Thanh niên đóng vai trò then chốt trong xây dựng văn hóa giao thông

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
Xã hội 03/09/2018 08:20

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Thanh niên là người chủ tương lai của đất nước, nước nhà thịnh hay suy, mạnh hay yếu, một phần là do thanh niên”. Chính vì vậy, việc nâng cao một khía cạnh nhỏ như văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên cũng là một viên gạch rất quan trọng để góp phần hoàn thiện nhân cách, con người cho các em, cùng thực hiện mục tiêu kéo giảm TNGT.

 

2016_25_7_ninhkieu
Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên là nhiệm vụ cần thiết, quan trọng

Hiệu quả chưa cao

Ngày nay, mỗi khi ra đường chắc không ít người tự hỏi “Chuyện gì đang xảy ra? Vì sao văn hóa giao thông của dân mình ngày càng kém đi như vậy? Phải chăng con số 24 người chết mỗi ngày vì TNGT chưa đủ để cảnh báo” hay là ai cũng nghĩ “Tai nạn nó sẽ chừa mình ra?”. TNGT và UTGT đang diễn ra hàng ngày. Nguyên nhân chủ yếu là do người tham gia giao thông coi thường, không tôn trọng những nguyên tắc đơn giản nhất như: Không vượt đèn đỏ, không đi ngược chiều, không chạy xe quá tốc độ, không uống rượu bia khi lái xe… Điều đáng lo ngại nhất chính là phần lớn những người thiếu ý thức tôn trọng luật giao thông cơ bản ở độ tuổi thanh thiếu niên. Thanh thiếu niên là nguồn nhân lực chính của tương lai, nếu không giúp được thế hệ trẻ thay đổi hành vi thì chỉ vài năm nữa văn hóa giao thông nước ta sẽ không có gì chuyển biến, thậm chí có thể còn xuống thấp hơn vì họ sẽ là gương xấu cho các thế hệ tiếp theo.

Điều đáng nói, thanh niên ngày nay có trình độ học vấn cao hơn các thế hệ trước. Từ bậc tiểu học, học sinh đã được học về ATGT trong chương trình chính khóa. Những nội dung này được tiếp tục giảng dạy chuyên sâu ở các bậc cao hơn. Bên cạnh đó, vấn đề ATGT còn được đề cập trong các buổi sinh hoạt đoàn thể và được đề cập thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy vì sao những thanh niên còn đang ngồi trên ghế nhà trường hoặc chưa rời ghế nhà trường bao lâu lại nhanh “quên” những điều đã học?

Trả lời cho câu hỏi này, theo GS. Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên nhân là do quan niệm “thi gì học nấy”, “không thi không học” đã ăn sâu, trở thành tập quán của người đi học ở nước ta. ATGT không phải là nội dung thi chuyển cấp, tốt nghiệp và cũng không liên quan đến định hướng nghề nghiệp tương lai của các bạn trẻ nên thầy cô có dạy cũng chỉ cốt đảm bảo chương trình, người học nghe giảng thì nghe vậy nhưng không nhập tâm, cả thầy lẫn trò đều không đi tìm hiểu, đổi mới cách dạy, cách học sao cho hiệu quả.

“Hiện nay, tình trạng học một đằng thực hành một nẻo đang là hạn chế trong cách dạy, cách học tại nhà trường, đặc biệt là trong cách dạy học ATGT. Đó là hiện tượng “học nhiều tập ít” hoặc “học mà không tập”. Nếu kiến thức về ATGT chỉ được truyền giảng cho học sinh theo kiểu dạy lý thuyết đơn thuần mà không có thực hành, đặt học sinh vào những tình huống khác nhau để hình thành phản xạ và thói quen cho các em thì những kiến thức đó không thể ngấm được vào học sinh, không thể thay đổi nhận thức, hành vi của các em”, GS. Thuyết phân tích.

