Khu QLĐB IV đã tiến hành sửa chữa QL51
Theo đó, Khu QLĐB IV đã tập kết máy móc, phương tiện tiến hành cào bóc những đoạn mặt đường hư hỏng, sau đó tiến hành tưới nhựa, thảm lại mặt đường.
Được biết, QL51 đoạn từ Km0+900 - Km73+600 qua địa phận các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu được đầu tư cải tạo thuộc Dự án đầu tư xây dựng mở rộng QL51 theo hình thức hợp đồng BOT (Dự án), với quy mô 06 làn xe cơ giới và 02 làn xe hỗn hợp do Công ty Cổ phần Đầu tư Biên Hòa - Vũng Tàu (Công ty BVEC) là đầu tư.
Theo thông tin từ Cục ĐBVN, dự án được dừng thu phí từ 07h ngày 13/01/2023, đến ngày 19/4/2023, Công ty BVEC mới bàn giao tuyến cho Khu QLĐB IV thực hiện công tác quản lý, bảo quản công trình (trong thời gian từ ngày 01/02 đến ngày 19/4/2023, Công ty BVEC đã dừng thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên trên tuyến, do đó phát sinh nhiều tồn tại: Mặt đường phát sinh nhiều vị trí hằn lún vệt bánh xe, rạn nứt, bong tróc, ổ gà trên tuyến; vạch sơn trên mặt đường mòn mờ nhiều đoạn; hệ thống thoát nước đọng đất, rác nhiều vị trí). Hiện tại, công trình đã được Bộ GTVT hoàn tất hồ sơ, đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với công trình theo quy định pháp luật về tài sản công.
Cũng theo Cục ĐBVN, sau khi tiếp nhận quản lý, bảo quản công trình từ Doanh nghiệp dự án BOT, Cục ĐBVN đã chỉ đạo Khu QLĐB IV tập trung thực hiện quản lý và sửa chữa công trình để đảm bảo an toàn giao thông từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ được cấp hàng năm.
Theo đó công tác bảo dưỡng thường xuyên trên QL51 được ưu tiên thực hiện, với tổng kinh phí nguồn sự nghiệp kinh tế đường bộ bố trí cho bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường trong hai năm (2023-2024) là 19,5 tỷ đồng (trong đó: năm 2023 là 7,3 tỷ đồng; năm 2024 là 12,2 tỷ đồng).
Ngay sau khi tiếp nhận quản lý, bảo quản công trình, Khu QLĐB IV đã giao đơn vị quản lý tập trung thực hiện khắc phục các tồn tại về bảo dưỡng thường xuyên ở giai đoạn trước khi bàn giao (sửa chữa mặt đường rạn nứt, sơn kẻ vạch sơn bị mờ, lắp đặt, thay thế tấm đan bị vỡ, mất; nạo vét thoát nước dọc, thanh thải cầu, cống ngang trên tuyến); đồng thời, thực hiện kiểm soát chặt chẽ chất lượng công tác bảo dưỡng thường xuyên để phát huy hiệu quả nguồn vốn được bố trí.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.