Thị trấn Nördlingen - Đức chứa khoảng 72.000 tấn kim cương. Ảnh: German Pulse |
Khi những cư dân đầu tiên đặt chân đến thị trấn Nördlingen vào năm 898 sau Công nguyên, họ nghĩ mình đang sống trong một miệng núi lửa. Tuy nhiên, vùng lõm khổng lồ nơi thị trấn Nördlingen tọa lạc trước đây bị thiên thạch va trúng, khiến nó có hình dạng đặc biệt như ngày nay.
Trên chiếc cầu thang hẹp của tháp nhà thờ kiểu Gothic ở thị trấn Nördlingen, những bậc thang đá bị ăn mòn bởi dấu ấn thời gian dường như lóe lên dưới ánh nắng mặt trời. Người trông coi toà tháp Horst Lenner nói với phóng viên Matthew Vickery của đài BBC, lúc đó đang đi tìm hiểu thị trấn cổ xưa của Đức: "Toàn bộ toà tháp được làm bằng đá suevite và bọc trong đó là những viên kim cương nhỏ. May mắn là chúng rất nhỏ, nếu không toà tháp có thể đã không còn tồn tại đến bây giờ".
Theo những bản ghi từ thế kỷ IX sau Công nguyên, trong quá trình xây dựng thị trấn, cư dân địa phương không nhận ra loại đá mà họ sử dụng có chứa hàng triệu viên kim cương nhỏ.
Cách đây 15 triệu năm, một tiểu hành tinh có đường kính 1 km di chuyển với vận tốc 25 km/s đã lao xuống khu vực, tạo nên một cái hố khổng lồ rộng 26 km. Dưới sức nóng và áp lực cực lớn, các loại vật chất chứa carbon xung quanh lập tức bị chuyển hoá thành những viên kim cương, hầu hết đều có kích thước nhỏ hơn 0,2 mm và mắt thường không thể nhìn thấy.
Các tòa nhà ở Nördlingen được làm gần như hoàn toàn bằng đá suevite khiến thị trấn này trở nên độc nhất vô nhị.
Gần đây, người dân ở Nördlingen đã biết được nguồn gốc của "miệng núi lửa" nơi họ sinh sống. Trước đó, họ vẫn luôn tin rằng thị trấn được xây dựng trong miệng núi lửa đã ngừng hoạt động cho tới khi 2 nhà địa chất Mỹ Eugene Shoemaker và Edward Chao tới đây vào những năm 1960.
Sau khi nghiên cứu cảnh quan của Nördlingen từ xa, 2 người nhận thấy nơi này không có những đặc điểm của miệng núi lửa nên đã đến thị trấn để kiểm tra giả thuyết: đất đai được hình thành từ trên cao thay vì ở dưới. Họ đã kiểm tra các bức tường của nhà thờ để tìm hiểu loại đá được sử dụng, cuối cùng đưa ra kết luận chúng đến từ một tiểu hành tinh ngoài trái đất. Trường học ở địa phương phải thay đổi toàn bộ sách vở kể từ phát hiện của 2 nhà địa chất Mỹ.
Không lâu sau đó, các nhà địa chất địa phương ước tính các bức tường và các tòa nhà ở Nördlingen có chứa khoảng 72.000 tấn kim cương. Mặc dù đá suevite có thể được tìm thấy ở nhiều nơi khác trên thế giới từ những tác động tương tự nhưng mật độ đá quý tại những khu vực đó không cao bằng thị trấn này.
TS Stefan Hölzl, nhà địa chất kiêm Giám đốc Viện bảo tàng RiesKrater, nói: "Điều đó khá độc đáo". Nằm trong công trình xuất hiện từ thế kỷ XVI, Viện bảo tàng RiesKrater ở thị trấn Nördlingen là nơi giúp cho du khách hiểu được phần nào tác động của tiểu hành tinh. Trong 6 phòng trưng bày, có rất nhiều mảnh thiên thạch và tất nhiên là cả loại đá suevite.
Không chỉ các tòa nhà mới phản ánh sự kiện thiên thạch rơi xuống Nördlingen hàng triệu năm trước, bên ngoài những bức tường, cây cối cũng mọc um tùm trên lớp đất màu mỡ do lớp vật chất hình thành sau vụ va chạm tạo nên.
TS Hölzl nói rằng "miệng núi lửa" Nördlingen đặc biệt đến nỗi các phi hành gia của sứ mệnh Apollo 14 và Apollo 16 đã tới đây để tìm hiểu về những loại đá họ có thể tìm thấy ngoài không gian cũng như loại đá nào họ nên mang về trái đất. "Chúng tôi vẫn thường đón tiếp các phi hành gia của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cùng với Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA)" – TS Hölzl tự hào.
Mặc dù vậy, nhiều người dân trong thị trấn Nördlingen tỏ ra thờ ơ với hàng triệu viên kim cương xung quanh họ. Như một người phụ nữ đã nói với phóng viên Vickery: "Chúng tôi nhìn thấy chúng mỗi ngày. Đối với chúng tôi, chúng không có gì đặc biệt".
Còn TS Hölzl - người chuyển đến từ TP Munich – than thở: "Họ không nghĩ rằng đó là một điều thú vị. Họ tự hỏi tại sao mọi người lại đến thăm nơi này".
Giống như đá mặt trăng, TS Hölzl xem thị trấn Nördlingen là một thứ gì đó rất đặc biệt: "Thực tế là mọi thứ (ở Nördlingen) đều liên quan đến sự kiện (tiểu hành tinh va chạm) hàng triệu năm trước. Nó có thể thuộc về quá khứ nhưng mọi người vẫn nhìn thấy nó ngay bây giờ".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.