Cũng theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, tâm lý chủ quan, “nước đến chân mới nhảy”, “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” của nhiều thế hệ thanh thiếu niên cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến TNGT. Ai cũng biết TNGT và UTGT ở các đô thị rất nghiêm trọng nhưng biết thì biết vậy, các bạn trẻ vẫn nghĩ những vấn nạn này ở đâu đó chứ không liên quan đến mình. Chỉ khi nó xảy ra với bản thân mình hoặc người thân, các bạn mới “vò đầu bứt tai” kêu khổ, thậm chí có những người không còn cơ hội để ân hận, than thân nữa.

Tạo động lực để thay đổi

Mặc dù công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức và văn hóa khi tham gia giao thông tại các trường học đã được chú trọng, đẩy mạnh trong nhiều năm qua nhưng những vi phạm, gây TNGT của đối tượng học sinh, sinh viên vẫn còn diễn biến phức tạp.

Có thể thấy, xây dựng văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên cần thời gian và sự đầu tư công phu để đạt được kết quả như mong muốn. Chừng nào còn tiếp tục thực hiện những giải pháp thiếu thực tế, không nghiêm thì chừng ấy còn chưa khắc phục được. Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên là câu chuyện không thể giải quyết một sớm một chiều, nhưng không phải là vấn đề không thể thay đổi, điều chỉnh.

Để hạn chế việc vi phạm khi tham gia giao thông trong thanh thiếu niên cần áp dụng nhiều giải pháp một cách đồng bộ. Theo đó, gia đình, nhà trường và xã hội là 3 mắt xích quan trọng, cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với nhau trong tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức về văn hóa giao thông ngay từ nhỏ với các em. Về phía nhà trường cần có kế hoạch, biện pháp cụ thể để lồng ghép nội dung, tăng cường biểu dương khen thưởng các tấm gương tốt và kịp thời nhắc nhở những học sinh vi phạm. Xã hội, các tổ chức đoàn thể như đoàn thành niên địa phương, của các nhà trường cũng cần vào cuộc. Điều quan trọng nhất là nhà trường cần hiểu tâm lý từng học sinh vi phạm để có cách giáo dục riêng, tùy trường hợp làm quyết liệt hay nhắc nhở, khuyên răn. Mặt khác, giáo viên, cha mẹ cũng cần làm gương. Về lâu dài, sách giáo khoa cần có chương trình riêng về ATGT.

Bên cạnh đó, cần luật hóa các hình thức xử phạt, nâng cao mức phạt tương ứng với mỗi hành vi vi phạm của người tham gia giao thông, tức là một mặt vừa vận động tuyên truyền, giáo dục, mặt khác phải xử lý bằng pháp luật để mang tính răn đe nhằm tạo thói quen tự giác tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Một trong những việc cấp thiết nhất hiện nay là phải giáo dục lớp trẻ trở thành người có văn hóa và khi thành người có văn hóa thì họ sẽ hành động có văn hóa, trong đó có việc tham gia giao thông. Bên cạnh đó, cũng cần có những chiến dịch tuyên truyền ATGT trong học sinh, sinh viên.

Đồng thời, các địa phương cần tổ chức nhiều hoạt động để tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông cho học sinh, sinh viên. Các cấp đoàn thanh niên cần duy trì các câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên tham gia giữ gìn TTATGT, làm sao văn hóa giao thông phải thấm vào từng con người, người lớn phải làm gương, người nhỏ noi theo và dần hình thành ý thức.Xây dựng nếp sống văn hóa và văn hóa giao thông trong đoàn viên, thanh niên là nhằm giúp cho mọi người ý thức và trách nhiệm đúng khi tham gia giao thông, không chỉ vì lợi ích của bản thân mà còn phải đảm bảo an toàn cho những người khác. TNGT chỉ có thể thuyên giảm khi ý thức của mỗi người được nâng lên, trong đó thanh niên đóng vai trò then chốt

Ý kiến của bạn

Bình luận