Thanh tra Tổng Cục đường bộ Việt Nam đã phát hiện hàng loạt giáo viên dạy thực hành tại các đơn vị đào tạo lái xe sử dụng bằng cấp giả. |
Thu hồi 83 giấy chứng nhận dạy lái xe
Ngày 10/3, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản báo cáo gửi UBND TP.HCM liên quan đến kết luận của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc một số giáo viên dạy lái xe trên địa bàn thành phố đã sử dụng bằng cấp chuyên môn và các chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm giả, không đúng quy định để tham dự kiểm tra cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe để làm công tác giảng dạy tại các cơ sở đào tạo.
Sở GTVT TP.HCM đã tiến hành thu hồi 83 giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe đã cấp do có hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp lệ để tham dự tập huấn và kiểm tra cấp giấy chứng nhận. Đồng thời, Thanh tra Sở GTVT thành phố cũng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 cơ sở đào tạo lái xe gồm: Trường dạy nghề tư thục lái xe Thống Nhất, Trung tâm dạy nghề lái xe Tiến Phát, Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát, Trường dạy nghề tư thục lái xe Sài Gòn và Trường dạy nghề tư thục lái xe Thế Giới. Do đã có hành vi bố trí giáo viên không đủ tiêu chuẩn giảng dạy. Đồng thời, áp dụng hình phạt bổ sung đình chỉ tuyển sinh 2 tháng theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP năm 2019 của Chính phủ.
Theo Sở GTVT TP.HCM, quy định tuyển dụng và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên dạy lái xe do các cơ sở đào tạo căn cứ nhu cầu chủ động thực hiện. Sở là đơn vị tiếp nhận hồ sơ và danh sách học viên tham gia các lớp tập huấn giáo viên do cơ sở đào tạo lái xe tổ chức. Sau đó căn cứ theo các quy định liên quan để xét duyệt thành phần hồ sơ, tổ chức kiểm tra cấp giấy chứng nhận giáo viên theo đúng trình tự quy định. Các quy định hiện nay không yêu cầu Sở GTVT phải tổ chức xác minh đối với các văn bằng chứng chỉ của giáo viên.
Thanh tra Tổng Cục đường bộ Việt Nam đã phát hiện Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát có 38 người dùng chứng chỉ giả. |
Ông Nguyễn Đình Mạnh - Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe Hiệp Phát cho biết: “Sau khi có kết luận của Thanh tra chúng tôi đã tiến hành cho các giáo viên sử dụng chứng chỉ giả, không đúng quy định nghỉ việc. Đồng thời tiến hành rà soát lại toàn bộ hồ sơ của hơn 200 giáo viên và cũng phát hiện một số trường hợp bằng cấp không đúng theo quy định và họ đã tự xin nghỉ việc. Sở GTVT TP.HCM cũng đã tiến hành thu hồi giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe cho những trường hợp không đúng theo quy định”.
Chúng tôi không có chuyên môn để xác minh bằng cấp, trước giờ cũng chưa có quy định đơn vị tuyển dụng phải đi làm công việc xác minh bằng thật hay giả. Vì vậy những người đến xin việc nếu đáp ứng theo quy định và bằng cấp thì chúng tôi sẽ dựa vào đó để nhận vào làm việc. Chúng tôi tuyệt đối không tiếp tay hoặc buông lỏng trong công tác tuyển sinh giáo viên. Sau khi xảy ra những sự việc Trung tâm cũng đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong công tác tuyển dụng giáo viên. Cụ thể, những người tham dự xin việc vào trung tâm chúng tôi sẽ tiến hành xác minh lại, trong thời gian chờ xác minh các giáo viên phải ký cam kết vào toàn bộ hồ sơ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có những sai phạm, ông mạnh khẳng định.
Tăng cường kiểm tra bằng cấp giáo viên
Để bảo đảm chặt chẽ về hồ sơ giáo viên dạy lái xe, Sở GTVT TP.HCM đã ban hành quy định về việc tổ chức kiểm tra cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe. Cụ thể, quy định chi tiết các nội dung liên quan đến việc thành lập hội đồng kiểm tra cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe, thành lập tổ kiểm tra cấp giấy chứng nhận… Bên cạnh đó, Sở đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường chấn chỉnh công tác tổ chức kiểm tra cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe, chủ động xác minh khi phát hiện dấu hiệu vi phạm và xử lý vi phạm…
Ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: “Thâm niên và kinh nghiệm của giáo viên dạy thực hành là một yếu tố cốt lõi, quan trọng để một người giáo viên dạy thực hành truyền đạt kỹ năng lái xe cho người học. Chính vì quan điểm đặt nặng kỹ năng dạy thực hành lái xe như vậy nên nhiều cơ sở đào tạo lái xe đã có phần xem nhẹ đối với các tiêu chuẩn khi tuyển dụng. Ngoài ra áp lực về số lượng đội ngũ giáo viên dạy thực hành để tăng lưu lượng đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân dẫn đến nhiều cơ sở đào tạo lái xe buông lỏng trong công tác xác minh, rà soát đối với đội ngũ giáo viên nên dẫn đến việc sử dụng chứng chỉ giả, bằng cấp không đúng theo quy định”.
Nhằm tăng cường chấn chỉnh công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên, Sở GTVT TP.HCM cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe tiến hành xác minh toàn bộ văn bằng, chứng chỉ của giáo viên dạy lái xe thuộc đơn vị, báo cáo Sở kết quả xác minh, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với kết quả rà soát, xác minh, ông An cho biết thêm.
Theo thống kê từ Sở GTVT TP.HCM hiện trên địa bàn thành phố có 73 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và mô tô, với 6.576 giáo viên dạy thực hành lái xe. Trong 2 năm (2018-2019), Sở đã cấp tổng cộng hơn 1 triệu giấy phép lái xe, chiếm khoảng 23% tổng số lượng giấy phép lái xe đã cấp trên toàn quốc.
Trong thời gian tới Sở GTVT TP.HCM sẽ tăng cường kiểm tra, xác minh bằng cấp của giáo viên dạy lái xe trên địa bàn. |
Trước đó Thanh tra Tổng Cục đường bộ Việt Nam đã phát hiện Trung tâm dạy nghề lái xe Tiến Phát (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) có 5 người không đủ điều kiện là giáo viên thực hành. Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát (3 cơ sở ở quận 11, Bình Tân và Phú Nhuận) có 38 người dùng chứng chỉ giả.
Trường dạy nghề tư thục lái xe Thế giới (5 cơ sở tại các quận 5,7, 8, Bình Tân, Tân Bình) có một người không đủ điều kiện dạy thực hành lái xe. Trường dạy nghề tư thục lái xe Sài Gòn (4 cơ sở tại các quận Tân Phú, Gò Vấp, Phú Nhuận) có 10 giáo viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam còn phát hiện 4 trung tâm này có 60 giáo viên dạy tại TP.HCM và Đồng Nai. Hiện chưa có quy định xử lý giáo viên tham gia dạy hai nơi, tuy nhiên việc này bị cho là gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe.
29 giáo viên Trường dạy lái xe Thống Nhất (5 cơ sở tại quận 5 và 10) cũng bị phát hiện dùng bằng, chứng chỉ mua trên mạng. Ông Nguyễn Hoàng Dân (phụ trách nhân sự của trường) đã tự ý mua 24 giấy xác nhận giả của các cơ sở đào tạo để lập hồ sơ trình lãnh đạo nhà trường ký.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.