Sáng 25/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra dự án đường Vành đai 3 TP.HCM qua Long An. Cùng đi có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Khu vực kiểm tra dự án tại nút giao đường Vành đai 3 với các tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM qua tỉnh Long An nằm trên địa bàn huyện Bến Lức, dài 6,84 km, điểm đầu giáp ranh TP.HCM - Long An, điểm cuối tại nút giao giữa đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Trung Lương. Tổng mức đầu tư dự án 4.208 tỷ đồng, với nguồn vốn từ ngân sách Trung ương khoảng 75% và ngân sách tỉnh khoảng 25%.
Theo Sở GTVT tỉnh Long An (chủ đầu tư dự án), đến nay, đơn vị đã hoàn thành các thủ tục đầu tư như phê duyệt dự án, thiết kế kỹ thuật, lựa chọn, ký kết hợp đồng với các nhà thầu thi công và tổ chức lễ khởi công từ 30/6.
Công tác GPMB tại địa phương đạt gần 97% diện tích và bàn giao cho các nhà thầu thi công. Chủ đầu tư cam kết sẽ cùng các đơn vị thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát làm hết sức mình, chậm nhất đến tháng 10/2025 cơ bản thông xe kỹ thuật tuyến cao tốc và hoàn thành đưa vào sử dụng toàn dự án trong năm 2026.
Tại buổi kiểm tra hiện trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Long An tập trung hoàn thành công tác GPMB cho dự án (hiện đã đạt 97%) theo hướng ưu tiên hình thức tái định cư tại chỗ với yêu cầu bảo đảm người dân có nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.
Thủ tướng cũng yêu cầu Long An giao trực tiếp các mỏ nguyên vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu thi công các dự án, không qua trung gian, đồng thời làm tốt việc giải phóng mặt bằng và làm đường hậu cần để khai thác các mỏ này.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An đang diễn ra tình trạng thiếu đất đắp. Trả lời về vấn đề này, ông Võ Minh Thành, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Long An cho biết, nguyên nhân là do giai đoạn 2015 - 2020, một số địa phương không dự đoán, dự báo được nguồn đất san lấp các công trình của tỉnh nên không bố trí vị trí khai thác đất trong quy hoạch sử dụng đất.
Giải pháp trong thời gian tới, Sở TN&MT tỉnh Long An đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương xác định nguồn vật liệu của tỉnh cho giai đoạn đến năm 2030 là đất san lấp và cũng chỉ ưu tiên cho các công trình đầu tư công.
Các thủ tục phải trình UBND tỉnh quyết định khoanh định vào khu vực không đấu giá hoặc đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm cơ sở thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác.
Trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt, các địa phương đề xuất nhu cầu trữ lượng và khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Sau khi hoàn thành việc khoanh định này thì các địa phương phải thực hiện các thủ tục cấp phép theo quy định.
Do vậy, việc chậm hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác là do vướng quy hoạch sử dụng đất và thời gian để hoàn thành cấp phép khai thác khoáng sản là phụ thuộc vào tiến độ lập thủ tục cấp phép của huyện và chủ đầu tư sau khi được UBND tỉnh khoanh định vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Cũng tại buổi kiểm tra, Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, nói không với tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm công khai, minh mạch. Nhà thầu phải huy động nhân lực, phương tiện, trang thiết bị,… để tranh thủ thời tiết thuận lợi thi công "3 ca 4 kíp", bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, an toàn,… tránh đội vốn.
Địa phương, các cơ quan liên quan, các nhà thầu thi công, tư vấn, giám sát cần phối hợp chặt chẽ, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh và luôn lắng nghe các ý kiến của người dân trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.