Thanh tra có trọng điểm, nghiêm minh để phòng ngừa vi phạm, tiêu cực

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Pháp luật giao thông 28/12/2022 18:38

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn yêu cầu Thanh tra Bộ GTVT tiếp tục thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung và thực hiện công vụ nghiêm minh.

Thanh tra có trọng điểm, nghiêm minh để phòng ngừa vi phạm, tiêu cực - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị

Nghiêm minh để phòng ngừa sai phạm

Ngày 28/12, Đảng bộ, Thanh tra Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đánh giá và biểu dương Đảng ủy Thanh tra Bộ, lãnh đạo và tập thể Thanh tra Bộ GTVT năm 2022 đạt nhiều kết quả công tác nổi bật, tích cực.

Năm qua, trong điều kiện biên chế, lực lượng của Thanh tra Bộ mỏng nhưng đã hoàn thành 100% kế hoạch thanh tra và thêm 43% kế hoạch thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của cấp trên.

Nội dung kiểm tra, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm và theo định hướng của Thanh tra Chính phủ; bám sát chỉ đạo của Bộ GTVT, góp phần giữ kỷ luật, kỷ cương ngành GTVT và phòng chống tham nhũng tiêu cực.

Tuy vậy, với một vài vụ việc nổi cộm xảy ra trong lĩnh vực GTVT và đơn vị thuộc Bộ GTVT gần đây, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đánh giá, công tác thanh tra, kiểm tra cần phát huy tác dụng cảnh báo mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa sớm, từ xa tiêu cực, tham nhũng.

"Trong điều kiện nguồn nhân lực còn mỏng, Thanh tra Bộ không thể thanh tra dàn trải hết các lĩnh vực, các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT. Do đó, cần tiếp tục tập trung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vấn đề nóng, bức xúc của xã hội, những lĩnh vực có nguy cơ tiềm ẩn tham nhũng, tiêu cực.

Chú trọng thanh tra công vụ, trách nhiệm quản lý, trách nhiệm người đứng đầu để đánh giá toàn diện về thực trạng của từng lĩnh vực, từ đó kịp thời tham mưu Bộ tăng cường quản lý nhà nước", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nói.

Cùng đó, Thứ trưởng yêu cầu Thanh tra Bộ tiếp tục đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức trong đơn vị về chấp hành kỷ luật, kỷ cương, quy định pháp luật trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; xây dựng Đảng bộ Thanh tra Bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, đoàn kết.

''Một thanh tra làm nghiêm minh, một đoàn thanh tra thực hiện công tác nghiêm minh sẽ có tác dụng lan tỏa rộng phòng ngừa vi phạm, tiêu cực, tham nhũng", Thứ trưởng nhắn nhủ.

Thanh tra có trọng điểm, nghiêm minh để phòng ngừa vi phạm, tiêu cực - Ảnh 2.

Năm 2022, Thanh tra Bộ GTVT hoàn thành 100% kế hoạch và 43% kế hoạch thanh tra đột xuất

Lần đầu kiểm soát tài sản thu nhập và kiểm toán nội bộ

Trước đó, Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lâm Văn Hoàng cho biết, năm 2022, Thanh tra Bộ bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên còn thực hiện triển khai 2 lĩnh vực mới là kiểm soát tài sản thu nhập cá nhân (triển khai tại 3 đơn vị, theo hình thức bốc thăm) và kiểm toán nội bộ.

Kết quả, Thanh tra Bộ hoàn thành 100% kế hoạch thanh tra năm 2022 và 43% kế hoạch thanh tra đột xuất theo chỉ đạo, cùng đó đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt công tác. Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực nóng, được dư luận xã hội quan tâm; tăng cường kiểm tra mang tính phòng ngừa ngay từ xa đối với các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong lĩnh vực xây dựng cơ bản như dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành...

Thanh tra Bộ đã chủ trì thực hiện tổng số 30 cuộc thanh tra, kiểm tra (trong đó có 13 cuộc đột xuất theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Bộ chiếm 43%). Trong đó, thực hiện 22 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính. Qua kết luận thanh tra đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 618 triệu đồng, xử lý kinh kế khác trên 7,011 tỷ đồng.

Thanh tra có trọng điểm, nghiêm minh để phòng ngừa vi phạm, tiêu cực - Ảnh 3.

Năm 2022, các đơn vị Thanh tra GTVT trên toàn quốc xử phạt gần 55.800 vụ vi phạm, với số tiền phạt hơn 299 tỷ đồng

Trong công tác thanh tra chuyên ngành, triển khai 8 cuộc thanh tra, với nội dung thanh tra, kiểm tra chủ yếu: công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; quản lý hoạt động phương tiện thủy nội địa tuyến vận tải ven biển; hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới; công tác quản lý, cung cấp dịch vụ ga, kho hàng hoá  hàng không... Qua đó, kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 tổ chức và 12 cá nhân có vi phạm; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm và khắc phục các tồn tại, hạn chế phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra.

Về xử lý sau thanh tra, Thanh tra Bộ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước qua tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ số tiền trên 10,6 tỷ đồng.

Về phương hướng năm 2023, Thanh tra Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành 100% kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023 và các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất khác do lãnh đạo Bộ GTVT giao. Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương pháp, cách thức tiến hành thanh tra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra có tính phòng ngừa; thanh tra trách nhiệm của các chủ thể trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GTVT; nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Năm 2022, Thanh tra Bộ tham mưu và ban hành 15 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác thanh tra chuyên ngành GTVT và nhiều văn bản hướng dẫn, giải đáp; tổ chức 4 hội nghị tập huấn nghiệp vụ Thanh tra ngành GTVT toàn quốc và 6 buổi tập huấn cho Thanh tra Sở GTVT địa phương.

Với những chỉ đạo trên, từ tháng 12/2021 đến tháng 12/2022, các đơn vị đã thực hiện hơn 89.800 cuộc thanh, kiểm tra; quyết định xử phạt gần 55.800 vụ vi phạm, với số tiền xử phạt trên 299 tỷ đồng.

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Bộ tiếp nhận 756 đơn, trong đó có 218 đơn khiếu nại, 136 đơn tố cáo, 403 đơn kiến nghị, phản ánh; so với năm 2021, tăng 162 đơn (tương đương 27,3%).

Nội dung đơn thư chủ yếu liên quan công tác tổ chức cán bộ; đầu tư xây dựng; thực hiện chế độ chính sách, quản lý và sử dụng tài sản nhà nước. Số lượng đơn thư trùng lặp, đơn mạo danh, nặc danh và đơn thư vượt cấp liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án ở các địa phương vẫn chiếm tỷ lệ cao.