Thủ tục nhiêu khê và "cái dở nhất" của DN taxi

Ý kiến phản biện 24/02/2016 09:45

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, “để doanh nghiệp lấy được một cái chấp thuận về giá từ cơ quan quản lý là không hề đơn giản”.

Thủ tục nhiêu khê và %22cái dở nhất%22 c

Ông Thọ phát biểu như vậy tại cuộc họp giữa Bộ GTVT với các đơn vị vận tải nhằm có biện pháp điều chỉnh giá cước vận tải phù hợp với mức giảm của giá xăng dầu hôm 22/2. Tại cuộc họp, một vấn đề nổi lên là các thủ tục hành chính liên quan.

Các hiệp hội và doanh nghiệp đều cho rằng, giá thành cước vận tải ô tô gồm nhiều yếu tố cấu thành. Bên cạnh giá xăng dầu còn chi phí đường; chi phí nhân công... (không giảm); taxi cũng nhiều hãng, nhiều loại xe khác nhau nên không thể áp đặt thống nhất cùng một mức giá; thủ tục kê khai lại giá cước cũng chưa thuận tiện... Vì vậy, các hiệp hội, DN cho rằng Nhà nước không nên định giá mà giá cước vận tải mà nên để thị trường điều tiết...

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề xuất một số giải pháp như giảm thủ tục kê khai giá cước vốn được các DN phản ánh rất phức tạp, nhiêu khê. Cơ quan quản lý giá bắt DN phải kê khai, bắt họ chứng minh chi phí đầu vào rồi mới đóng dấu phê duyệt. Như vậy là nhiêu khê, gây tốn kém cho DN và tác động đến việc điều chỉnh giá cước.

Bác bỏ tất cả các lý do mà DN cũng như các hiệp hội vận tải nêu ra, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định giá cước vận tải là theo cơ chế thị trường và dựa trên cơ chế cạnh tranh nhưng có sự điều tiết của cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên lâu nay sau khi báo chí phản ánh thì cơ quan quản lý cũng chỉ đi kiểm tra xem kê khai, niêm yết có đúng không. Tuy nhiên có thể khẳng định, chi phí nhiên liệu chiếm 25 – 35% thì dứt khoát khi giá xăng dầu giảm, giá cước cũng phải giảm. Chỉ có biên độ như thế nào cho hợp lý.

Tuy nhiên, về các thủ tục được phản ánh là phức tạp, trước đại diện Bộ Tài chính, Thứ trưởng Thọ cũng thẳng thắn cho biết, đã đi thực tế cơ sở và thấy rằng: “Để DN lấy được một cái chấp thuận về giá từ cơ quan quản lý là không hề đơn giản”.

“Theo chỉ đạo của Bộ trưởng chúng tôi đã, đang tiếp thu ý kiến để sửa lại Thông tư liên bộ 152, dứt khoát sẽ giảm bớt các thủ tục hành chính để giảm chi phí chung, giảm cước vận tải. Các DN cũng phải đưa bản đồ số, đưa công nghệ hiện đại vào quản trị DN, tiết kiệm chi phí”, Thứ trưởng nói.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, giá xăng dầu đã giảm sâu. Thực tế có nhiều DN đã kê khai giảm giá nhưng người dân nhìn nhận chưa như kỳ vọng. Bộ GTVT và Bộ Tài chính cũng thấy có trách nhiệm trong vấn đề này, trong đó có việc quản lý chưa tốt như: việc kê khai giá thủ tục còn phức tạp, điều chỉnh đồng hồ taximet còn mất nhiều thời gian, chi phí… nên cần khắc phục ngay trong thời gian tới bằng cách điều chỉnh các quy định khi xây dựng Thông tư mới thay thế Thông tư 152 hiện nay.

Theo Thứ trưởng, các DN đều có ý kiến rằng về việc một lần kê khai giảm giá cước là rất phức tạp, tốn kém cho DN thì liên Bộ sẽ nghiên cứu, đây là mấu chốt của vấn đề, cần làm nhanh. Bộ Tài Chính và Cục Giá cần sớm ban hành quy trình triển khai việc kê khai giá một cách đơn giản nhất và cần tính đến phương án kê khai điện tử cho nhanh gọn. Hiệp hội Vận tải Việt Nam nghiên cứu để triển khai việc kiểm định đồng hồ một cách nhanh nhất, rẻ nhất giảm chi phí cho DN.

Về việc sửa đổi Thông tư liên bộ 152, Bộ GTVT sẽ cầu thị với tất cả các ý kiến DN góp ý và Vụ Vận tải sẽ tổng hợp lại để trong tháng 2 chuyển sang Bộ Tài chính, trong tháng 3/2016 ban hành thông tư này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.

Phương thức quản lý lạc hậu

Sau nhiều ý kiến phát biểu của các DN cho rằng việc chậm giảm giá cước là do cơ chế khoán cho lái xe nên khi giá xăng dầu giảm thì chỉ lái xe được lợi chứ DN không được gì, ông Nguyễn Văn Thanh thẳng thắn chỉ ra, cơ chế này chính là "cái dở nhất" của các doanh nghiệp taxi.

“Chính cơ chế đó nên giá xăng giảm thì lái xe có lợi còn xăng dầu tăng thì họ đình công. Việt Nam có trên 80 triệu dân nên số người đi taxi rất lớn. Để phục vụ người dân tốt hơn thì doanh nghiệp phải thay đổi phương thức quản lý chứ không thể khoán trắng cho lái xe. Doanh nghiệp phải đổi mới để thu hút khách hàng, để giảm chi phí đi. Các anh phải thay đổi chứ”, ông Thanh bức xúc.

Ý kiến của bạn

Bình luận