Tối ưu hóa, tiết kiệm nhiên liệu
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) dự tính, lưu lượng hoạt động bay trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ gia tăng gấp 3 lần so với hiện tại vào năm 2030. Việt Nam nằm tại vị trí cửa ngõ giao thương của khu vực, là nơi có nhiều đường hàng không nhộn nhịp nhất trên thế giới. Trong đó, trục chính Bắc - Nam được xếp vào một trong các đường hàng không có lưu lượng hoạt động bay đông đúc trên bình diện thế giới.
Do vậy, việc thiết lập trục bay song song cao tầng Bắc - Nam sẽ giải quyết những hạn chế và thách thức trong tổ chức quản lý sử dụng vùng trời cho hoạt động bay dân dụng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các hoạt động bay, giúp giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu thông qua việc giảm thời gian bay của các chuyến bay. Các hãng hàng không sẽ không phải bay vòng qua các trang thiết bị dẫn đường dưới mặt đất, giúp tiết kiệm nhiên liệu và kiểm soát viên không lưu cũng giảm căng thẳng trong quá trình chỉ đạo, điều hành bay.
Đường bay song song một chiều Bắc - Nam giúp tiết kiệm nhiên liệu |
Bên cạnh đó, khi thiết lập cặp đường hàng không này sẽ phân tách luồng hoạt động bay chủ yếu 2 chiều hiện tại thành 2 luồng hoạt động bay một chiều, giúp giải tỏa các xung đột về quỹ đạo của các tàu bay hoạt động trên trục chính Bắc - Nam.
Cơ cấu mạng đường hàng không nhiều bất cập
Theo Cục Hàng không, mức độ tăng trưởng hoạt động bay trong toàn bộ không phận do Việt Nam quản lý luôn ở mức tăng trưởng 8 -10%/năm. Trong đó, hoạt động đi/đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất trên trục chính Bắc - Nam và hoạt động bay khác sử dụng trục chính Bắc - Nam chiếm tỷ lệ cao nhất trong toàn mạng đường hàng không, chiếm xấp xỉ 70%.
Dưới áp lực tăng trưởng của lưu lượng hoạt động bay, các cơ sở điều hành bay trong 2 Vùng thông báo bay (FIR) do Việt Nam quản lý thường xuyên phải điều hành với tần suất hoạt động bay cao và kéo dài, trung bình từ 30-35 chuyến/h. Điều này đã bộc lộ các hạn chế của mạng đường hàng không hiện tại. Đặc biệt, khi gặp điều kiện thời tiết phức tạp, tàu bay phải bay lệch, bay tránh, tiềm tàng phát sinh nhiều nguy cơ có thể gây mất an toàn bay như kẹt sóng, không giám sát hết được hoặc bỏ sót các tình huống của hoạt động bay…
Hệ thống mạng đường hàng không trong 2 FIR của Việt Nam hiện nay bao gồm 36 đường hàng không quốc tế và 24 đường hàng không quốc nội. Trong FIR Hà Nội hiện đang tồn tại 7 điểm giao cắt, xung đột vệt bay, quỹ đạo bay. Còn trong FIR TP.HCM có rất nhiều đường hàng không quốc tế và quốc nội hội tụ đến sân bay, trong khi chưa có phương án giải tỏa các nguy cơ gặp nhau giữa tàu bay đi và tàu bay đến.
Khi đưa đường hàng không song song vào khai thác, các tàu bay hoạt động trên trục Bắc - Nam sẽ bay theo các chiều, hướng ngược nhau được định sẵn các vệt bay có phân tách và độc lập, tàu bay có được quỹ đạo hoạt động tối ưu hơn. “Đã đến lúc cần phải nghiên cứu để tối ưu hóa, thiết lập, điều chỉnh các đường hàng không. Đây cũng là nhu cầu của các hãng hàng không với mong muốn được rút ngắn thời gian bay trên cùng một lộ trình, giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu”, đại diện Cục Hàng không cho hay.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.