Thu hút vốn đầu tư cao tốc Bắc - Nam

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
24/06/2019 12:20

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là một trong những dự án trọng điểm, hiện thực hóa Chiến lược phát triển ngành GTVT, thúc đẩy kinh tế cả nước tăng trưởng. Để triển khai dự án này, dòng vốn đầu tư tư nhân được kỳ vọng mạnh mẽ.

 

cao toc BN

Cơ chế ưu đãi, đảm bảo đầu tư

Với đặc thù vị trí địa lý, Việt Nam có đầy đủ các phương thức vận tải từ đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy nội địa đến hàng hải. Trong đó, do tính linh hoạt cao và lợi thế đối với vận tải cự lý ngắn, trung bình, vận tải đường bộ vẫn là hình thức phổ biến và luôn chiếm thị phần lớn nhất, đóng vai trò kết nối cho tất cả các phương thức vận tải khác.

Trong 10 năm trở lại đây, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được so với sự gia tăng của nhu cầu vận tải, đặc biệt là vận tải đường bộ. Với tốc độ tăng trưởng nhanh của lưu lượng hàng hóa và hành khách, hạ tầng giao thông chưa thể đáp ứng so với yêu cầu. Đây là một thách thức, rào cản cho sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, việc đầu tư các dự án có năng lực vận tải lớn như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Chính phủ ưu tiên hàng đầu, là dự án trọng điểm quốc gia.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV đã ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, giai đoạn này sẽ đầu tư xây dựng 654km đường, chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Tổng mức đầu tư của các dự án là 118.000 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước tham gia là 55.000 tỷ đồng đầu tư cho 3 dự án đầu tư công. Đến nay, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư của toàn bộ 11 dự án và đang gấp rút triển khai công tác thiết kế kỹ thuật và giải phóng mặt bằng của dự án.

Đặc biệt, khác với những dự án đầu tư PPP trước đây, đối với dự án trọng điểm quốc gia này, Nhà nước sẽ bố trí vốn thực hiện toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và bố trí vốn để hỗ trợ xây dựng công trình nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính cho dự án. Đây là điểm mới, giải quyết mối quan ngại của các nhà đầu tư về việc giải phóng mặt bằng gây chậm tiến độ.

Ngoài ra, khi tham gia vào dự án này, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiêp, hàng hóa nhập khẩu. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án còn được miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc miễn, giảm tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án phù hợp với quy định pháp luật về đất đai, đồng thời được bảo đảm về quyền sở hữu tài sản trong thời gian dự án.

Những quan ngại của các nhà đầu tư ngoại

Từ khi công bố dự án và phát hành hồ sơ mời sơ tuyển nhà thầu, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Anh , Pháp, Singapore... quan tâm và gửi hồ sơ. Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều đang quan ngại về các rủi ro đầu tư liên quan đến bảo lãnh về doanh thu tối thiểu, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP), Bộ GTVT cho biết, vấn đề bảo lãnh doanh thu đã được Bộ GTVT đặt ra và trình lên Chính phủ và Quốc hội, tuy nhiên trong bối cảnh này Chính phủ chưa cung cấp bất kỳ loại bảo lãnh nào cho tuyến cao tốc Bắc - Nam. Trong điều kiện hiện nay, pháp luật chưa cung cấp bảo lãnh về doanh thu tối thiểu. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã giao cho hai đơn vị tư vấn giao dịch nghiên cứu cơ chế để phù hợp với pháp luật Việt Nam và tính toán mức độ chia sẻ rủi ro với tỷ lệ bao nhiêu và sẽ cung cấp thông tin này trong hồ sơ mời thầu chính thức.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu cho biết, khi ban hành hồ sơ sơ tuyển, bảo lãnh doanh thu là mục tiêu khó. Với tư cách đơn vị giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối giúp Chính phủ trình Quốc hội dự thảo luật PPP, Cục cũng đang nghiên cứu nội dung này.

Về vấn đề bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) lý giải, đối với bảo lãnh ngoại tệ, pháp luật nước ta ban hành đầy đủ hướng dẫn nhà đầu tư kinh doanh Việt Nam có quyền mua ngoại tệ mà nhà đầu tư được quyền chuyển lợi nhuận vốn hợp pháp về nước họ. Trong trường hợp cần thiết, ngân hàng sẽ bảo lãnh ngoại hối, điều hành tỷ giá duy trì ổn định, chứng tỏ năng lực điều hành của Chính phủ và Nhà nước.

Bên cạnh đó, một vấn đề khác khiến các nhà đầu tư ngoại lo lắng là tỷ giá biến động sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư. Lý giải vấn đề này, ông Bắc cho rằng, theo quy định, giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam được thực hiện bằng VNĐ, các nhà đầu tư khi xem xét cân nhắc đầu tư tính đến rủi ro tỷ giá.

“Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam có chính sách dự phòng cho các rủi ro, trong đó có tỷ giá là đối tượng được hưởng chính sách dự phòng. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước theo đuổi chính sách ổn định kinh tế vĩ mô để nhà đầu tư ổn định làm ăn”, ông Bắc cho biết.

Ngoài các vấn đề liên quan đến bảo lãnh, các nhà đầu tư ngoại còn đặc biệt quan tâm đến lộ trình tăng phí và cam kết của của Chính phủ đối với nhà đầu tư dự án giao thông. Trả lời vấn đề này, ông Bắc cho biết lộ trình tăng phí dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam được quy định rõ ràng, không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng PPP. Các nhà đầu tư hoàn toàn yên tâm về chính sách của Chính phủ Việt Nam trong thu hút đầu tư thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP sẽ áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế. Hiện nay, hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư của 8 dự án PPP đã được phát hành. Toàn bộ hồ sơ mời sơ tuyển được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ GTVT để các nhà đầu tư trong nước, quốc tế có thể nhanh chóng tiếp cận, nghiên cứu.Các tiêu chí lựa chọn sơ tuyển nhà đầu tư đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng cạnh tranh và minh bạch, không phân biệt nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Bất kỳ nhà đầu tư nào đáp ứng đủ năng lực, kinh nghiệm, cung cấp được dịch vụ tốt nhất với chi phí hợp lý sẽ được lựa chọn để thực hiện dự án.

Ý kiến của bạn

Bình luận