Những lán trại tạm bợ thiếu thốn đủ đường là hình ảnh đã quá quen thuộc ở các công trường giao thông từ xưa đến nay, dù đó là công trình nằm ở thành thị hay bản làng xa xôi. Tuy nhiên, hình ảnh này chưa từng xuất hiện tại các dự án do Tập đoàn Đèo Cả thi công, bởi ở đâu có sự hiện diện của nhà thầu này, ở đó sẽ có các căn nhà dành cho công nhân với đầy đủ tiện nghi, khang trang, hiện đại.
Ở công trường tiện nghi như ở nhà
Những ngày đầu tháng 3/2024, vượt quãng đường hơn nghìn cây số từ Thủ đô Hà Nội, chúng tôi tìm đến công trường thi công xây dựng hầm Tuy An trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Đây là hạng mục quan trọng và phức tạp nhất của gói thầu XL01 - Dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021 - 2025) do Tập đoàn Đèo Cả đảm nhiệm thi công.
Nằm cách Quốc lộ 1 chỉ vài kilomet, đường tiếp cận khu vực thi công hầm Tuy An khá thuận lợi, di chuyển bằng ô tô từ trung tâm TP. Tuy Hòa đến công trường chừng 20 phút. Đặt chân đến gói thầu vào giữa trưa dưới trời nắng rát, hình ảnh hầm đường bộ Tuy An đã rõ hình hài.
Ghi nhận của PV Tạp chí Giao thông vận tải, trên công trường, hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân vận trên mình bộ đồ bảo hộ lao động mang thương hiệu Tập đoàn Đèo Cả đang tất bật thi công, mỗi người mỗi việc, chỗ thì phá đá đào hầm, nơi thì khoan đục, nơi nhào bê tông,… Tất cả đều chung một ý chí quyết tâm sớm đưa công trình về đích vượt tiến độ.
Nếu chỉ dùng ngòi bút để miêu tả về trình độ, kỹ thuật của những người đào hầm Đèo Cả ở hầm Tuy An trong một bài viết sẽ là không đủ bởi nhà thầu này đã từng thực hiện thành công những công trình hầm xuyên núi khó khăn, phức tạp hơn thế như: Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân 2, Thung Thi, hầm bao biển Quảng Ninh,… Điều chúng tôi ấn tượng hơn cả ở dự án này là khu vực nơi ăn chốn ở dành cho đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân của nhà thầu.
Nằm cách khu vực cửa hầm phía Nam Tuy An chừng 500 m có trưng một biển tên: "Ban Điều hành gói thầu XL01 cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong", đây là khu tổ hợp văn phòng, nhà ở, nơi sinh hoạt, thể dục thể thao của hơn 400 cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Đèo Cả đang thi công tại dự án.
Theo quan sát, khu vực này gồm gần chục dãy nhà một tầng, tất cả đều được xây dựng kiên cố bằng khung thép, mái tôn chống nóng cao cấp. Ngoài phòng họp và các phòng làm việc được thiết kế, lắp đặt nhiều thiết bị chuyên dụng, còn có hàng chục phòng ở dành cho cán bộ, công nhân viên rộng chừng 40 m2/phòng được trang bị đầy đủ tiện nghi: Tivi, điều hòa, internet, quạt, bình nóng lạnh, gường, chiếu, chăn màn, vệ sinh khép kín,… không khác mấy so với những phòng khách sạn hạng trung. Điều đặc biệt là trong khu tổ hợp này còn có khu vực bếp ăn tập thể, khu rèn luyện thể thao: Sân bóng đá, bóng bàn… phục vụ cán bộ, công nhân viên sau những giờ làm việc căng thẳng.
"Trên công trường trọng điểm này, Tập đoàn Đèo Cả đang bố trí hơn 400 cán bộ, công nhân viên làm việc 3 ca liên tục. Để đảm bảo chất lượng đời sống cho người lao động, Ban điều hành đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng để xây dựng khu văn phòng làm việc và nhà ở lắp ghép hiện đại trên diện tích gần 10.000 m2 gần công trường. Khu điều hành này còn xây dựng ở 1 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo sẵn sàng phục vụ người lao động thể thao, rèn luyện sức khoẻ", ông Trương Công Đạt - Giám đốc Ban điều hành Gói thầu XL01 (Tập đoàn Đèo Cả) chia sẻ.
Theo ông Đạt, chi phí xây dựng khu ăn ở cho cán bộ, công nhân viên dù cao hơn định mức Nhà nước cho phép nhưng lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả vẫn quyết định bù thêm chi phí để làm theo đúng tiêu chuẩn công trường chung của đơn vị để người lao động có điều kiện ăn ở tốt nhất, qua đó chuyên tâm hơn vào các công việc được giao.
"Tại đây, phòng ở của cán bộ kỹ thuật được bố trí 6 giường cho 6 người, trong phòng khép kín, có bình nóng lạnh, điều hoà, quạt, quạt hút… Mỗi phòng ở của công nhân, lái xe, lái máy có diện tích 40 m2 bố trí 16 nhân sự/phòng với điều hoà, 2 quạt hút…", ông Đạt chia sẻ.
