Thứ trưởng Lê Anh Tuấn: Tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Tác giả: Phan Nhật

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 16/07/2024 21:09

Ngày 16/7, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cùng đoàn công tác của Bộ GTVT đã có buổi thị sát tiến độ thi công dự án thành phần 2, 3 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn: Tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ thi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Báo cáo tiến độ thi công với Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, ông Đặng Thọ Dần, Trưởng phòng Điều hành dự án giao thông (Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk - chủ đầu tư dự án thành phần 3) cho biết, tính đến ngày 14/7, công tác giải phóng và nhận bàn giao mặt bằng đạt 99,7%. Đặc biệt, việc giải phóng mặt bằng đất rừng để phục vụ thi công đã được giải quyết. Đến nay, tổng giá trị xây lắp đạt 15,2% giá trị hợp đồng, trong đó, thi công nền đường công vụ dọc tuyến được 44/48,9 km (đạt 95%); thi công nền đường tuyến chính được 44/48,9 km; thi công 4/5 nút giao; thi công 26/28 cây cầu, trong đó còn vị trí cầu Vụ Bổn vướng mặt bằng và cầu dân sinh 7 đang điều chỉnh địa chất. 

“Những khó khăn, vướng mắc cơ bản đã được địa phương quan tâm tháo gỡ, tuy nhiên khó khăn nhất là mỏ vật liệu phục vụ cho dự án. Hiện nay, một số mỏ đá, cát, đất đắp chưa được cấp phép gây khó khăn cho dự án. Ngoài ra, địa bàn Tây Nguyên đang vào mùa mưa khiến các nhà thầu gặp khó khăn trong công tác thi công.

Cùng với đó, tại gói thầu số 1 đang vướng 16 hộ dân và khoảng 600 m rừng tại vị trí thi công của nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải. Hiện các đơn vị đang chặt hạ cây, chậm nhất trong tuần này sẽ bàn giao mặt bằng”, ông Dần thông tin.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài khoảng 116,577 km. Dự án được chia thành 3 thành phần, gồm: Dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư, dự án thành phần 2 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư và thành phần 3 do UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.

Trong đó, dự án thành phần 3 có tổng chiều dài tuyến khoảng 48,93 km, tổng mức đầu tư hơn 6.165 tỷ đồng; dự án thành phần 2 khoảng 37,5 km qua địa bàn hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk do Ban QLDA 6 làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 10.436 tỷ đồng.

Cũng tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Trình, Phó Giám đốc Ban QLDA 6, Bộ GTVT (chủ đầu tư dự án thành phần 2) cho biết, hiện nay, các khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng cơ bản đã được tháo gỡ, tuy nhiên còn khoảng 5 km (Km60 - Km65) thuộc đất rừng tự nhiên. 

"Hiện Ban QLDA đang chỉ đạo các đơn vị nhà thầu trúng đấu giá cây chặt hạ, thu hồi bàn giao mặt bằng. Dự kiến nếu thời tiết tốt, trong tháng 7 sẽ thực hiện xong, đầu tháng 8 sẽ triển khai thi công. Ngoài ra, tại nút giao Trường Sơn Đông còn lại 13 hộ dân. Theo quy định của pháp luật thì các hộ dân không đủ điều kiện bố trí tái định cư. Tuy nhiên, Ban đã hỗ trợ để san lấp mặt bằng bố trí làm nhà cho người dân. Hiện đã có 10 hộ đồng ý di dời, còn lại 3 hộ chưa đồng ý nhận đền bù”, ông Trình cho hay. 

Theo ông Trình, dự án có tổng cộng 38 cây cầu, trong đó có khoảng 3.000 cọc khoan nhồi, hiện đã động thổ được 15 cây cầu, 23 cầu còn lại chưa động thổ được. Ban QLDA đang chỉ đạo các đơn vị nhà thầu quyết tâm, nếu thời tiết thuận lợi thì trong tháng 8 sẽ tiếp cận thi công đồng loạt các cầu.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn: Tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian hoàn thành, đảm bảo chất lượng dự án

Ông Trình cho biết thêm, dự án thành phần 2 có 4 hầm, trong đó lớn nhất là hầm Phượng Hoàng đã thi công, dự kiến đến ngày 30/4/2026 sẽ thông hầm. Về phần nền đã đào đắp được 20/37 km, đặc biệt đất rừng còn vướng 22 điểm nên mặt bằng "xôi đỗ", chia cắt không thể mở đường công vụ dọc tuyến, chưa tiếp cận được để thi công 17 km trên. Dự kiến, trong tháng 7 sẽ mở xong đường công vụ. Đến cuối tháng 8, nếu thời tiết tốt sẽ mở mặt bằng thi công cầu và đường. 

Theo Ban QLDA, vật liệu đào đắp đã cân đối đủ. Bãi thải đến thời điểm hiện tại đã bố trí được 7,2/7,8 triệu khối, không ảnh hưởng đến tiến độ. Về vật liệu đá, cát hiện tại đủ, không vướng, các nhà thầu đang phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2026. Như vậy, khó khăn đã được tháo gỡ, giờ chỉ tập trung vào thi công và đẩy nhanh tiến độ.

Sau khi trực tiếp kiểm tra dự án và nghe các đơn vị báo cáo, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của Ban QLDA, các nhà thầu trong triển khai thực hiện dự án. Thứ trưởng nhìn nhận, năm qua, dự án còn gặp nhiều vướng mắc về bãi thải, đất đắp, vật liệu nhưng đã được địa phương, chủ đầu tư tập trung tháo gỡ. Hiện các nhà thầu phải tập trung nhân công, thiết bị để thi công “3 ca, 4 kíp”, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến năm 2026 cơ bản hoàn thành dự án. 

"Đến nay, vị trí nào còn vướng mắc, các nhà thầu phải khắc phục ngay để đẩy tiến độ dự án. Đối với vị trí có rừng, sau khi hoàn thiện các thủ tục, nhà thầu phải hỗ trợ chặt hạ, lấy mặt bằng, không thể chờ lâu hơn được. Đối với các công trình thi công hầm và cầu, chủ đầu tư cùng với nhà thầu phải rút ngắn thời gian hoàn thành, đảm bảo chất lượng dự án. 

Thời điểm này, địa bàn Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa, vì vậy chủ đầu tư phải bố trí các hạng mục công việc khoa học, hợp lý. Giai đoạn này sẽ tập trung làm cầu, cống, cấu kiện, sản xuất vật liệu để mùa khô đẩy nhanh tiến độ, tăng tốc về đích", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn chỉ đạo.

Ý kiến của bạn

Bình luận