Đây là một trong những hoạt động cùng với cả nước thi đua lập thành tích chào mừng 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; 70 năm truyền thống ngành giao thông vận tải; Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Quốc lộ 60 là tuyến huyết mạch ở vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng, nằm trong Quy hoạch phát triển giao thông đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2013. Trên tuyến Quốc lộ 60 có bốn cầu lớn đó là: Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên và Đại Ngãi, trong đó cầu Rạch Miễu và Hàm Luông đã hoàn thành và đang khai thác sử dụng, góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế cho các tỉnh trong khu vực, mặc dù vậy Quốc lộ 60 vẫn chưa phát huy hết hiệu quả do vẫn bị ngăn cách bởi phà Cổ Chiên và Đại Ngãi, vì vậy Bộ GTVT trình Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên bằng nguồn vốn Nhà nước kết hợp nguồn vốn xã hội hoá.
Dự án cầu Cổ Chiên sau khi thông xe và đưa vào khai thác có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ cùng Quốc lộ 60 đảm nhận một phần lưu lượng xe của Quốc lộ 1, không phải đi vòng qua cầu Cần Thơ và Mỹ Thuận, rút ngắn khoảng cách lưu thông giữa tỉnh Trà Vinh và thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70km, góp phần rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, giữ vững an ninh – quốc phòng, ổn định chính trị không những cho tỉnh Bến Tre và Trà Vinh nói riêng mà cho cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cầu Cổ Chiên vượt sông Cổ Chiên trên Quốc lộ 60, cách bến phà hiện hữu khoảng 3,6km về phía hạ lưu, thuộc địa phận huyện Mỏ Cày Nam tỉnh Bến Tre và huyện Càng Long tỉnh Trà Vinh. Dự án đầu tư đã được phê duyệt tại Quyết định số 3053/QĐ-BGTVT ngày 22/10/2010, phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1109/QĐ-BGTVT ngày 18/5/2012 và Quyết định số 1309/QĐ-BGTVT ngày 17/5/2013. Bao gồm 02 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư 2,308 tỷ đồng (vốn BOT: 1,244 tỷ đồng, ngân sách nhà nước: 1,044 tỷ đồng).
Dự án thành phần 1 (cầu Cổ Chiên) được xây dựng vĩnh cửu bằng BTCT và BTCT DƯL, tổng chiều dài 1,599m, sơ đồ nhịp: (12×40+90 + 3×150 + 90 +12×40)m; nhịp chính thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng, 24 nhịp cầu dẫn bằng dầm BTCT DƯL, kết cấu giản đơn bằng dầm SuperT, dài L=40m, tĩnh không thông thuyền (25×120)m; kết cấu móng mố, trụ bằng cọc khoan nhồi đường kính D=1.5m ÷ 1.8m.
Dự án thành phần 2 (đường dẫn vào cầu) có quy mô cấp III đồng bằng, bề rộng nền đường giai đoạn trước mắt =12m, giai đoạn hoàn chỉnh =20,5m, tổng chiều dài tuyến khoảng 9,39km; xây dựng mới 04 cầu trên tuyến, kết cấu nhịp giản đơn, chiều dài từ 24m ÷ 40m; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống an toàn giao thông, trạm thu phí và hệ thống chiếu sáng.
Toàn bộ dự án được giao cho Ban quản lý dự án 7- bộ GTVT làm đại diện chủ đầu tư phần vốn Nhà nước và đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền phần vốn BOT. Phần vốn BOT do nhà đầu tư Tổng công ty XDCTGT1 – bộ GTVT và Công ty cổ phần Tuấn Lộc đầu tư.
Dự án được khởi công vào ngày 02/8/2013 với thời gian thi công 24 tháng; Dự án thành phần 2 hoàn thành thông xe đồng bộ với Dự án thành phần 1. Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, tuy nhiên được sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ GTVT, công trình đã được ưu tiên bố trí ứng trước kế hoạch năm 2015, đặc biệt trong thời điểm khó khăn nhất (vào tháng 4/2014) tỉnh Bến Tre và Trà Vinh đã cho dự án mượn 100 tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn. Sau khi kiểm tra hiện trường tháng 2- 2015 Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo các đơn vị nỗ lực để cố gắng rút ngắn thời gian thi công, cố gắng thông xe vào dịp kỷ niệm 125 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/2015. Với tinh thần đó các đơn vị thực hiện dự án đã tổ chức thi công liên tục 3 ca, không nghỉ lễ và nghỉ tết, đưa ra các giải pháp kỹ thuật hợp lý để rút ngắn thời gian thi công. Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ, công trình đã hoàn hành các hạng mục cuối cùng vào ngày 14/5/2015.
Sau khi được bố trí vốn năm 2014, 03 gói thầu còn lại tiếp tục triển khai vào tháng 6/2014, theo kế hoạch phải đến tháng 9 – 2015 mới kết thúc. Nhưng để sớm đưa dự án vào khai thác để phát huy hiệu quả phát triển kinh tế, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã cho phép dỡ tải, chỉ đạo Tư vấn thiết kế có các giải pháp xử lý để đảm bảo hoàn thành toàn bộ dự án sớm hơn dự kiến, vượt tiến độ đề ra. Trong quá trình khai thác tạm tiếp tục theo dõi lún cho đến khi ổn định sẽ bù lún và bổ sung đủ kết cấu áo đường, đảm bảo khai thác bình thường.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.