Gần 30 năm lăn lộn trên các công trình xây dựng, giao thông trải dài khắp các vùng miền, trong đó có 24 năm gắn bó với một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, mới gia nhập Đèo Cả gần 4 năm, ông Đỗ Ngọc Kiên (49 tuổi), Trưởng ca thi công hầm Tuy An cho biết, công việc lao động trên các công trường rất vất vả, quanh năm phải sống xa gia đình, trước kia anh em đều phải ở trong các lán trại tạm bợ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn trăm bề, nhiều khi sức khỏe không được đảm bảo.
"Từ khi về đầu quân cho Đèo Cả, được sự quan tâm của lãnh đạo Tập đoàn, chúng tôi được chăm lo đầy đủ về điều kiện vật chất, nơi ăn chốn ở. Mùa đông có nước nóng để tắm, mùa hè được dùng điều hòa, mọi chế độ đều được đảm bảo nên tất cả anh em đều rất yên tâm làm việc và gắn bó với công ty. Ở công trường nhưng chúng tôi có cảm giác chẳng khác nào đang ở nhà".
Ông Đỗ Ngọc Kiên - Trưởng ca thi công hầm Tuy An (người mặc quần áo ghi xám, đội mũ trắng) trên công trường thi công gói thầu XL01, cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong
Không ai bị bỏ lại phía sau
Theo ông Kiên, ở công trường thi công hầm Tuy An hay tại các dự án khác của Tập đoàn Đèo Cả nơi ông từng kinh qua như: Hầm bao biển Quảng Ninh, hầm Thung Thi,… đời sống của cán bộ, công nhân đều được chăm lo rất tốt. "Chúng tôi được ăn 4 bữa miễn phí trong ngày. Các khu nghỉ đều là những căn hộ lắp ghép màu sắc trang nhã, thông thoáng có khả năng cách âm và cách nhiệt tốt, có điều hoà, tắm nóng lạnh. Đây là một trong nhiều sự tử tế mà tôi nhận được sau gần 4 năm làm việc cho tập đoàn này", ông Kiên chia sẻ thêm.
Gia nhập Đèo Cả từ năm 2017 và từng "chinh chiến" tại các dự án: Hầm Cù Mông, hầm bao biển Quảng Ninh, hàm Cổ Mã… anh Bùi Hồng Vận - Tổ trưởng Tổ khoan thi công hầm Tuy An cho biết, trong 6 năm làm việc tại Tập đoàn thì có đến 3 năm ăn Tết tại công trường.
"Thực ra ai cũng muốn có ngày Tết sum họp bên gia đình nhưng vì tiến độ công việc gấp gáp nên chúng tôi phải gác lại niềm vui riêng. Ngày Tết trên công trường, cánh thợ hầm như chúng tôi cũng chỉ nghỉ 1 ngày Mùng một rồi lại lao vào hầm. Tất nhiên, ngày Tết thì lương thưởng cũng cao hơn, gia đình ở quê cũng yên tâm khi biết chúng tôi sinh hoạt đảm bảo, ăn ở khang trang", anh Vận bày tỏ.
Anh Bùi Hồng Vận - Tổ trưởng Tổ khoan thi công hầm Tuy An (người khoác áo màu vàng chanh) trên công trường thi công hầm Tuy An
Khi được hỏi về việc hiện nay có một số doanh nghiệp mới đặt chân vào lĩnh vực đào hầm đang rất "khát" thợ đào hầm bậc cao với nhiều quảng cáo hấp dẫn về mức đãi ngộ, nếu nhận được lời mời anh có gia nhập?
Anh Vận bộc bạch: "Đúng là có chuyện đó. Trong khoảng 6 năm làm việc ở Tập đoàn Đèo Cả, tôi đã nhận được 4 - 5 lời mời từ các đơn vị đào hầm khác để về làm việc kèm lời hứa sẽ trả mức thu nhập cao hơn ở đây nhưng tôi đều từ chối".
"Bản thân tôi đã từng làm việc ở một số đơn vị, đến nay thì cảm nhận rõ môi trường ở Đèo Cả là lý tưởng nhất. Ở đây có mức thu nhập tốt, chưa từng bị nợ lương hay chậm lương, các chính sách về an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe đều rất tốt, đặc biệt là chúng tôi cảm nhận được sự tử tế và nhân văn của lãnh đạo Tập đoàn dành cho người lao động", anh Vận chia sẻ.
Trao đổi với Tạp chí Giao thông vận tải, ông Ngọ Trường Nam - Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả nói: "Chúng tôi thay đổi khái niệm "lán trại công trường" thành "văn phòng, nhà ở công trường" với cơ sở vật chất trang thiết bị tốt nhất. Những điều kiện này không chỉ dành cho các cấp quản lý mà từng công nhân cũng được chăm lo, đảm bảo nơi ăn chốn nghỉ đàng hoàng như có điều hoà, nước nóng, bếp ăn tập thể, khu thể thao... nhằm đảm bảo điều kiện làm việc, sinh hoạt tốt nhất cho người lao động, giúp tái tạo sức lao động, tăng hiệu suất làm việc".
Cũng theo ông Nam, hiện nay, số lượng nhân sự đang làm việc tại Tập đoàn Đèo Cả khoảng 7.300 người. Tuy nhiên, ở Tập đoàn Đèo Cả đã hình thành một văn hoá "không bao giờ nợ" hay "chậm lương" ngay cả những lúc khó khăn nhất như dịch Covid.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.