Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện chủ trì cuộc họp. |
Giao quyền cấp phép quá khổ, quá tải cho các Sở
Ông Đặng Văn Trung, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT cho biết, từ sau ngày 1/4/2014, thực hiện việc đồng loạt kiểm soát tải trọng phương tiện, ngoài việc các xe trước đây thường xuyên chở hàng quá tải, nay cơ bản đã chấp hành tốt qui định không chở hàng quá tải, đa số các doanh nghiệp vận tải hàng siêu trường siêu trọng (STST) cũng đã chấp hành tốt qui định vận chuyển hàng STST. Công tác cấp giấy phép lưu hành xe của các sở GTVT, các Cục QLĐB và Tổng cục ĐBVN đã đáp ứng nhu cầu xin giấy phép của các doanh nghiệp vận tải hàng STST.
Đồng thời đảm bảo về tiến độ, thủ tục hành chính nhanh gọn (không quá 2 ngày kể từ khi đủ thủ tục), một số đơn vị đã xây dựng phần mềm cấp GPLX như Cục QLĐB I, bộ phận cấp giấy phép lưu hành xe của Tổng cục ĐBVN đã áp dụng nhận hồ sơ qua mạng, doanh nghiệp chỉ phải đến Tổng cục 1 lần đề nhận giấy phép, những trường hợp phải khảo sát, gia cường cầu, đường được tạo điều kiện nhanh nhất, một số trường hợp phức tạp, Tổng cục trưởng trực tiếp họp bàn, chỉ đạo công tác khảo sát, gia cường và cấp giấy phép lưu hành xe.
Các sở GTVT, các Cục QLĐB và Tổng cục ĐBVN đã tổ chức cán bộ, chuyên viên kiêm nhiệm phụ trách và thực hiện việc cấp giấy phép lưu hành xe cho doanh nghiệp; công khai trình tự, thủ tục, lệ phí theo qui định để người đến xin giấy và người cấp giấy thực hiện. Tăng cường kiểm tra và chấn chỉnh công tác cấp giấy phép lưu hành xe, không để xảy ra các hành vi tiêu cực, cấp giấy phép lưu hành xe không đúng thủ tục.
Cũng theo ông Trung trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã cấp 5.159 giấy phép lưu hành xe. Trong đó, Cục QLĐB I cấp 1.303 giấy phép, Cục QLĐB II cấp 11 giấy phép, Cục QLĐB III cấp 140 giấy phép, Cục QLĐB IV cấp 2.245 giấy phép, các Sở GTVT cấp 2.245 giấy và Tổng cục ĐBVN cấp 560 giấy phép. Trong 560 giấy phép do Tổng cục ĐBVN cấp có 7 giấy phép lưu hành phải khảo sát tuyến đường và 1 giấy phép lưu hành phải gia cường cầu.
Hiện nay, Tổng cục ĐBVN đang xây dựng phần mềm cấp phép lưu hành xe qua mạng, các Tổ chức, các nhân nộp qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tuyến ở những nơi có quy định nhận hồ sơ trực tuyến.
Theo phó Vụ trưởng Đặng Văn Trung, việc củng cố lại công tác cấp giấy phép lưu hành xe là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải và giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải. Đồng thời, để thống nhất thực hiện, đảm bảo việc cấp giấy phép lưu hành xe theo đúng qui định của các văn bản pháp luật và tạo thuận lợi cho công tác vận tải và công tác kiểm soát trọng tải xe trên đường bộ.
Sau khi Thông tư mới thay thế Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT được ban hành, Tổng cục ĐBVN tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến và hướng dẫn công tác cấp phép đến các đơn vị vào tháng 11/2015. Và công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, cập nhật tải trọng và khổ giới hạn đường bộ trong phạm vi cả nước trên trang thông tin điện tử của Tổng cục ĐBVN những đoạn tuyến đường bộ đã có thông tin.
