Phẫn nộ vì sự vô cảm
Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên phố Ái Mộ, quận Long Biên, TP Hà Nội sáng 29-2 đã khiến 3 người tử vong. Trong đó, bé gái bị vỡ sọ não ban đầu nhưng vẫn có biểu hiện của sự sống. Theo clip của người dân ghi lại, gần 20 phút sau, vô số lượt ô tô, xe máy, người đi bộ qua lại nơi xảy ra TNGT, nhiều công an cũng có mặt tuy nhiên khi một số người bế cháu ra giữa đường tìm sự trợ giúp đưa đi cấp cứu nhưng không ai đáp lại. Khi cháu được đưa lên xe của công an và chuẩn bị rời đi thì xe cấp cứu mới đến. Nạn nhân được chở vào bệnh viện nhưng sau đó đã tử vong.
Theo biên bản ghi nhận hiện trường của CSGT, nhiều xe taxi qua nhưng nhìn thấy nạn nhân chảy máu nhiều, bị thương nặng nên họ đã không dừng lại. Sau khoảng thời gian đợi xe cứu thương, quan sát thấy cháu bé vẫn đang hấp hối, có hy vọng cứu sống nên công an và cô giáo của cháu đã sử dụng xe tải của công an phường đưa cháu đến viện.
Hình ảnh chiếc xe cứu thương được nhân chứng ghi lại (Ảnh internet) |
Trước đó, vào cuối năm 2015, tại khu vực cầu vượt Thái Hà xảy ra vụ xe đâm liên hoàn khiến nhiều người bị thương và có một nạn nhân bị rơi từ trên cầu xuống. Các nhân chứng tại hiện trường đã gọi cấp cứu và 5 phút sau có một chiếc xe cấp cứu đến nhưng cho dù người dân có vẫy, ra tín hiệu nhưng chiếc xe này vẫn rú còi chạy đi theo hướng khác. Bất bình trước thái độ vô cảm của những người trên xe cấp cứu vừa đi qua, một nhân chứng lái xe ô tô đuổi theo. Đến phố Huỳnh Thúc Kháng, xe đuổi kịp chiếc xe cứu thương trên. Trái ngược với sự tha thiết yêu cầu hỗ trợ của nhân chứng, lái xe này vẫn làm ngơ chạy tiếp.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian qua. Những hành vi được gọi là vô cảm này khiến cho dư luận xã hội vô cùng bức xúc, có nhiều ý kiến cho rằng đây là hành vi quá thờ ơ, vô cùng thiếu đạo đức và tình người của một bộ phận người tham gia giao thông.
Trong Nghị định 46/2016 /NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt Chính phủ vừa ban hành để thay thế cho Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP đã quy định rõ đối với trường hợp không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu sẽ bị xử phạt nặng.
Theo đó, đối với cá nhân có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu gặp người bị tai nạn có khả năng giúp đỡ, có yêu cầu giúp đỡ mà không cứu giúp. Đối với tập thể trong trường hợp này có thể bị phạt từ 1 – 2 triệu đồng. Và Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8.
Nhưng điều đáng nói ở đây, liệu có phải người dân Việt Nam thiếu tình người nên mới thờ ơ đến vậy?
Cần bảo vệ người giúp nạn nhân
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, khoảng thời gian một giờ đầu tiên sau khi bị tai nạn được coi là “giờ vàng” để cấp cứu nạn nhân. Trong khoảng thời gian này, người bị nạn nếu được cấp cứu kịp thời trong giờ đầu tiên thì khả năng được cứu sống và hạn chế mức độ nghiêm trọng của chấn thương được giảm rất nhiều. Số liệu thống kê về công tác cấp cứu của Cộng đồng Châu Âu cho thấy tỉ lệ tử vong có thể giảm đến 15-20% nếu công tác sơ cấp cứu được làm đúng và kịp thời. |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Phương Nam, cán bộ Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết một trong những nguyên nhân khiến người dân thờ ơ với người bị nạn là ở Việt Nam, những người sơ cấp cứu cho các nạn nhân bị TNGT nhiều khi “Làm phúc phải tội”. Bởi vì có những người bị người nhà bệnh nhân cho là kẻ gây tai nạn nên xông vào đánh hay những người tham gia sơ cấp cứu đó cảm thấy e ngại khi cơ quan chức năng gọi lên làm nhân chứng hay cảm thấy phiền phức khi liên tục bị gọi lên giải quyết thủ tục hành chính.
