Thái Nguyên: Hiệu quả từ các dự án giao thông kết nối

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Thị trường 30/08/2016 05:10

Đến năm 2020 cơ bản đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

01_PRHJ
QL 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên

Theo Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên, đến hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 30km đường cao tốc và 212,8km quốc lộ và QL17 mới được Bộ GTVT nâng cấp từ đường tỉnh dài 30,7km; có 17 tuyến đường tỉnh dài 351,3km; 109 tuyến đường huyện có chiều dài 893,42km; đường xã có trên 3.232km và hàng nghìn kilomet đường thôn bản, nội đồng. Công tác xây dựng nông thôn mới được chú trọng đầu tư. Thời điểm năm 2011, toàn tỉnh có 01/142 xã đạt chuẩn về giao thông (đạt tỷ lệ 0,7%), đến hết năm 2015 đã có 51/143 xã đạt chuẩn về giao thông nông thôn mới (đạt 35,6% số xã đạt chuẩn), hoàn thành theo đúng chỉ tiêu đề ra theo kế hoạch, góp phần vào đảm bảo TTATGT và kéo giảm TNGT.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Trương Văn Phụng - Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên cho biết, những năm qua, Sở đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách và đi lại của nhân dân. Công tác xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh tiếp tục được quan tâm, đầu tư hoàn chỉnh để đến năm 2020 cơ bản đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bên cạnh đó, Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện đầu tư, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả các dự án giao thông kết nối các khu công nghiệp trọng điểm với hệ thống quốc lộ và mạng lưới giao thông của tỉnh. “Với đồng loạt các dự án được triển khai, hệ thống giao thông của tỉnh đã và đang được đầu tư kết nối liên hoàn giữa khu công nghiệp với mạng lưới giao thông đối ngoại của tỉnh như: Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, từ đó liên hoàn đến các khu vực kinh tế lớn khác trong khu vực. Nhờ đó, việc lưu thông hàng hóa thuận tiện, khoảng cách vận chuyển được rút ngắn. Đây chính là điểm sáng, là lợi thế về hạ tầng để các nhà đầu tư quan tâm và biết đến Thái Nguyên nhiều hơn trong những năm vừa qua”, ông Phụng chia sẻ.

Cũng theo ông Phụng, phát huy những kết quả đã đạt được thời gian qua, Sở GTVT Thái Nguyên sẽ tiếp tục bám sát và thực hiện các mục tiêu đề ra trong Quy hoạch GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt, bao gồm hệ thống đường cao tốc, hệ thống quốc lộ và hệ thống đường tỉnh, hệ thống đường vành đai TP. Thái Nguyên, tạo thành hệ thống các trục dọc Bắc - Nam, trục ngang Đông - Tây; hệ thống nan quạt hướng tâm; hệ thống vành đai liên huyện với trung tâm TP. Thái Nguyên cùng mạng lưới đường đô thị, đường giao thông nông thôn đảm bảo giao thông thông suốt gắn kết chặt chẽ với mạng giao thông quốc gia với tuyến liên vận quốc tế nối với cửa khẩu Hữu Nghị Quan sang Trung Quốc, nối liền các khu vực đô thị, các vùng kinh tế động lực, các vùng vành đai kinh tế của tỉnh. Ngoài ra, địa phương rất chú trọng đầu tư xây dựng các tuyến trục dọc, trục ngang hoàn chỉnh. Hệ thống đường cao tốc gồm tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn. Hệ thống quốc lộ gồm các tuyến QL3, QL1B, QL37, đường Hồ Chí Minh, đường vành đai V Hà Nội; nâng cấp tuyến ĐT268 lên thành quốc lộ. Quy mô các tuyến quốc lộ đạt tối thiểu cấp III, kết cấu mặt đường bê tông nhựa. Hệ thống đường tỉnh đạt tối thiểu cấp IV miền núi vào năm 2020, đạt cấp III vào năm 2030; kết cấu mặt bê tông nhựa, bê tông xi măng tỷ lệ đạt 100%; chuyển một số tuyến đường huyện quan trọng lên thành đường tỉnh; thay thế toàn bộ cầu yếu, ngầm, tràn bằng cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu.

Ông Tân Hoàng Long - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết thêm, với sự nỗ lực, cố gắng của Sở GTVT trong những năm qua, Ban ATGT tỉnh Thái Nguyễn đã thực hiện thắng lợi Đề án “Kiềm chế và đẩy lùi TNGT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2015”, các chỉ tiêu về ATGT đều được kéo giảm ở 3 tiêu chí. Có được kết quả như trên, Ban lãnh đạo Sở GTVT đã đoàn kết một lòng, thực hiện hiệu quả các giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao trách nhiệm quản lý của các phòng, ban, đơn vị đối với công tác bảo đảm TTATGT; thực hiện nghiêm chức trách, nhiệm vụ trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành GTVT, đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, nâng cao nhận thức và văn hóa cho người tham gia giao thông.

Cùng với đó, Sở GTVT còn chủ động tham mưu, đề ra những giải pháp hữu hiệu để Ban ATGT tỉnh thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT và đẩy lùi TNGT. Do đó, năm 2013, Ban ATGT tỉnh Thái Nguyên được Ủy ban ATGT Quốc gia tặng cờ thi đua, năm 2014 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích bảo đảm TTATGT. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tặng bằng khen cho UBND tỉnh về thành tích đảm bảo TTATGT giai đoạn 2011 – 2015.

Ý kiến của bạn

Bình luận