Phó Vụ trưởng Vụ ATGT Đặng Văn Trung báo cáo công tác cấp giấy phép lưu hành xe. |
Phân cấp cho các địa phương
Ông Ngô Tứ, Phó TGĐ công ty CP Vận tải đa phương thức cho biết, để vận chuyển một chuyến hàng, chúng tôi phải tính toán và thẩm định đường, doanh nghiệp đề nghị giảm hệ số phân bố tải trọng từ 1,15 xuống 1,05 và hệ số xung kích chỉ lấy bằng 1. Về quá trình tính toán và thẩm định cầu, khi thẩm định nên chia nhóm cầu, những cầu có kết cấu, thiết kế tương tự như nhau thì nên cho vào một nhóm và cho doanh nghiệp lựa chọn một đại diện cầu để thẩm định, còn các cái khác về thiết kế lẫn kết cấu sẽ thẩm định thêm để giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Chủ trì cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định “Đồng ý giảm hệ số tải trọng từ 1,15 xuống 1,05 và về cầu nên chia theo nhóm cụ thể để giảm thiểu chi phí cho các doanh nghiệp”. Tổng cục ĐBVN mục tiêu cuộc họp là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong công tác cấp giấy phép lưu hành xe và vận chuyển hàng STST. Từ đó thống nhất quan điểm giữa doanh nghiệp và nơi cấp phép, Tổng cục ĐBVN sẽ uỷ quyền hết cho các Sở. Tức là bất kể hàng hoá xuất phát từ nơi nào thì Sở đó sẽ cấp phép và chịu trách nhiệm đi qua tuyến liên tỉnh. Ông Huyện nhấn mạnh.
Với đề nghị của ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng, cấp phép đa dạng hàng hoá, xử lý sự cố phương tiện vận tải, việc xin giấy phép lưu hành hàng STST như hiện nay là quá phức tạp về thủ tục, thời gian giải quyết lâu, trong khi giấy phép chỉ có hiệu lực 2-3 ngày là gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cắt ngang lời ông Tiến, ông Huyện khẳng định, sẽ thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính, các đăng ký lưu hành, giấy kiểm định chỉ cần photo, không cần công chứng. Đồng thời đồng ý đề xuất cấp phép đa dạng hàng hoá, không bỏ quốc lộ với tỉnh lộ.
“Khi bốc hàng STST tại địa phương nào thì doanh nghiệp đến xin phép tại địa phương đó và được Sở đó xác nhận. Điều này sẽ ghi rõ trong Thông tư sửa đổi”, ông Huyện cho biết.
Đại diện Hiệp hội vận tải hàng hoá Tp Hồ Chí Minh phát biểu trong buổi họp. |
Trong buổi họp, đại diện cho các doanh nghiệp ở Tp HCM đưa ra đề nghị tách riêng giấy phép xe quá tải trọng và quá khổ đường bộ. Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện khẳng định “Phân biệt theo tải trọng thì không phù hợp. Theo tôi vẫn để theo cái cũ. Vì vấn đề này khó ở chỗ bây giờ không chỉ có Tổng cục cấp nữa, mà các Sở GTVT sẽ cấp thì khi đến làm thủ tục, các doanh nghiệp sẽ mất thời gian.”
Theo Cục trưởng Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục ĐBVN có rất nhiều mảng cấp phép và Tổng cục quyết tâm cấp phép giảm thời gian, công khai, minh bạch. Về vấn đề quá khổ, quá tải trong thời gian vừa qua, Tổng cục cần rút kinh nghiệm, những điều chưa đúng sẽ tiếp tục sửa đổi.
“ Việc phân quyền cấp phép lưu hành xe quá khổ quá tải sẽ đưa vào Thông tư báo cáo Bộ. Riêng về phía Tổng cục đường bộ VN sẽ thực hiện hướng dẫn ngay cho các Sở về thủ tục, các văn bản qui phạm pháp luật, các quyết định mới. Ngoài thanh tra các Sở, thanh tra Tổng cục tiếp tục kiểm tra trên đường, đồng thời sẽ còn hậu kiểm việc cấp phép của các Sở GTVT”, ông Huyện cho biết thêm.
Về việc sửa đổi Thông tư số 07, ông Huyện yêu cầu Vụ ATGT tiếp thu toàn bộ tất cả ý kiến của doanh nghiệp và đưa vào dự thảo Thông tư bằng văn bản báo cáo lên Bộ trong 3 ngày. Sau đó đưa lại cho toàn bộ các Sở GTVT, Hiệp hội và các doanh nghiệp lớn, tiếp nhận ý kiến phản hồi và báo cáo Bộ GTVT để tổng hợp, ban hành Thông tư.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.