Thủ tướng cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ trở lại

Chính trị 08/12/2016 15:51

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định chủ nghĩa bảo hộ là một trong nhiều thách thức lớn với kinh tế khu vực, song cũng cho rằng Việt Nam vẫn đang là điểm đến đầu tư tin cậy, hấp dẫn.

 

Thủ tướng cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ tro
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trước những thách thức gặp phải, từng thành viên ASEAN phải đổi mới, chuyển mình để trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Thông điệp mang tầm quốc tế nêu trên được lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đưa ra khi phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN Bloomberg 2016 diễn ra sáng 8/12. Đây là lần đầu tiên diễn đàn được tổ chức tại Hà Nội.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vào thời điểm kỷ niệm một năm thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam và các quốc gia trong khu vực đang nỗ lực nhằm hiện thực hoá các cam kết phát triển với không gian hợp tác, liên kết sâu rộng.

Tuy vậy, thế giới và khu vực ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức to lớn, trên nhiều lĩnh vực về an ninh, kinh tế, lương thực, tiền tệ, biến đổi khí hậu và chủ nghĩa bảo hộ đang có nguy cơ trở lại... Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam và 11 nước khác đàm phán xong cách đây một năm đang đứng trước nhiều thách thức về khả năng được thực thi, sau khi Tổng thống mới đắc cử của Mỹ - Donald Trump bày tỏ quan điểm không ủng hộ. Trên thực tế, trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực cũng có dấu hiệu suy giảm.

Bất chấp những bất lợi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng vẫn có nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc hình thành Cộng đồng ASEAN, các khối thương mại tự do quy mô lớn, tiêu chuẩn cao...

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Với những cải thiện này, Thủ tướng kỳ vọng các nhà đầu tư, doanh nghiệp ASEAN và quốc tế chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư tin cậy, hấp dẫn.

Thông tin trước các nhà đầu tư đến từ ASEAN, Thủ tướng cho hay Việt Nam đã trở thành một quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, có dân số hơn 90 triệu người, với nền kinh tế năng động, năm 2016 tăng trưởng GDP đạt 6,3%, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 6,5-7%.

Thương mại có độ mở cao với tổng kim ngạch năm 2016 gấp 1,7 lần GDP, ước đạt 360 tỷ USD và tại Việt Nam đang có 22.000 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn gần 300 tỷ USD. Với 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động, 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể, Việt Nam cũng đang hướng tới mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

“Từng thành viên ASEAN không thể phát triển nếu chỉ dựa vào khai thác tài nguyên và lao động giản đơn, mà cần đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sâu hơn và vươn lên các mức giá trị gia tăng cao hơn”, người đứng đầu Chính phủ khẳng định.

Là thị trường rộng lớn với dân số hơn 600 triệu người mà còn là khu vực kinh tế có quy mô GDP đạt gần 3.000 tỷ USD, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng, cộng đồng doanh nghiệp ASEAN có vai trò là chủ thể, là động lực của tiến trình liên kết kinh tế và đóng vai trò khởi xướng các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp, tạo động lực mới trong phát triển thương mại và đầu tư.

Cho hay Việt Nam thuộc nhóm nước trung bình trong khu vực ASEAN, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Chính phủ đang tiến hành loạt cải cách, từ tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tới cải cách hành chính – điều trước nay vẫn được coi là trở ngại với nhà đầu tư.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cũng cho biết, Chính phủ sẽ sớm thông qua luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có chính sách thu hút nhiều hơn nguồn vốn từ nước ngoài, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á.

“Việt Nam đang theo đuổi định hướng chiến lược nhanh, bền vững mà hội nhập đem lại và hướng tới trở thành điểm đến đầu tư số 1 của các nước trong khu vực, thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tự tin.

Ý kiến của bạn

Bình luận