Thứ trưởng Bộ GTVT: "Không để vùng trắng quản lý nhà nước về giao thông đường thủy"

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 22/12/2023 15:53

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, lĩnh vực đường thủy đang có sự phân cấp mạnh mẽ và đã đến lúc "giải bài toán" tổng thể về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giao thông đường thủy trên phạm vi toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ GTVT: "Không để vùng trắng quản lý nhà nước về giao thông đường thủy"- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại hội nghị

Phải giải bài toán tổng thể về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước

Ngày 22/12, tại Hà Nội, Cục Đường thủy nội địa VN tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang; Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ GTVT Đào Văn Tiến; Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Phạm Hoài Phương.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang ghi nhận, năm 2023 Cục Đường thủy nội địa VN có nhiều chuyển biến tốt, đạt nhiều kết quả tích cực so với năm trước và mong muốn tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Cục và các đơn vị trực thuộc tiếp tục phát huy để "lột xác", đưa GTVT đường thủy phát triển.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đồng tình với các phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2024 mà Cục Đường thủy nội địa VN đề ra, song nhấn mạnh yêu cầu tập trung vào công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, mô hình quản lý nhà nước về giao thông đường thủy trên phạm vi toàn quốc để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. "Tôi cho rằng, đã đến lúc phải giải bài toán toàn bộ, tổng thể về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giao thông đường thủy trên phạm vi cả nước. Đây là vấn đề quan trọng, cần có sự chuẩn bị tốt để đưa vào đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường thủy", Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT: "Không để vùng trắng quản lý nhà nước về giao thông đường thủy"- Ảnh 2.

Năm 2023, vận tải đường thủy đạt hơn 431 triệu tấn hàng hóa, tăng 18,5% so với năm trước; TNGT đường thủy giảm hơn 60% số người chết

Liên quan vấn đề trên, Thứ trưởng cho biết, vừa qua, Cục Đường thủy nội địa VN rất quyết liệt trong việc đánh giá theo tiêu chí kỹ thuật để chuyển một số tuyến đường thủy quốc gia thành đường thủy địa phương để phân cấp cho địa phương quản lý. Bộ GTVT cũng đã ban hành thông tư về phân cấp quản lý cảng, bến thủy trên đường thủy quốc gia và đã phân cấp cho 3 địa phương (Quảng Ninh, TP. HCM, Đà Nẵng). Tới đây, cần tiếp tục rà soát để đẩy mạnh phân cấp cho địa phương quản lý luồng, cảng, bến thủy. 

"Công tác quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng đường thủy không chỉ là quản lý bảo trì mà còn phải cả về đầu tư. Cục Đường thủy nội địa VN phải là đơn vị chủ trì tham mưu, đề xuất đầu tư, song công tác này còn mờ nhạt, cần quan tâm khắc phục trong thời gian tới. Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cần trực tiếp chỉ đạo công tác này để thực hiện các hoạt động xúc tiến, kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa đầu tư", Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, việc phân cấp địa phương quản lý luồng tuyến, cảng bến thủy không phải thu hẹp phạm vi quản lý nhà nước của Cục Đường thủy nội địa VN mà là giải pháp để triển khai quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn. Bởi thực tế đang còn có những "khoảng trắng" về quản lý nhà nước đối với hoạt động giao thông thủy, chẳng hạn như chưa có sự quản lý đối với hoạt động giao thông thủy phạm vi từ hành lang luồng đường thủy vào bờ; hoặc ở một số địa phương có những luồng tuyến, khu vực có hoạt động giao thông thủy nhưng chưa triển khai công tác quản lý nhà nước. Điều này đặt ra yêu cầu về phương án quản lý, mô hình quản lý để không có "khoảng trắng" trong quản lý nhà nước về giao thông đường thủy.

Ngoài việc phân cấp địa phương quản lý luồng tuyến, cảng bến nêu trên, năm 2023, Bộ GTVT cũng thí điểm giao 4 cảng vụ đường thủy khu vực trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN quản lý một số tuyến đường thủy quốc gia (trước đây do Chi cục Đường thủy nội địa khu vực quản lý). Việc triển khai đề án thí điểm mang lại kết quả tốt, giúp giảm đầu mối quản lý và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thứ trưởng giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông phối hợp với Cục Đường thủy nội địa VN đánh giá kết quả thí điểm, nghiên cứu mô hình để tiếp tục có sự sắp xếp, tổ chức bộ máy của Cảng vụ, Chi cục đường thủy phù hợp, hiệu quả nhất.

Thứ trưởng Bộ GTVT: "Không để vùng trắng quản lý nhà nước về giao thông đường thủy"- Ảnh 3.

Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Bùi Thiên Thu phát biểu tại hội nghị

Sản lượng vận tải thủy tăng trưởng tích cực, TNGT giảm mạnh

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Bùi Thiên Thu cho biết, năm 2023, lĩnh vực GTVT đường thủy đạt nhiều "điểm sáng" nổi bật, trong đó sản lượng vận tải thủy tiếp tục giữ nhịp tăng trưởng và TNGT đường thủy giảm mạnh.

Cụ thể, vận tải hành khách bằng đường thủy trong năm 2023 hơn đạt 289 triệu lượt khách, tăng 20,8% so với năm 2022; vận tải hàng hóa đạt hơn 431 triệu tấn, tăng 18,5% so với năm 2022 (tương ứng đạt 96 tỷ 890 triệu tấn.km, tăng 14,9%) và góp phần quan trọng trong thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT đảm bảo tăng trưởng bình quân toàn ngành GTVT khoảng 9% năm tại hội nghị tổng kết Bộ GTVT năm 2022. "Giao thông đường thủy, vận tải thủy có sự kết nối tốt hơn với các phương thức vận tải khác, phát huy được vai trò của mình trong vận tải đa phương thức", ông Thu cho biết thêm.

Về đảm bảo trật tự ATGT đường thủy, năm 2023, toàn quốc chỉ xảy ra 28 vụ TNGT đường thủy, với 18 người chết và bị thương 7 người. So với năm trước, giảm hơn 9,6% số vụ ( giảm 3 vụ), giảm hơn 60,8% người chết (giảm 28 người) và tăng 3 người bị thương. Đây là kết quả rất tích cực so với mục tiêu kéo giảm 5 - 10% TNGT được đặt ra.

Tiếp thu những vấn đề được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang nêu ra và chỉ đạo tại hội nghị, Cục trưởng Bùi Thiên Thu cho biết, năm 2024, Cục Đường thủy nội địa VN tiếp tục tập trung các giải pháp để khắc phục những hạn chế, mặt công tác có kết quả chưa cao. Trong đó, đề xuất các dự án đầu tư cải tạo kết cấu hạ tầng đường thủy, kêu gọi xã hội hóa đầu tư; nâng chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; công tác giải ngân, làm việc với các địa phương để thúc đẩy giải quyết tình trạng cảng, bến thủy hoạt động không phép; mô hình tổ chức quản lý giao thông đường thủy; chuyển đổi số, cải cách hành chính lĩnh vực GTVT đường thủy.