Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đoàn kết, phát huy mọi nguồn lực, thúc đẩy hạ tầng giao thông ĐBSCL

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Chính trị 16/10/2024 12:36

Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương chính là cơ sở để hoàn thành nhanh chóng các dự án.

Sáng 16/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao khu vực ĐBSCL tại TP. Cần Thơ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cần nhanh chóng thúc đẩy hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị

Nhiều dự án lớn cho vùng ĐBSCL

Theo Bộ GTVT, hiện nay khu vực ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông trọng điểm với tổng vốn đầu tư khoảng 106 nghìn tỷ đồng, trong đó, 8/9 dự án đang tổ chức thi công. Riêng dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công vào đầu năm 2025.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, trong tổng số 8 dự án đang triển khai thì có đến 6 dự án sẽ hoàn thành trong năm 2025. Các dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, dự án cầu Đại Ngãi hoàn thành năm 2027.

Hiện nay, công tác GPMB tại các dự án cao tốc đang triển khai đạt trên 99%, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công, riêng dự án đường Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu thi công (đoạn qua tỉnh Kiên Giang đạt 56%, qua tỉnh Bạc Liêu đạt 82%).

Ngoài ra, dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ còn vướng mặt bằng tại nút giao Lộ Tẻ (qua TP. Cần Thơ). Mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác GPMB chưa hoàn thành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9/2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cần nhanh chóng thúc đẩy hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm báo cáo tình hình thi công tại các dự án giao thông trọng điểm trong khu vực

Để đảm bảo hoàn thành các dự án theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết, tập trung chỉ đạo các nhà thầu huy động tối đa các nguồn lực tài chính, nhân lực, thiết bị và quyết liệt tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, các nhà thầu đã huy động tổng số 450 mũi thi công, 6.500 nhân lực, 2.200 thiết bị phù hợp với điều kiện thi công tại khu vực ĐBSCL (riêng dự án Cần Thơ - Cà Mau đã huy động 183 mũi thi công, 971 thiết bị, 3.000 nhân lực). Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ so với kế hoạch từ 4% đến 15% (chỉ có dự án thành phần 1 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự án cầu Rạch Miễu 2 và dự án cầu Đại Ngãi đáp ứng tiến độ).

Nguyên nhân của việc chậm tiến độ chủ yếu là do nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án chưa đáp ứng yêu cầu. Việc này gây lãng phí lớn về thời gian, nguồn lực của các nhà thầu, ảnh hưởng đến hiệu quả thi công và tiến độ hoàn thành các dự án. Đặc biệt, đối với dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và dự án đường Hồ Chí Minh cần hoàn thành công tác gia tải chậm nhất vào ngày 31/12/2024, từ đó mới có thể hoàn thành dự án vào cuối năm 2025. 

Tuy nhiên, tại dự án Cần Thơ - Cà Mau, công suất khai thác, cung ứng cát đắp hàng ngày mới chỉ đạt 54.000/76.000 m3. Tại dự án đường Hồ Chí Minh hiện mới chỉ thi công các công trình cầu, đào bóc hữu cơ do chưa hoàn thành thủ tục cấp mỏ. Vì vậy, nếu không kịp thời bổ sung nguồn vật liệu cho các dự án để đạt công suất theo nhu cầu trong tháng 10/2024 thì sẽ rất khó đáp ứng tiến độ.

"Điểm nghẽn" vật liệu cát đắp

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, nhu cầu sử dụng cát đắp nền đường cho toàn dự án đường Vành đai 3 có khối lượng rất lớn (khoảng 9,2 triệu m3). Thời gian qua, công việc này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt vùng ĐBSCL cần huy động khối lượng cát đắp rất lớn.

Trong năm 2024, nhu cầu cát tại dự án khoảng 5 triệu m3, đến nay khối lượng cát huy động về công trường khoảng 1,8 triệu m3. Do đó, TP. HCM mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các địa phương trong vùng ĐBSCL (Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre…), sớm hoàn thành thủ tục cấp phép, khai thác các mỏ còn lại cung cấp vật liệu cát đắp cho đường Vành đai 3 để triển khai thi công đảm bảo tiến độ dự án.

Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng cho biết, tại dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được tỉnh An Giang cấp một mỏ cát với trữ lượng khoảng 2,6 triệu m3, đáp ứng 45% khối lượng nhu cầu dự án. Tuy nhiên, hiện nay mỏ cát trên địa bàn tỉnh An Giang phục vụ dự án đã được điều chuyển một phần cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. 

