Thành công xử lý xe quá tải địa bàn phía Nam

Tác giả: văn quyết

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 02/02/2017 05:04

Với sự quyết tâm của lực lượng chức năng tại các tỉnh phía Nam, hàng trăm kế hoạch thanh, kiểm tra được triển khai, đồng thời đưa cân tự động vào sàng lọc chặn đứng những hành vi vi phạm xe chở quá tải trọng.

h3
Năm 2016, Cục Quản lý đường bộ IV đã tiến hành xử phạt 124 xe vi phạm quá tải

Sử dụng cân tự động sàng lọc xe quá tải

Năm 2016, tiếp tục thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT là Năm ATGT với chương trình hành động “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, các tỉnh, thành phía Nam nâng cao quyết tâm triển khai thực hiện hàng trăm cuộc thanh, kiểm tra, đồng thời đưa thiết bị cân tự động áp dụng vào thực tế với mục tiêu siết chặt xử lý xe quá tải.

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế của cả nước với lượng xe tải ra vào rất lớn tại các cửa ngõ. Ngày 11/7/2016, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đã triển khai đặt 3 trạm cân tự động ở vị trí cửa ngõ gồm: Cầu Giồng Ông Tố trên đường Đồng Văn Cống (quận 2), cầu Kỳ Hà 1 trên đường Vành đai Đông (quận 2) và cầu Ông Lớn trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) kiểm soát cả 2 chiều.

Các trạm cân hoạt động 24h tất cả các ngày trong tuần. Tại các trạm cân, khi hệ thống tự động phát hiện xe quá tải sẽ truyền thông tin đến máy tính, lực lượng thanh tra Sở GTVT sẽ phối hợp với Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) yêu cầu xe vào kiểm tra cân một lần nữa, nếu xác định có vi phạm sẽ xử phạt.

Ông Lê Hồng Việt - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Ưu điểm của hệ thống cân xe tự động là cân xe từ xa, khi phát hiện xe quá tải tín hiệu sẽ được báo về máy tính của lực lượng kiểm soát để lực lượng chức năng xử lý. Trước đây, lực lượng chức năng khi nghi ngờ phương tiện nào chở quá tải thì mời vào cân xe. Hệ thống cân tự động sẽ lọc xe quá tải để lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra tải trọng”.

Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, năm 2016 Thanh tra Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện và xử phạt 3.895 vụ vi phạm về chở hàng quá tải trọng cho phép với tổng số tiền 36,6 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn xử phạt 987 vụ thi công công trình với số tiền xử phạt là 5,19 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp đã ý thức về chở hàng đúng quy định

Nhằm ngăn chặn các trường hợp phương tiện chở hàng quá tải, quá khổ, gây hư hỏng công trình giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ, năm 2016 Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đã thực hiện 2.483 đoàn kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 6.918 trường hợp, trong đó 1.134 trường hợp chở hàng quá tải, 639 trường hợp vận chuyển vật liệu xây dựng rơi vãi trên đường, 1.971 trường hợp vi phạm vận chuyển hành khách không đúng nơi quy định, 3.174 trường hợp vi phạm TTATGT.

Ông Dương Mạnh Hưng - Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cơ bản không còn xe quá khổ, quá tải. Năm 2016, chúng tôi đã tập trung thành lập đoàn liên ngành kiểm tra công tác kinh doanh vận tải, các đơn vị thi công, khai thác. Trong kiểm soát tải trọng xe hiện nay chúng tôi phải xử lý tận gốc tại các bến cảng, hầm mỏ”.

h2Các doanh nghiệp vận tải đã ý thức được việc chở hàng đúng quy định

“Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp đã có chuyển biến rất tích cực và tự ý thức về việc chấp hành chở đúng tải trọng. Tuy nhiên, địa bàn Đồng Nai rất rộng, trong khi lực lượng mỏng, trang thiết bị vẫn còn thiếu thốn và trong quá trình đi làm vẫn còn một số đối tượng chống đối, không chấp hành, né tránh, cho người theo dõi lực lượng chức năng. Năm 2017, nhiệm vụ xử lý xe quá khổ, quá tải vẫn được chúng tôi đặt lên hàng đầu và xây dựng kế hoạch liên ngành với CSGT, rà soát các điểm nóng có nguy cơ tái vi phạm về quá khổ, quá tải, tập trung triển khai các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách”, ông Hưng nhấn mạnh.

Tại Cục Quản lý đường bộ IV, đơn vị đã triển khai 17 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định của pháp luật về tải trọng, khổ giới hạn xe ô tô tải, kích thước giới hạn thùng chở hàng ô tô tải tự đổ, bốc, xếp hàng hóa lên xe ô tô tải của các tổ chức, cá nhân hoạt động vận tải đường bộ và các đơn vị thi công các dự án công trình giao thông đường bộ trên các tuyến, đoạn tuyến quốc lộ thuộc phạm vi quản lý và đã xử phạt 146 xe vi phạm. Trong đó, 124 xe quá tải, 12 xe cơi nới kích thước thùng, 8 xe vừa vi phạm quá tải vừa vi phạm cơi nới kích thước thùng, 2 xe hết hạn kiểm định, không chấp hành kiểm tra tải trọng xe; tiến hành lập biên bản 274 trường hợp vi phạm hành chính (cả chủ xe và lái xe) với số tiền 3,03 tỷ đồng và tước giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký và tem kiểm định có thời hạn 124 trường hợp.

Ngoài ra, Cục Quản lý đường bộ IV đã tổ chức 22 cuộc khảo sát lưu lượng xe ô tô tải có dấu hiệu chở hàng quá tải trọng quy định, cơi nới kích thước thùng xe lưu thông trên một số tuyến, đoạn tuyến quốc lộ trọng điểm (QL1, QL1K, QL13, QL14, QL20, QL27, QL51, QLN2 và các cảng thuộc địa bàn TP. Hồ Chí Minh theo thông tin phản ánh qua đường dây nóng của Tổng cục ĐBVN) và gửi văn bản đề nghị cơ quan chức năng địa phương để kiểm tra, xử lý. Đồng thời, Cục chỉ đạo các chi cục quản lý đường bộ phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương (thanh tra sở GTVT, CSGT...) trên địa bàn 22 tỉnh, thành phía Nam thực hiện 13 kế hoạch phối hợp liên ngành về kiểm soát tải trọng phương tiện.

Ý kiến của bạn

Bình luận