“Tình trạng này xảy ra vì hiện nay Việt Nam ta đang thiếu luật bảo vệ cho người cứu giúp nạn nhân bị TNGT. Một số quốc gia trên thể giới như Mỹ, Anh, Úc hay Cộng đồng Châu Âu đã có quy định liên quan đến vấn đề này. Cụ thể, khi những người có ý tốt tham gia sơ cấp cứu cho những nạn nhân bị TNGT được luật pháp bảo vệ, những hành động sơ cấp cứu cơ bản mà không phải do nguyên nhân chủ ý của họ gây ra thương tích thêm cho nạn nhân thì hoàn toàn được pháp luật bảo vệ, được công khai tất cả quyền lợi hay nghĩa vụ của họ”, ông Nam đánh giá.
Hiện nay tại Việt Nam, người dân còn thiếu kiến thức và thực hành trong việc sơ cứu ban đầu (Ảnh vietnamplus) |
Và nguyên nhân tiếp theo là ở Việt Nam, số người biết sơ cứu cơ bản rất là ít, công tác thực hành rất yếu. Hiện này ngoài đường có rất nhiều các vụ TNGT mà nạn nhân được những người đi đường bế xốc lên đưa lên taxi, xe máy đi cấp cứu. Đây là ý tốt nhưng nhiều khi chính hành động đó lại gây ra cho người bị nạn những hậu quả khó lường, ví dụ như nạn nhân bị chấn thương đốt sống cổ, gãy cổ nếu không biết, không cố định ngay sẽ bị đứt đốt sống cổ và nạn nhân có thể bị tử vong hoặc sẽ để lại những di chứng cực kỳ nặng nề sau này như sống thực vật, hay nếu như nạn nhân bị gãy xương đùi nếu không được cố định, xương có thể đâm sang động mạch dẫn đến chảy máu không cầm và tử vong. Đây là những kiến thức rất cơ bản nhưng hiện nay người Việt Nam vẫn còn thiếu kiến thức.
Theo ông Nam, ở các nước trên thế giới, công tác ứng phó sau tai nạn được thực hiện rất hiệu quả vì họ có luật bảo vệ người hỗ trợ cứu nạn, trong hệ thống cấp cứu, nhiều nước có người dân được đào tạo, tập huấn về sơ cấp cứu rất tốt, được trang bị một số phương tiện cơ bản và những người này sẽ tiếp cận với nạn nhân TNGT nhanh chóng và biết cách xử lý trước khi xe cứu thương với những thiết bị và hỗ trợ y tế cao cấp hơn đến. Điều quan trọng là những người này sẽ giúp nạn nhân ổn định, không làm tổn hại thêm tình trạng bị thương của người bị nạn.
“Theo tôi cần triển khai và đầu tư nhiều hơn nữa về vấn đề này thì mới đáp ứng được công tác cứu nạn giao thông ở Việt Nam, đây là vấn đề lớn. Mạng lưới đường cao tốc ở Việt Nam rất lớn, chúng ta không thể xây dựng tất cả dọc tuyến đường cao tốc đầy đủ trạm sơ cứu, cái quan trọng hiện nay là làm thế nào để toàn dân biết được những bước sơ cứu cơ bản. Khi người dân biết được những bước sơ cứu cơ bản đó và được pháp luật bảo vệ thì chính họ sẽ là những người tiếp cận nạn nhân nhanh nhất, sẽ giúp nâng cao khả năng sống sót và giảm độ trầm trọng của trấn thương do TNGT gây ra”, ông Nguyễn Phương Nam chia sẻ.
Có thể thấy rằng, công tác sơ cấp cứu ban đầu đối với những nạn nhân bị TNGT là vô cùng quan trọng, nó quyết định sự sống còn với họ. Trước thực trạng người dân thờ ở trong công tác giúp đỡ người bị nạn, liệu chế tài xử phạt nặng có đủ để giải quyết thực trạng đáng buồn này ?
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.