Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ: Sự bền vững được tạo dựng

An toàn giao thông 19/09/2021 08:10

Nhìn lại chặng đường đầy gian truân trong cuộc chiến kéo giảm TNGT, đảm bảo sự yên bình cho nhân dân giữa thời bình, sự bền vững của ATGT nước ta đã được tạo dựng trong 1 thập kỷ đầy nỗ lực, không lơ là dù chỉ một phút vừa qua. Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đã có những chia sẻ với Tạp chí GTVT về hành trình “Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ 2011-2020”, của Việt Nam.

 

TVU09894
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia

Thưa ông, là người giữ cương vị Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia hơn nửa thập kỷ vừa qua, ông nhìn nhận như thế nào về môi trường giao thông ở nước ta trong 10 trở lại đây?

Ông Khuất Việt Hùng: Trong 10 năm qua, cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan chức năng đã có sự thích ứng hiệu quả với thời đại mới, dẫn dắt toàn xã hội liên tục tạo ra nhiều bước đột phá lớn để công tác đảm bảo trật tự ATGT chuyển mình cực kỳ mạnh mẽ.

Cũng cần phải khẳng định rằng, trước thập kỷ vừa qua, Chính phủ cũng như toàn hệ thống chính trị đã chú trọng tới ATGT, giảm thiểu TNGT, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu, là vấn đề xã hội cấp bách. Đặc biệt, kể từ năm 1997, tức là 24 năm trước, Ủy ban ATGT Quốc gia đã được thành lập trong bối cảnh TNGT trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương ở mức báo động, tăng rất nhanh, năm sau cao hơn năm trước.

Trên thực tế, trước khi bước vào Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ 2011 - 2020, nước ta đã có rất nhiều bước tiến lớn trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Điển hình nhất phải kể đến Nghị quyết 32 của Chính phủ năm 2007 về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự ATGT. Sự quyết liệt những năm ấy đã tạo nên thành công trong hàng loạt các biện pháp đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt là quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, góp phần quan trọng để giảm TNGT trong giai đoạn 2008 - 2011.

Hội nghị toàn cầu các Bộ trưởng lần đầu tiên về ATGT tại Thủ đô Moskva (Liên bang Nga) năm 2009 đánh giá việc thực hiện thành công quy định đội mũ bảo hiểm tại Việt Nam là 1 trong 10 sự kiện nổi bật nhất về ATGT của thế giới. Những đánh giá của quốc tế đối với thành quả đảm bảo ATGT của Việt Nam phần nào phản ánh nỗ lực có hiệu quả cao của hệ thống chính trị Việt Nam trong “cuộc chiến” này.

10 năm không phải chặng đường ngắn nhưng cũng đủ để mọi người nhớ lại, hình dung và so sánh ngày ấy - bây giờ, khi việc không đội mũ bảo hiểm, đội mũ kém chất lượng; uống rượu, bia khi lái xe; đi quá tốc độ; chở quá tải... đến nay đã khác hẳn.

Xin ông chia sẻ về những điểm nhấn trong hành trình thập kỷ qua?

Ông Khuất Việt Hùng: Trước năm 2011, nỗ lực giảm thiểu TNGT rất quyết liệt nhưng vẫn phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, những nỗ lực ấy chưa thật sự bền vững. Năm 2010, cả nước xảy ra 14.400 vụ TNGT, làm chết 11.449 người, bị thương 10.633 người. Đáng lo ngại hơn cả là hàng loạt nguy cơ tiềm ẩn hiện hữu ở mọi nẻo đường. Để giảm TNGT, tạo dựng môi trường giao thông thì điều căn cơ nhất là phải xóa bỏ những nguy cơ mà phần nhiều từ thói quen của người tham gia giao thông. Điều này cũng chính là yếu tố để tạo nên sự bền vững thực chất.

Ở góc nhìn rộng, TNGT là vấn nạn của toàn nhân loại nên hầu hết thế giới đều hưởng ứng sáng kiến của Liên hợp quốc về Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ. Việt Nam đã khẳng định cam kết, trách nhiệm với quốc tế trong cuộc chiến mà thiệt hại nhân mạng còn cao hơn cả chiến tranh này. Từ năm 2011 đến nay, chúng ta từ việc thức tỉnh về nỗi đau TNGT, ổn định mức độ TNGT đã chuyển tới từng bước thiết lập được ATGT bền vững với con số TNGT giảm liên tục toàn diện trong 10 năm.

Nửa đầu thập kỷ, giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/2011 về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự ATGT với những giải pháp đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về GTVT; tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác của người tham gia giao thông; xây dựng văn hóa giao thông. Từ đó, số người chết vì TNGT năm 2012 giảm mạnh, xuống còn dưới 10.000 người. Giai đoạn này đã giảm 12.546 số người chết do TNGT so với 5 năm trước đó. Tỷ lệ số người tử vong do TNGT theo thông lệ quốc tế cũng liên tục giảm mạnh. Riêng giai đoạn 2014 - 2016, số người chết do TNGT giảm xuống dưới 9.000 người/năm.

