“Thất thủ” tại Trung Quốc, Uber có gặp khó tại Việt Nam?

Ứng dụng 08/08/2016 15:21

Một số chuyên gia nghi ngại về tương lai của dịch vụ này tại Việt Nam khi bị cạnh tranh ngày càng nhiều bởi đối thủ Grab.

uber-trao-giai-10000-usd-cho-ai-hack-duoc-ung-dung
 

Việc Uber thất bại tại thị trường Trung Quốc và bán công ty của mình cho Didi Chuxing khiến một số chuyên gia nghi ngại về tương lai của dịch vụ này tại Việt Nam khi bị cạnh tranh ngày càng nhiều bởi đối thủ Grab. 

Vì sao Uber bán mình tại Trung Quốc?

Thông qua thương vụ trị giá 35 tỷ USD, ứng dụng của Uber sẽ vẫn hiện diện ở Trung Quốc và Uber sẽ nhập với Didi Chuxing làm một trong đó Uber sẽ nhận được 5,89% cổ phần của công ty hậu sáp nhập, tương đương với khoảng 17,7% cổ phần của Didi Chuxing và Didi cũng sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào Uber.

Lý giải về thương vụ này, Travis Kalanick, CEO của Uber cho rằng “Việc phục vụ các thành phố, hành khách và lái xe của Trung Quốc một cách bền vững chỉ có thể hiện thực hóa cùng với lợi nhuận” trong khi trên thực tế Uber đã lỗ tới 2 tỷ USD trong 2 năm hoạt động tại đây, chủ yếu vì các khoản hỗ trợ cho lái xe hoạt động tiếp thị và khuyến mãi.

Trên thực tế, dù đã tiêu tốn tới 2 tỷ USD trong 2 năm để gây dựng cơ sở hạ tầng cho hoạt động của công ty tại Trung Quốc (bao gồm có máy chủ riêng tại Trung Quốc, hợp tác với Baidu để sử dụng hệ thống bản đồ riêng cho Trung Quốc, hợp tác với Alipay để có hệ thống thanh toán trực tuyến riêng cho người dùng tại Trung Quốc), cũng như việc lôi kéo người dùng và lái xe tại các thành phố, Uber vẫn thất bại trong việc giành giật thị phần từ đối thủ Didi Chuxing. Số liệu hiện tại cho thấy Didi Chuxing chiếm tới 85% thị phần thị trường đặt xe qua ứng dụng tại Trung Quốc, so với con số 8% của Uber.

Nhận định về thương vụ này, giáo sư William Kirby của trường Kinh doanh, Đại học Harvard cho rằng “Uber  không rút khỏi Trung Quốc vì ngại cạnh tranh với Didi, mà do các quy định (đối với công ty đặt xe) sắp được ban hành”. Các quy định sắp ban hành có thể kể đến lái xe của dịch vụ đặt xe qua ứng dụng phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm lái xe và không có tiền án, tiền sự; phương tiện dùng trong dịch vụ không được quá 7 chỗ ngồi, có tuổi sử dụng không quá 8 năm hoặc đã chạy không quá 600.000 km, phải được trang bị các trang thiết bị đảm bảo an toàn như còi báo động an toàn, GPS; các công ty đặt xe qua ứng dụng chịu trách nhiệm đóng thuế và mua bảo hiểm cho khách...

Uber có gặp khó tại Việt Nam?

Giống như những thị trường khác và Trung Quốc, ở Việt Nam, Uber cũng chi “mạnh tay” cho việc hỗ trợ lái xe và khuyến mại cho người dùng. Mặc dù đã bước chân vào Việt Nam từ đầu năm 2014, cho đến nay, Uber vẫn đang duy trì mức hỗ trợ đáng kể cho lái xe (lên đến 50% doanh thu), và liên tục có các mã giảm giá, miễn phí chuyến đi cho người dùng và người sử dụng mới.

Các quy định nhằm thắt chặt hoạt động đặt xe qua ứng dụng không hề có lợi đối với Uber, cũng là một trong những vấn đề mang tính toàn cầu đối với công ty này.

Hiện tại, Nghị định 86/2014/NĐ-CP về Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô đang được sửa đổi có bao gồm các quy định về hợp đồng điện tử được cho là sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các dịch vụ đặt xe trực tuyến như Uber.

Tháng 10/2015, Uber đệ trình lên Bộ Giao thông vận tải Đề án thí điểm và xây dựng khung pháp lú cho hoạt động dịch vụ kết nối vận tải tại Việt Nam nhưng bị trả lại với lý do Uber phải có hiện diện pháp nhân chính thức tại Việt Nam để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với các đối tác kinh doanh vận tải.

Việc Uber rút khỏi thị trường Trung Quốc được cho là sẽ tác động lớn tới chiến lược của công ty này và Uber sẽ chuyển hướng tập trung vào các thị trường khác, đặc biệt là Đông Nam Á và Việt Nam.

Phản ứng trước khả năng này, ông Anthony Tan, CEO của Grab, đã khẳng định trong tâm thư ngày 03/08/2016 gửi tới đội ngũ Grab trên toàn Đông Nam Á: “Với thương vụ tại Trung Quốc, chúng ta đều thấy rằng Uber sẽ chuyển hướng chú ý và nguồn lực tới khu vực của chúng ta. Nhưng chúng ta đã thấy rằng khi nhà vô địch chủ nhà đứng vững với lòng tin và thế mạnh của mình, họ sẽ thắng thế. Chúng ta đã chứng kiến sự thực này ở Trung Quốc, và ở đây cũng vậy. Họ đã thua một lần, và chúng ta sẽ hạ gục họ một lần nữa.” Sự đối đầu giữa Uber và Grab tại Đông Nam Á nói chung và tại Việt Nam nói riêng được kỳ vọng sẽ vô cùng nảy lửa trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn

Bình luận