, như trung tâm sản xuất ôtô Rayong (nơi có nhà máy của GM và Ford), thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm tới một nửa.

Quốc gia này cũng có nhiều cảng biển và sân bay, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu. Không như Indonesia và các đối thủ cạnh tranh khác, phần lớn linh kiện xe hơi ở đây được sản xuất và lấy nguyên liệu từ trong nước. Hiện Thái Lan có gần 1.500 nhà cung cấp trong lĩnh vực này, khiến nhu cầu nhập khẩu gần như không có. Hiệp định thương mại tự do với các nước trong khối ASEAN cũng là một lợi thế, khi các hãng xe ở Thái Lan chỉ phải trả mức thuế rất thấp, hoặc miễn thuế khi xuất khẩu xe hơi trong khu vực.

Lao động tại đây cũng rẻ hơn các nước phát triển và Trung Quốc, dù không bằng một số nước ASEAN lân cận. Tuy nhiên, những người này lại có kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết.

“Việc này đã giúp Thái Lan giữ chân nhà đầu tư trước sự cạnh tranh của các thị trường như Việt Nam hay Indonesia với chi phí nhân công thấp hơn”, Maxfield Brown - Giám đốc nghiên cứu kinh doanh tại Dezan Shira & Associates nhận xét.

Năm 2002, Viện Ôtô Thái Lan đã công bố kế hoạch 6 năm cải tổ Thái Lan thành “Detroit châu Á”. Giai đoạn 2000 - 2017, sản xuất ôtô nước này đã tăng gần 400%.

Dù 60% xe sản xuất tại Thái Lan được xuất khẩu, thị trường nội địa ở đây cũng đang có nhiều tín hiệu tăng trưởng, một phần nhờ tầng lớp trung lưu tăng. Năm 2013, chỉ 18% hộ gia đình nước này không có xe hơi, theo khảo sát của Nielsen.

Tầng lớp trung lưu Đông Nam Á được OECD dự báo tăng gấp đôi lên 400 triệu người năm 2020. Đây sẽ là cơ hội khổng lồ cho các hãng xe tại Thái Lan.

Thái Lan được đánh giá vượt trội về khả năng sản xuất các loại xe thương mại, đặc biệt là xe bán tải. Đây là thị trường lớn nhì thế giới về dòng xe này, chỉ sau Mỹ. Nguyên nhân là phần lớn người Thái Lan sống ở nông thôn. Vì thế, loại xe này khá kinh tế với các gia đình nhiều thành viên.

GM chỉ sản xuất hai loại xe ở Thái Lan, là Colorado và Trailblazer. Hãng cho biết xe bán tải chiếm 42% thị phần nước này. “Từ năm 2000, GM đã đầu tư hơn 2 tỷ USD vào các cơ sở sản xuất ở Rayong. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào Thái Lan, cả về hệ thống đại lý, sản phẩm và dịch vụ”, người phát ngôn của GM cho biết.

Hiện tại, chính phủ Thái Lan còn muốn thu hút sản xuất xe điện và các loại xe thân thiện với môi trường về nước này. Nó nằm trong kế hoạch Hành lang Kinh tế Phía đông trị giá 45 tỷ USD được thông qua hồi tháng 2. Kế hoạch này có rất nhiều sáng kiến về phát triển và thương mại để thúc đẩy hoạt động công nghiệp tại Rayong và các tỉnh lân cận.

Thái Lan cũng sẽ tiếp tục ưu đãi thuế, đẩy nhanh tốc độ làm visa cho nhà đầu tư, cũng như nghiên cứu khả năng cho thuê đất tới 99 năm. Cơ quan Giám sát Đầu tư Thái Lan dự báo nước này sẽ tạo ra 3 triệu ôtô năm 2020, đưa họ lên vị trí thứ 8 về sản xuất ôtô toàn cầu.

Dù vậy, bất ổn chính trị vẫn khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Các cuộc đảo chính năm 2006 và 2014 đều khiến các hãng xe lao đao.

Cạnh tranh từ các nước láng giềng cũng đang tăng lên, dù triển vọng của Thái Lan vẫn rất sáng sủa. “Thị trường ôtô nội địa của Indonesia đang tăng trưởng đều đặn vài năm gần đây, nhưng vẫn còn kém xa Thái Lan về quy mô và sự phát triển trong chuỗi cung ứng”, Brown kết luận.

Ý kiến của bạn

Bình luận