Những năm này, công tác tuyên truyền về ATGT vô cùng sôi nổi, là giai đoạn kiến thức, thông tin về ATGT ngập tràn trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội để mọi người dễ dàng tiếp cận và thực tế đã phần nào đi sâu vào tiềm thức mọi tầng lớp.

Giai đoạn 2016 - 2020, hàng loạt biện pháp đồng bộ tiếp tục được đẩy mạnh. Đến năm 2019, sau chặng đường dài nỗ lực không ngừng, chúng ta đã hiện thực hóa mục tiêu giảm từ 5 -10% cả 3 tiêu chí TNGT. Nhiều sự kiện ATGT với cách tiếp cận mới có quy mô lớn, sức lan tỏa mạnh mẽ được thực hiện với sự hưởng ứng vượt mong đợi từ cộng đồng xã hội. Minh chứng là, công tác đảm bảo trật tự ATGT đã đạt được sự đoàn kết toàn dân mà hình ảnh dễ nhận thấy nhất là những sự kiện cộng đồng, tuần hành cũng như hiệu ứng xã hội về kêu gọi hành động chống “ma men”, đội mũ bảo hiểm cho trẻ em...

IMG_8819-01
 

Năm 2019 cũng là năm Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia - điều luật cấm triệt để hành vi lái xe sau khi sử dụng rượu bia. Nghị định 100 ra đời vào những ngày cuối năm và có hiệu lực ngay lập tức, tạo ra “cú đấm thép” xử lý vi phạm về ma túy, nồng độ cồn; xử lý nghiêm các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT như chạy quá tốc độ, lấn làn, vượt ẩu... Năm 2019 là “dấu son chói lọi”, số người tử vong do TNGT giảm xuống dưới 8.000 người/năm tạo động lực mới, nền tảng mới cho năm 2020, 2021 tiếp tục gặt hái những thành tựu tuyệt vời.

Các giải pháp mà Trung ương và Chính phủ đã ban hành, nhất là các giải pháp trọng tâm trong Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 88/NQ-CP năm 2011 và Nghị quyết số 12/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ được triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn, mang tính khả thi cao, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ hơn trong các năm tiếp theo trên mọi mặt.

Vậy theo ông, sự bền vững về ATGT được thể hiện qua điều gì?

Ông Khuất Việt Hùng: Sự bền vững chỉ được tạo nên khi nhận thức, ý thức của người dân được nâng lên. Dù cơ quan chức năng có cố gắng bao nhiêu mà không nâng cao được ý thức, nhận thức của người dân thì mọi nỗ lực đều là vô nghĩa. Thành công nhất, thực chất nhất của công tác đảm bảo trật tự ATGT là tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông.

Kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang pháp lý và người dân là những “trụ cột” chính tạo nên môi trường giao thông văn minh, hiện đại và an toàn. Nhìn vào con số giảm rất sâu TNGT trong 10 năm qua khi số lượng phương tiện tăng nhiều lần có thể gây ra những thắc mắc về con số này. Song, hãy nhìn vào sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị và ý thức, nhận thức của người dân hiện nay đối với ATGT thì sẽ thấy rằng, TNGT sẽ còn giảm nữa và sẽ giảm rất mạnh. Kinh tế - xã hội tăng trưởng vượt bậc; GTVT, trong đó có kết cấu hạ tầng cũng đạt được nhiều kỳ tích phát triển; hệ thống pháp luật ngày càng đi sâu vào đời sống; trình độ của người dân được nâng cao, hội nhập sâu rộng. Có thể thấy, 10 năm qua, chúng ta đã thiết lập nên sự bền vững về ATGT, cũng như thiết lập những chuẩn mực mới về ATGT.

Khởi đầu thập kỷ mới, từ năm 2021, sự bền vững sẽ tiếp tục được nâng tầm với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự ATGT từ cấp Trung ương đến tận cấp cơ sở, đây cũng là chủ đề Năm ATGT 2021. Từ năm 2021 cũng là thời điểm đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế và quá trình hội nhập khu vực và quốc tế mạnh mẽ, nhu cầu vận tải hàng hóa, đi lại giữa các vùng miền, giữa Việt Nam với thế giới sẽ trở nên nhộn nhịp hơn nhiều, phương tiện giao thông tăng nhanh. Vì vậy, cả hệ thống chính trị đã nêu cao quyết tâm bền bỉ và cam kết mạnh mẽ tiếp tục thực hiện cho được mục tiêu kéo giảm TNGT một cách bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn

Bình luận