Nguyên nhân hàng đầu gây ùn tắc giao thông là ý thức của người tham gia giao thông chưa cao. |
Tắc đường, giao thông tê liệt, chửi mắng nhau, tranh cướp đường… và còn vô số những tính từ tiêu cực khác khi nói về giao thông ở Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Nhưng lo ngại hơn, nhiều thói xấu khi tham gia giao thông của người Việt đe dọa đến tính mạng của người khác nhưng nhiều người vẫn bỏ qua và ngang nhiên vi phạm.
Có thể dễ dàng nhìn thấy những thói xấu này của người Việt khi đi trên đường. Trước hết là sự tùy tiện: Tùy tiện rẽ, tùy tiện đi theo sở thích mà không cần biết luật lệ cho phép mình đi như thế nào, cảnh sát giao thông điều khiển giao thông ra sao. Chính vì thế, dù có biển cấm đi ngược chiều nhưng nhiều người vẫn phóng vù vù trên đường cấm; cấm xe máy đi trên đường cao tốc nhưng vẫn có người chui được vào để phóng xe ầm ầm…
Tranh cướp đường: Có lẽ cụm từ này chỉ có ở Việt Nam. Bởi vào những giờ cao điểm, bất kỳ chỗ trống nào trên đường cũng được người điều khiển ô tô hay xe máy “điền” ngay vào. Trong suy nghĩ của nhiều người, mình không “cướp” thì người khác cũng chen vào. Chính vì thế, nhiều khi có những làn đường dành cho phương tiện rẽ phải nhưng nhiều người thản nhiên đỗ xe như nơi được cho phép. Khi xảy ra ùn tắc giao thông, chỉ cần nhường nhau nửa cái bánh xe là giải quyết được ùn tắc nhưng chẳng ai chịu nhường ai, mạnh ai người nấy nhấn ga.
Một vi phạm phổ biến có lẽ cảnh sát giao thông có xử lý cũng không thể hết đó là việc không lắp gương chiếu hậu ở xe máy. Có quá nhiều người không có thói quen sử dụng gương chiếu hậu để quan sát khi tham gia giao thông, rẽ trái, rẽ phải. Có người lắp gương hẳn hoi nhưng chủ yếu dùng để “soi mặt”. Bằng chứng là chiếc gương hướng thẳng vào mặt người điều khiển xe máy, nhiều chị em còn vừa điều khiển xe thỉnh thoảng lại “liếc” vào gương một cái, nguy hiểm hết chỗ nói.
Xi nhan không được sử dụng đúng cách. Nhiều người đang đi thẳng nhưng như “bừng tỉnh” một việc gì đó bất ngờ rẽ trái hoặc rẽ phải… khiến người đi sau không kịp phản ứng. Đã có không ít vụ người điều khiển xe máy bị “tông” phía sau vì không bật xi nhan xin đường. Hoặc có người xi nhan xin đường rồi mải mê nghĩ điều gì đó mà quên không tắt nên cứ xin mãi. Điều khiển phương tiện giao thông mà mất tập trung cũng gây nguy hiểm cho những người đi đường khác.
Nhiều người quên không đội mũ bảo hiểm mà vẫn hiên ngang đi lại trước mặt cảnh sát giao thông mà như chốn không người. Đặc biệt vào dịp nghỉ lễ, tết thì tình trạng người không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy vô cùng phổ biến.
Vượt đèn đỏ là một “đặc sản” của người tham gia giao thông ở hầu khắp các thành phố. Đã nhiều người bỏ mạng ở những ngã tư vì không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông. Thế nhưng vẫn chẳng mấy người sợ.
Khạc nhổ khi đi trên đường: Đây là thói quen mất vệ sinh nhất của người Việt. Tình trạng khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng, khi đi trên đường không phải là chuyện hiếm mà vẫn không có giải pháp gì khắc phục. Người Việt không phải không biết cách khạc nhổ đúng chỗ, đúng nơi qui định, bằng chứng là họ ra nước ngoài chấp hành rất nghiêm qui định của nước sở tại. Vậy tại sao trong nước họ lại tự do như vậy, có nhiều trường hợp khạc nhổ cả vào người đi bên cạnh rồi phóng “vù” đi mà không được một lời xin lỗi.
Sau tất cả các thói tật hư xấu, vi phạm mà chẳng may bị cảnh sát giao thông bắt được, việc đầu tiên là xin cảnh sát giao thông được bỏ qua lỗi, không phạt. Nếu cảnh sát giao thông kiên quyết thì họ nộp phạt rồi hậm hực bỏ đi, găm trong đầu những thù ghét với CSGT…
Lâu nay chúng ta vẫn nói nhiều đến văn hóa giao thông. Nhiều người bảo do dân trí còn thấp nên việc vi phạm giao thông còn diễn biến phức tạp. Nhưng thực tế khẳng định rằng, văn hóa giao thông không phụ thuộc vào trình độ văn hóa. Bởi, ở các đô thị là nơi tập trung của rất nhiều nhân sĩ, trí thức, người có trình độ văn hóa cao… nhưng vì sao ý thức tham gia giao thông của họ lại kém thế? Mới đây, một số vụ cự cãi, xúc phạm cảnh sát giao thông xảy ra, khi điều tra làm rõ nhân thân người vi phạm thì ai cũng phải té ngửa… vì họ toàn là những người lẽ ra phải có cách hành xử chuẩn mực, được xã hội kính trọng.
Tôn trọng pháp luật là tôn trọng chính mình. Có ý thức chấp hành luật lệ giao thông đồng nghĩa với việc đem lại an toàn cho chính bạn và những người xung quanh. Tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông gia tăng như hiện nay không thể chỉ đổ lỗi tại hạ tầng giao thông mà trong đó nguyên nhân không nhỏ từ những thói hư, tật xấu của người Việt khi tham gia giao thông./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.