Trước tình hình đó, tỉnh Hậu Giang đã chủ động phối hợp với tỉnh Bến Tre để khảo sát, đánh giá trữ lượng các mỏ cát. Theo đó, đối với mỏ cát Ba Lai 3, đơn vị thi công đang hoàn thiện hồ sơ cấp phép, trình UBND tỉnh Bến Tre. Dự kiến, đầu tháng 11/2024 sẽ được cấp phép khai thác (trữ lượng khoảng 0,9 triệu m3). 

Đối với mỏ cát ST2 trên sông Tiền, UBND tỉnh Bến Tre đã trình HĐND tỉnh điều chỉnh quy hoạch. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre đang hoàn thiện thủ tục cấp phép khảo sát, dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành thủ tục khai thác (khối lượng khoảng 1,6 triệu m3).

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cũng đánh giá, sản lượng thi công tại các dự án mà Ban làm chủ đầu tư đã tăng so với thời gian trước. Trong những tháng qua, gần 5 triệu m3 cát đã được đưa về công trường, tạo điều kiện cho nhà thầu tập trung thi công. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cần nhanh chóng thúc đẩy hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 3.

Cát đắp được đưa về công trường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Tuy nhiên hiện nay, khu vực mỏ Vàm Nao trên địa bàn tỉnh An Giang đang hạn chế công suất theo năm. Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị, tỉnh An Giang xem xét bỏ việc hạn chế này để nhà thầu có thể khai thác đưa về công trường, đồng thời khơi thông luồng tuyến phục vụ việc lưu thông của các phương tiện thủy trên sông Vàm Nao.

Đối với tỉnh Đồng Tháp, có 2 mỏ đang tạm dừng do chất lượng và bị sạt lở. Do đó, tỉnh kiến nghị tăng công suất một số mỏ khác để đáp ứng nhu cầu của các dự án.

Riêng việc sử dụng cát biển cho dự án, ông Lê Xuân Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn mong muốn có các điều chỉnh bổ sung giá sàng lọc, rửa cát biển, có đánh giá toàn diện về cát biển để phục vụ các dự án. Đồng thời, trong công tác quản lý giá vật liệu tại các địa phương, đơn vị cũng kiến nghị UBND các tỉnh quan tâm và có các thông báo giá phù hợp theo quy định để cấp cho các công trình trọng điểm quốc gia.

Gỡ khó để tăng tốc, bứt phá về tiến độ

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu cao tinh thần "đi trước mở đường" của ngành GTVT. Vì vậy, các cấp, ngành, đơn vị phải luôn thực hiện công việc trên tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cần nhanh chóng thúc đẩy hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt tinh thần cùng làm, cùng chia sẻ, phối hợp giữa các bộ, ngành, không đùn đẩy trách nhiệm

Thủ tướng cho biết, cách đây 3 tháng, cũng tại TP. Cần Thơ, Chính phủ đã có buổi làm việc với nội dung tương tự. Thủ tướng cũng đã có 5 lần kiểm tra trực tiếp các công trình giao thông trọng điểm ở ĐBSCL. Đây là sự quan tâm, sát sao của Chính phủ đối với hạ tầng giao thông của vùng. "Chúng ta luôn giữ vững tinh thần, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, quyết liệt, khó khăn vướng mắc ở đâu sẽ được tháo gỡ ở đó; không để trì trệ, nói là làm và cam kết thực hiện, rõ người rõ việc, rõ trách nhiệm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho rằng, ĐBSCL có nhiều lợi thế nhưng cũng còn nhiều hạn chế. Trong đó, hạ tầng chiến lược giao thông còn khó khăn, chi phí vận chuyển hàng hóa cao, giảm tính cạnh tranh, không tái cơ cấu kinh tế, hiện đại hóa được. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương giải quyết dứt điểm GPMB và các vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật. Riêng các vấn đề vật liệu, cát sông, cát biển phải hoàn thành sớm các thủ tục, cấp mỏ cho nhà thầu phục vụ các dự án.

“Chúng ta không để các nhà thầu "cô đơn" trên công trường, phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Tinh thần cùng làm, cùng chia sẻ, phối hợp giữa các bộ, ngành, không đùn đẩy trách nhiệm. Nhân dân đang rất trông đợi, mong ngóng ngày hoàn thành các dự án. Thi đua 500 ngày đêm, ai làm tốt thì được khen thưởng ngay, ai làm không tốt, làm xấu thì sẽ xử lý", Thủ tướng kết luận.

Ý kiến của bạn

Bình luận