Cùng dự có Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các hội, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng.
Thời gian qua việc triển khai các dự án trọng điểm, các dự án quan trọng quốc gia, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương, các doanh nghiệp xây dựng: Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai các dự án đầu tư xây dựng nói chung, đã dần được hoàn thiện và ngày càng được hoàn thiện; các dự án trọng điểm, các dự án quan trọng quốc gia được triển khai theo Nghị quyết Đại hội Đảng đã hoàn thành và dần được hoàn thành tạo sự đột phá trong xây dựng và phát triển đất nước.
Tại cuộc họp, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, trong thời gian qua nhiều đơn vị thi công các gói thầu lớn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT đang quyết tâm hoàn thành vào cuối năm 2025 theo tinh thần tại lễ phát động 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường cao tốc của Thủ tướng.
Như vậy sau năm 2025, đề xuất ưu tiên tận dụng nguồn lực nội tại của đất nước từ các doanh nghiệp trong nước về nhân lực, máy móc thiết bị để tối ưu sản xuất cho việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao. "Kiến nghị Nhà nước hỗ trợ tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam học tập kinh nghiệm quốc tế, giao công việc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển; tăng cường đào tạo nhân lực và ứng dụng công nghệ số vào các dự án ngành giao thông, đặc biệt là các dự án đường sắt tốc độ cao", ông Hồ Minh Hoàng kiến nghị.
Để các nhà thầu trong nước được tiếp cận và triển khai thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đề xuất tách dự án thành hai hợp phần. Trong đó hợp phần 1 là các hạng mục xây dựng từ phần dưới ray trở xuống có tính chất tương tự công trình đường bộ để giao cho doanh nghiệp trong nước, hợp phần 2 phần đầu máy, toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu … giao cho doanh nghiệp trong nước liên danh với danh nghiệp nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Trường (Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường) kiến nghị nên phân cấp, phân quyền cho các địa phương cấp mỏ vật liệu đất đá. Từ kinh nghiệm những dự án đã triển khai, các công trình liên quan nhà nước thì thủ tục giải quyết rất khó khăn, nhưng doanh nghiệp tư nhân tự làm thì đơn giản hơn. Ông Trường nêu thực tế, chỉ có tỉnh mới biết được rõ mỏ nào khai thác được để làm vật liệu san lấp. Điều quan trọng là các tỉnh phải đổi mới tư duy, khai thác mỏ vật liệu nhưng phải đi đôi với bảo vệ môi trường…
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, sâu sắc, chất lượng của các Phó Thủ tướng và các đại biểu dự hội nghị. Đặc biệt, Thủ tướng hoan nghênh tinh thần cầu thị, dám nghĩ dám làm, dám nói của các doanh nghiệp xây dựng tham dự hội nghị, đã đề xuất làm những vấn đề mang tính đột phá, tư duy đổi mới sáng tạo cùng tham gia giải quyết những bài toán lớn của quốc gia.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến, ban hành thông báo kết luận hội nghị để thống nhất chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Trong thời gian tới Thủ tướng đề nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp xây dựng luôn xác định rõ việc triển khai các dự án trọng điểm, các dự án quan trọng quốc gia hiệu quả, đúng tiến độ, mục tiêu đặt ra là động lực cơ bản để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đi lên từ nội lực, lấy nội lực là "cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định".
Thủ tướng chỉ rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nêu rõ: Về nhận thức phải xác định rõ đột phá về hạ tầng chiến lược rất quan trọng, giúp góp phần công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, mở rộng ra không gian phát triển mới, tăng giá trị của đất, thuận lợi trong giao thông, giảm chi phí logictic, tăng giá trị hàng hóa. Thủ tướng nhấn mạnh hiện nay chúng ta đã làm tốt rồi thì sắp tới phải làm tốt hơn.
Huy động nguồn lực và đa dạng hóa nguồn lực từ nhà nước, nhân dân, nhà đầu tư, nguồn lực hợp tác công tư để thực hiện mục tiêu phát triển hạ tầng chiến lược với tinh thần "hài hòa lợi ích giữa nhà nước và người dân".
Tập trung cho phát triển khoa học công nghệ, quản trị thông minh, đào tạo nguồn nhân lực, vận dụng sáng tạo hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển giao công nghệ tiên tiến. "Việc này không chỉ nhà nước mà doanh nghiệp cũng phải tập trung làm", Thủ tướng chỉ rõ.
Xác định hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, phải tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện đảm bảo thông thoáng, thuận lợi nhất là liên quan đến giải phóng mặt bằng, bồi thường, đơn giá..
Các doanh nghiệp phát huy tinh thần tự lực tự cường đi lên từ sức mạnh nội sinh có sự giúp đỡ hợp tác của nhà nước để hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.
Các bộ ngành, địa phương luôn lắng nghe thấu hiểu, động viên, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thể chế nhân lực, nguồn lực để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.
Cùng với đó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành địa phương, làm tốt công tác phân cấp phân quyền, tăng cường giám sát kiểm tra, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân doanh nghiệp.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng nhiệm vụ thẩm quyền của mình tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp không để các nhà thầu thi công "cô đơn trên công trường", tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, thực hiện phân công công việc trên tinh thần 5 rõ: " rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.
Đặc biệt với Bộ Xây dựng Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức phù hợp, kịp thời, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; chủ động, hướng dẫn khi các doanh nghiệp gặp khó khăn; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương khẩn trương phổ biến, cập nhật các quy định luật pháp
Đối với các doanh nghiệp, nhà thầu tư vấn giám sát phát huy tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết, hoạt động đúng phát luật, tinh thần là "đã nói là làm" đã cam kết là phải thực hiện", "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", năng động sáng tạo đổi mới trong quá trình làm.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, với tinh thần "đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình" để "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", đã quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn, cố gắng rồi thì cố gắng hơn, nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn, các chủ thể tham gia dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; các doanh nghiệp xây dựng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, ngày càng khẳng định vai trò và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.