Lượng xe nhập khẩu giảm 43,1% so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Thanh niên |
Năm 2019, thị trường ô tô trong nước tăng trưởng trở lại sau hai năm 2017 và 2018 liên tục phải lập kỷ lục giảm giá “chạm đáy” để kích cầu. Nối tiếp sự “khởi sắc” đó, năm 2020 được kỳ vọng là năm thị trường vươn lên mạnh mẽ với nhiều tín hiệu tích cực. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường ô tô đã dần thích nghi với điều kiện mới như mức thu nhập của người tiêu dùng tăng cũng như các chính sách mới mang tính tiền đề như: giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu ASEAN về mức 0% áp dụng từ đầu năm 2018; thuế suất nhập khẩu linh kiện ô tô giảm xuống mức 0%...
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 hoành hành khắp toàn cầu kể từ đầu năm nay đã tạo ra “cơn sóng thần” cuốn trôi mọi sự kỳ vọng phát triển kinh tế thế giới, trong đó có nền công nghiệp ô tô. Thị trường ô tô tại Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, dù hội tụ nhiều yếu tố để sôi động trở lại nhưng phút chốc bị dập tắt. Rất nhiều nhà máy sản xuất ô tô phải đóng cửa, nhiều showroom, đại lý ngừng kinh doanh để thực hiện phòng, chống đại dịch..., tất cả đã cho thấy sự “vỡ trận” của thị trường ô tô.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), tính từ đầu năm đến hết tháng 3, lượng ô tô nhập khẩu chỉ đạt 23.000 xe, trị giá đạt 497 triệu USD, giảm 43,1% về lượng và giảm 43,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Đi kèm với tác động trực tiếp từ trong nước, chuỗi cung ứng toàn cầu cũng bị gián đoạn khi nhiều quốc gia phong tỏa toàn quốc, nhiều nhà máy đóng cửa, xuất khẩu đứt đoạn...
Thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng cho thấy “gam màu xám” khi tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường trong 02 tháng đầu năm giảm 27%, trong đó doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 20% trong khi xe nhập khẩu giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Sơ bộ đến hết tháng 3, chỉ số tồn kho ô tô của VAMA tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019. Lĩnh vực kinh doanh dịch vụ của VAMA cũng sụt giảm khoảng 40% trong 3 tháng đầu năm và có thể sẽ lên tới 70% nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.
Nhìn nhận về bối cảnh hiện tại, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, xu hướng chung của người tiêu dùng hiện nay là tích cóp, tiết kiệm và sẽ rất khó để họ đầu tư một khoản tiền lớn như việc mua ô tô. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải chịu tác động mạnh đến kinh doanh nên cũng sẽ rất thận trọng khi đầu tư mua xe.
Thị trường xe sụt giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm |
Khi thị trường “đóng băng” và nền kinh tế bị tác động mạnh, chiêu thức giảm giá sẽ một lần nữa được các hãng xe áp dụng phổ biến nhằm tạo ra “đòn bẩy” kích cầu. Trên thực tế, thời gian cuối tháng 3 khi tình hình kinh doanh “bết bát”, các hãng xe thành viên của VAMA đã phải “cầu cứu” Chính phủ và các bộ, ngành, trong đó có nội dung đề xuất các chính sách giảm gánh nặng cho doanh nghiệp; kiến nghị Chính phủ nghiên cứu và ban hành gói kích cầu chung, gia hạn các gói vay thương mại…
Đặc biệt, VAMA đề xuất Chính phủ phương án giảm 50% thuế giá trị gia tăng và 50% phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô. Đây được xem là một giải pháp cần thiết để giá xe “lăn bánh” sẽ giảm đi đáng kể và tạo ra động lực mạnh mẽ cho người tiêu dùng quyết định mua xe.
Trong 3 tháng đầu năm, các hãng xe đều có những chính sách giảm giá, khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng nhưng cũng chỉ “vớt vát” được một phần sự sụt giảm. Trong thời gian tới, khi lượng hàng tồn ngày càng tăng, để “hâm nóng” thị trường thì các chính sách “kích cầu” sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ gây nên hệ lụy đi kèm đó là tâm lý dè chừng đợi giảm giá nhiều hơn nữa - “căn bệnh” đã được chứng minh trong 3 năm qua khiến thị trường ô tô lẹt đẹt khó vực dậy.
Trong một diễn biến khác, năm nay dự kiến sẽ có nhiều chính sách có lợi cho nguồn cung trong nước cũng như nhập khẩu, báo hiệu cho giá xe tiếp tục giảm trong những năm tới, điển hình là việc các mẫu ô tô nhập khẩu dự kiến sẽ được loại bỏ các quy định như kiểm tra theo lô, giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại...
Đáng chú ý là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đang chờ Quốc hội thông qua vào tháng 5 và dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2020. Hiệp định EVFTA sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với các loại ô tô sau từ 9 đến 10 năm, trong khi mức thuế nhập khẩu hiện tại là từ 65 - 75%. Theo đó, khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực, thuế nhập khẩu đối với ô tô từ châu Âu sẽ giảm dần và đến khoảng năm 2029 - 2030 sẽ xóa bỏ hoàn toàn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.