Ngày 13/7, ghi nhận dọc tuyến QL50, huyện Bình Chánh (đoạn gần cầu Ông Thìn), nhiều căn nhà của các hộ kinh doanh đã chủ động giải tỏa mặt bằng đến gần 20 m, bàn giao cho chính quyền, phục vụ việc mở rộng tuyến đường.
Trong khi đó, tại các vị trí đã được bàn giao mặt bằng, nhà thầu đang tiến hành di dời hạ tầng kỹ thuật (hệ thống điện, nước, viễn thông) trước khi triển khai thi công mở rộng đường.
Ông Phan Trường Khoa (ngụ tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) cho biết: "Sau khi nhận tiền đền bù, gia đình tôi đã thuê thợ đến tháo dỡ các hạng mục nằm trong diện giải tỏa và ổn định chỗ ở. Tôi kỳ vọng dự án sớm hoàn thành đưa vào khai thác, giúp giảm ùn tắc trên tuyến đường huyết mạch này".
Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao TP. HCM (Ban Giao thông) cho biết, dự án mở rộng QL50 cần thu hồi 26,57 ha với 594 trường hợp ảnh hưởng. Trong đó, 87 hộ dân giải tỏa trắng, 407 hộ giải tỏa một phần và 16 tổ chức. Đến nay, 27 hộ dân và 2 doanh nghiệp chưa bàn giao mặt bằng. Các bên đang phấn đấu đến cuối tháng 7/2024 có 100% mặt bằng cho dự án.
Dự án mở rộng QL50 được đầu tư với kinh phí gần 1.500 tỷ đồng, dài gần 7 km, mở rộng lên 34 m cho 6 làn xe. Trong đó, hơn 4 km sẽ làm đường mới song hành QL50, đoạn còn lại mở rộng đường hiện hữu. Trên tuyến, 2 cầu Bà Lớn và Ông Thìn cũng được xây dựng đồng bộ.
Theo Ban Giao thông, sau hơn 18 tháng thi công, toàn dự án mở rộng QL50 hiện đạt khoảng 48% khối lượng. Dự kiến, đường song hành, cầu Bà Lớn sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024, phần mở rộng QL50 hiện hữu, cầu Ông Thìn sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025.
QL50 là tuyến huyết mạch nối TP. HCM đi các tỉnh miền Tây nhưng nhỏ hẹp, trong khi đây còn là trục đường dẫn vào khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước nên thường xảy ra ùn tắc, tai nạn. Dự án khi hoàn thành giúp tăng kết nối giao thông, kinh tế giữa TP. HCM, Long An cùng các tỉnh miền Tây. Mặt khác, công trình cũng liên kết các tuyến huyết mạch khác như cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3; đại lộ Nguyễn Văn Linh... giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông phía Nam TP. HCM.
Tương tự, tại phía Đông TP. HCM, những ngày qua, nhiều căn nhà dọc đường Hoàng Hữu Nam (TP. Thủ Đức) được người dân phá dỡ, lùi sâu vào trong, chờ triển khai dự án mở rộng đường. Hiện nhà thầu đã huy động công nhân và máy móc thi công một số đoạn có mặt bằng.
Cụ thể, đường Hoàng Hữu Nam là một trong những tuyến đường kết nối vào Bến xe Miền Đông mới, đây cũng là tuyến đường liên kết các cảng, khu công nghiệp tại TP. Thủ Đức nên lượng xe qua lại rất đông. Do mặt đường cũ chỉ rộng 7 m nên tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra.
Trước đó, năm 2015, TP. HCM bắt đầu triển khai dự án mở rộng đường Hoàng Hữu Nam từ Bến xe Miền Đông mới đến nút giao Xa lộ Hà Nội, dài 1,7 km, rộng đến 30 m. Dự án cũng nâng cấp đường D400 và đường số 13. Tổng mức đầu tư dự án hơn 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng, hiện đường D400 và đường số 13 đã hoàn thành, nhưng đường Hoàng Hữu Nam còn đang thi công dang dở.
Ban QLDA Đầu tư xây dựng khu vực TP. Thủ Đức (chủ đầu tư) cho biết, để triển khai dự án đường Hoàng Hữu Nam cần thu hồi hơn 47.500 m2 đất của 154 hộ dân. Hiện dự án còn vướng mắc hơn 20 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Nếu các hộ này được giải tỏa xong sớm, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành dịp 30/4/2025 kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cùng thời điểm này, hàng chục hộ dân trên đường Nguyễn Thị Định (TP. Thủ Đức) đang tháo dỡ một phần nhà sau khi nhận đủ tiền giải tỏa. "Tôi hy vọng khi mặt bằng đã có, cơ quan chức năng nhanh chóng mở rộng tuyến đường khu Đông này, giải quyết dứt điểm tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng lâu nay", bà Trần Thị Quyên (ngụ tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức) chia sẻ.
Hiện TP. Thủ Đức đã chi trả tiền bồi thường cho dự án hơn 1.000 tỷ đồng với hơn 300 hộ dân, tổ chức đã nhận tiền, dự kiến hết năm 2024 sẽ bàn giao 100% mặt bằng sạch cho dự án.
Theo Ban QLDA Đầu tư xây dựng khu vực TP. Thủ Đức (chủ đầu tư), sau khi có mặt bằng, năm 2025 sẽ tổ chức đấu thầu, khởi công dự án và hoàn thành, đưa vào sử dụng công trình trong năm 2026.
Dự án mở rộng đoạn đường Nguyễn Thị Định dài 2 km (từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy) được HĐND TP. HCM thông qua chủ trương đầu tư năm 2015 và cuối năm 2023 HĐND Thành phố điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án lên 2.075 tỷ đồng. Tuyến đường sẽ được mở rộng lên 30 m.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.