Thiếu phòng, học sinh Hà Nội nghỉ luân phiên

21/09/2018 07:06

Trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai, Hà Nội) có 41 phòng học, nhưng tới 57 lớp, học sinh do đó phải nghỉ 1-2 ngày giữa tuần.

hoc-sinh-chu-van-an-2303-1537418141
Học sinh trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai) trong lễ khai giảng ngày 5/9. Ảnh: Gia Chính.

Sáng thứ hai, thứ ba hàng tuần, trong khi phần lớn trẻ bắt đầu tuần học mới ở trường thì Tuấn - học sinh lớp 1 trường Tiểu học Chu Văn An (phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai), lại ở nhà cùng bà ngoại. Theo lịch học chính khóa tại trường, hai ngày đầu tuần là lịch nghỉ của em. Tuần học mới của lớp Tuấn bắt đầu vào thứ tư và kéo dài đến hết thứ bảy.

Tuấn không phải trường hợp đặc biệt ở Tiểu học Chu Văn An. Tất cả học sinh ở đây chỉ được học 8 buổi một tuần (4 ngày bán trú) thay vì 10 buổi như học sinh trường khác. Trong tuần, các em phải nghỉ 1-2 buổi vì trường không đủ lớp học.

Trường Chu Văn An có 41 phòng học, nhưng có tới 57 lớp. Riêng khối 1 đã là 1.145, chiếm gần một nửa tổng số học sinh, đông gần bằng học sinh toàn trường khác. Trường công lập này phải bố trí 23 lớp 1 mới đảm bảo được yêu cầu sĩ số không vượt quá 50 em mỗi lớp. 

"Chưa bao giờ tôi tưởng tượng nổi số học sinh lớp 1 của trường lại đông đến thế", chị Minh, mẹ của Tuấn nói. Vợ chồng chị Minh từ quê lên Hà Nội lập nghiệp, khó khăn lắm mới mua được căn hộ chung cư giá thấp tại khu đô thị HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai).

Ngày đăng ký cho con vào lớp 1, người mẹ khấp khởi vui vì lần đầu tiên con trai  được học tại trường công lập đúng tuyến theo hộ khẩu. Nhưng cầm lịch học của con, chị lúng túng không biết xử lý thế nào khi con được nghỉ 2 ngày đầu tuần và học cả thứ bảy. 

"Vợ chồng tôi đã nhờ bà ở quê lên trông cháu giúp nhưng bà không thể ở được lâu dài nên sắp tới tôi sẽ phải gửi con vào một trung tâm học thêm", chị Minh nói và cho hay quanh khu HH Linh Đàm có nhiều trường mầm non, trung tâm tiếng Anh, năng khiếu, mở dịch vụ trông và dạy học sinh tiểu học cả ngày. Giá mỗi ngày gửi là 130.000-170.000 đồng. Nhiều gia đình phải gửi con ở đây.

Lo các bà từ quê lên không quen đường sá, một số gia đình cùng tòa nhà với chị Minh, cùng có con học ở tiểu học Chu Văn An đã thống nhất mỗi bố mẹ luân phiên về sớm một ngày để đón các cháu. "Năm rồng vàng sinh đông nên khó tránh được vấn đề trường quá tải, đặc biệt ở khu đô thị mới đông dân cư như HH Linh Đàm", chị Minh nói và cho rằng các giáo viên cũng chịu khổ chung với phụ huynh, học sinh khi phải dạy vào ngày nghỉ là thứ bảy.

4 ngày trước (ngày 16/9), chị Minh được mời đến họp lấy ý kiến về lịch học của con tại Tiểu học Chu Văn An. Nhà trường thông báo Phòng Giáo dục quận Hoàng Mai yêu cầu tổ chức mô hình học một buổi một ngày với tất cả học sinh. Khối 1, 2 sẽ học các buổi sáng, khối 3-5 sẽ học buổi chiều, từ thứ hai đến thứ sáu, thời gian bắt đầu là ngày 17/9.

Chị Minh và rất đông phụ huynh phản đối lịch học này. "Chúng tôi gặp khó khăn để bố trí người đón, trông con vào các buổi nghỉ học. Chưa kể nhà nào có hai con, đứa học sáng, đứa học chiều thì bố mẹ không tài nào đưa đón, trông nom được", chị Minh nói. Người mẹ lo lắng khi sau buổi họp, cô giáo chủ nhiệm thông báo chỉ tạm thời duy trì học 4 ngày/tuần đến khi cấp trên chỉ đạo tiếp.

tieu-hoc-chu-van-an-5841-1537415633
Học sinh lớp 1 trường tiểu học Chu Văn An tập trung tại phòng học sau giờ khai giảng. Ảnh: Gia Chính.

Sau 3 ngày thấp thỏm chờ đợi, cuối giờ chiều 19/9, chị Minh nhận được tin nhắn báo lịch học của con sẽ duy trì 8 buổi/tuần. Chị thở phào nhẹ nhõm, chấp nhận mỗi tháng tốn thêm hơn một triệu đồng để gửi con vào trung tâm học thêm 2 ngày nghỉ đầu tuần, chịu khó khăn trong việc xếp lịch về thăm quê vì con phải học thứ bảy. Chị Minh hiểu rằng trong các phương án, học 8 buổi/tuần vẫn là tối ưu với học sinh trường Tiểu học Chu Văn An. 

Anh Cường, phụ huynh của bé Ninh cũng cho rằng nhà trường không tự giải quyết được việc thiếu phòng học nên phụ huynh cần chia sẻ. Lịch học của con trai anh Cường từ thứ hai đến hết thứ năm và nghỉ thứ sáu. Do bé tăng động giảm chú ý nên ban đầu vợ chồng anh đã nhờ bà nội ở quê lên trông. Một thời gian nữa, khi bé rèn được kỹ năng tự chăm sóc bản thân, anh Cường sẽ gửi con đến trung tâm học thêm hoặc đưa tới chỗ làm. 

"Gia đình tôi không có tiền cho con học trường tư, tiểu học công lập Chu Văn An gần nhà, lại đúng quyền lợi con tôi được học. Phụ huynh khác chắc cũng có chung tâm lý ấy nên đều gửi con vào trường. Tôi mong về lâu dài các cấp chính quyền sẽ tăng thêm phòng học, trường lớp để giảm tải cho tiểu học Chu Văn An", anh Cường nói.

Năm học 2018-2019, thành phố Hà Nội có gần 2 triệu học sinh từ mầm non đến THPT, riêng lớp 1 là 180.000, tăng 30.000 so với năm học trước. Nhiều lớp 1 trong quận nội thành có sĩ số học sinh lên đến 60-68, cao gần gấp đôi so với chuẩn 35 học sinh/lớp. Tiểu học Chu Văn An (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) là trường có đông học sinh lớp 1 nhất thành phố với 1.140, bằng xấp xỉ học sinh toàn trường học khác.

Phường Hoàng Liệt có 82 tòa chung cư với 76 tòa đã đi vào sử dụng. Tổng dân số định cư trên địa bàn là 85.000, tăng 10.000 so với cùng kỳ năm trước. Phường có 2 trường tiểu học công lập là Chu Văn An và Hoàng Liệt.

Ý kiến của bạn

Bình luận