Một số doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước chịu tác động về việc thiếu chip điện tử toàn cầu - Ảnh minh họa. |
Nhiều hãng xe báo giao hàng chậm vì thiếu linh kiệnTrải qua giai đoạn cao điểm cuối năm, thị trường xe hiện không quá sôi động, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Dù vậy, lượng khách hàng đặt xe vẫn khá ổn định với doanh số toàn thị trường tháng 3 đạt 30.935 xe, trong đó xe du lịch đạt 21.089 xe.
Thế nhưng, sự ổn định của thị trường có nguy cơ bị thay đổi khi một số hãng xe bắt đầu thông báo cho các đại lý về việc sẽ chậm giao hàng do thiếu hụt nguồn cung chíp bán dẫn và một số linh kiện điện tử. Cụ thể, Mitsubishi Việt Nam và Suzuki Việt Nam đã phải phát đi thông báo việc giao xe ít nhiều bị chậm trong tháng 4/2021 với các dòng xe ăn khách như Mitsubishi Xpander, Outlander (lắp ráp trong nước) và Attrage (nhập khẩu từ Thái Lan). Hãng xe này dự tính, khách hàng trong nước đã đặt xe Mitsubishi phải chờ đến nửa cuối tháng 5 mới có thể nhận xe.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với Suzuki khi các mẫu XL7 và Ertiga bị hạn chế nguồn nhập khẩu trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7/2021 do nhà máy của nhà sản xuất ô tô Nhật Bản tại Indonesia buộc phải cắt giảm sản xuất trong bối cảnh thiếu hụt linh kiện. Ngoài Mitsubishi và Suzuki, tình trạng thiếu hụt linh kiện, thậm chí gián đoạn giao xe cũng xảy ra với một số thương hiệu xe khác.
Tình trạng này còn trầm trọng hơn với một số dòng xe sang. Theo một nguồn tin từ hệ thống phân phối của Mercedes-Benz Việt Nam, thời gian đặt hàng các mẫu xe nhập khẩu của thương hiệu hạng sang nước Đức đã bị kéo dài thêm đáng kể. Chẳng hạn nếu trước đây, một mẫu xe đặt về từ các nhà máy nước ngoài chỉ mất 6 hay 7 tháng, nhưng tới nay đã lên tới 10 - 12 tháng/xe. Bên cạnh đó, việc ra mắt một số dòng xe mới cũng bị chậm hơn kế hoạch ban đầu và hiện khách hàng chưa thể đặt mẫu sedan siêu sang Mercedes-Maybach S580 dù dòng xe này ra mắt từ tháng 11/2020.
Theo một số nguồn tin, tình trạng thiếu hụt chíp bán dẫn và linh kiện còn khiến các hãng xe phải tạm hoãn kế hoạch ra mắt thêm mẫu xe mới trong năm nay do khó đảm bảo nguồn cung từ Nhật Bản và Thái Lan. Một số hãng khác cho biết, trước mắt chưa ghi nhận khó khăn nhưng thừa nhận đang phải có phương án dự phòng bởi bài toán thiếu hụt linh kiện hoàn toàn có thể trầm trọng hơn nếu dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành.
Bài toán khó trong thời đại dịch Theo một số chuyên gia về lĩnh vực sản xuất ô tô tại Việt Nam, tình trạng thiếu linh kiện bán dẫn đã có từ nhiều tháng trước do dịch bệnh hoành hành ở nhiều quốc gia vốn là xương sống của chuỗi cung ứng ô tô thế giới như Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, Brazil...
Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm container, chi phí vận tải gia tăng... cũng tạo thêm sức ép lên thị trường xe trong giai đoạn hiện nay. Tình trạng thiếu hụt phụ tùng, đặc biệt là chíp bán dẫn được giới chuyên môn dự đoán sẽ còn kéo dài tới hết năm nay, thậm chí sang tới năm 2022.
Các chuyên gia cũng nhận định, chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu đang ngày càng dễ tổn thương trước các thảm họa tự nhiên và biến động về địa chính trị. Ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình trạng thiếu chip trên toàn cầu càng trở nên trầm trọng sau vụ hỏa hoạn tại một nhà máy ở Nhật Bản, thời tiết băng giá khiến bang Texas của Mỹ mất điện và hạn hán nghiêm trọng tại Đài Loan (Trung Quốc). Một số dây chuyền sản xuất tại các nhà máy sản xuất ô tô ở Mỹ, châu Âu và châu Á ít nhiều đã bị đình trệ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.