Thí sinh vui vẻ rời điểm thi THPT Cầu Giấy sau môn Lịch sử. Ảnh: Dương Tâm |
Ngày 3/6, hơn 85.000 thí sinh dự thi vào lớp 10 các trường THPT công lập của Hà Nội hoàn thành bài thi cuối cùng Lịch sử. Hết giờ làm bài khoảng 10 phút, sĩ tử tại điểm thi THPT Cầu Giấy tràn ra cổng trường, nhiều em vui vẻ trao đổi với bạn.
Dành 2-3 buổi mỗi tuần với khoảng 5 tiếng để ôn tập môn Sử suốt từ tháng 3 tới nay, Nguyễn Phương Anh, cựu học sinh trường THCS Mễ Trì, đánh giá đề Sử "rất vừa sức". Các câu hỏi chủ yếu ở dạng cơ bản, yêu cầu học sinh ghi nhớ nhưng ở mức dễ; một số câu cần tư duy.
"Ngay khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố Sử là môn thi thứ tư, thầy cô ở trường đã cho chúng em luyện nhiều đề với các dạng câu hỏi tương tự nên việc ghi nhớ không mấy khó khăn", Phương Anh nói, dự đoán đạt khoảng 8 điểm.
Nguyễn Đức Anh (THCS Nam Trung Yên) tự tin đạt 8-9 điểm Lịch sử nhờ thường xuyên luyện đề qua mạng và chú ý nghe giảng trên lớp. Chỉ có ba câu không chắc chắn đáp án, Đức Anh tự tin có thể trúng tuyển vào THPT Cầu Giấy dù trường có điểm đầu vào nằm trong top đầu của thành phố.
Dự đoán được khoảng 7,5 Lịch sử, Nguyễn Tùng Dương rời điểm thi trong tâm trạng phấn khởi. Cựu học sinh trường THCS Nghĩa Tân cho rằng đề có 5-6 câu khó, không nằm trong sách giáo khoa nhằm phân loại học sinh. "Trước kỳ thi, em lo lắng vì lần đầu thi môn Lịch sử, may mắn đề không khó", Dương cười nói.
Tại điểm thi THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Bắc Từ Liêm), khi tiếng trống báo hiệu hết giờ làm bài vang lên, thí sinh ùa ra cổng trường, tập hợp thành nhóm nhỏ đối chiếu đáp án môn Lịch sử.
Hà Anh (THCS Minh Khai) nhận định đề "vừa sức, dễ lấy điểm". Quá trình ôn tập, em chú ý nghe giảng trên lớp, tìm đề trên mạng để luyện thêm kết hợp với học thuộc. "Những câu hỏi trong đề nằm trong chương trình lớp 9 nên chỉ cần nắm vững kiến thức trên lớp là có thể làm được", Hà Anh nói.
30 câu hỏi về lịch sử Việt Nam không làm khó Ngọc (THCS Phúc Diễn) vì đã ôn luyện kỹ. Tuy nhiên, em không chắc chắn với những câu lịch sử thế giới do chủ quan, học lơ là. "Quyết định thi Sử mới có từ ba tháng trước mà kiến thức môn này rất nặng nên em không thể học hết", Ngọc nói, dự đoán được 7,5 điểm.
Ra khỏi phòng thi, Minh Đức (THCS Tây Mỗ) vẫn băn khoăn với câu hỏi: "Tham dự Hội nghị Ianta (2/1945) gồm nguyên thủ những quốc gia nào"? Em đánh giá phần khó nhất nằm ở lịch sử thế giới. Nếu nắm vững kiến thức trên lớp, thí sinh có thể làm được 90%, 10% còn lại để phân loại.
Năm 2019, Hà Nội có 85.870 thí sinh thi vào lớp 10 THPT công lập (tính cả thí sinh được xét tuyển thẳng). Tổng chỉ tiêu vào các trường công lập và công lập tự chủ là 67.230, trường ngoài công lập là 21.820. Số còn lại phải học trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, học nghề. Sau mấy chục năm chỉ thi Toán, Ngữ văn, đây là lần đầu tiên thí sinh sẽ thi bốn môn gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Trong đó Toán, Ngữ văn là tự luận, Ngoại ngữ là kết hợp trắc nghiệm và tự luận, Lịch sử là trắc nghiệm. Điểm xét tuyển là tổng điểm bốn môn thi, trong đó Toán và Ngữ văn được nhân hệ số hai. Ngoài công bố điểm chuẩn, năm nay, Hà Nội sẽ công bố phổ điểm ngay sau khi có kết quả chấm thi. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.