Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã nhận được văn bản của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam về việc xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri đối với việc cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Về việc đầu tư mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định: quốc lộ 1 đoạn Hà Nội đến Cần Thơ, dài 1.948 km được hoàn thành nâng cấp, mở rộng với quy mô 4 làn xe cơ giới; tại một số đoạn có xây dựng đường bộ cao tốc song hành, chỉ tiến hành tăng cường nền, mặt đường và thay thế cầu yếu; các đoạn còn lại đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe cơ giới.
Đối với quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam từ Km942 - Km1027, dài 85 km, trước khi triển khai Đề án mở rộng quốc lộ 1, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép đầu tư mở rộng theo hình thức hợp đồng BOT với quy mô 4 làn xe đoạn Tứ Câu - Vĩnh Điện (Km942 - Km947), dài 5 km và đoạn từ huyện Phú Ninh - huyện Núi Thành (Km987 - Km1027), dài 40 km; đoạn còn lại từ Vĩnh Điện - huyện Phú Ninh (Km947 - Km987), dài 40 km giữ nguyên hiện trạng (2 làn xe).
Theo Đề án mở rộng quốc lộ 1 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đoạn từ Vĩnh Điện - huyện Phú Ninh (Km947 - Km987) dài 40 km giữ nguyên hiện trạng, chỉ tiến hành tăng cường mặt đường bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do song hành với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang triển khai xây dựng.
Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư mở rộng quốc lộ 1 đoạn Km947 - Km987 theo hình thức hợp đồng BOT với chiều dài toàn tuyến 40 km, quy mô đoạn ngoài đô thị chiều rộng nền đường 16,5 m, sử dụng trạm thu phí Hòa Phước để hoàn vốn cho dự án. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tư vấn tính toán lại dự báo lưu lượng cho quốc lộ 1 đoạn tuyến này trong bối cảnh giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, có xét đến phân bổ lưu lượng cho tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sau khi đưa vào khai thác, đồng thời bảo đảm hiệu quả tài chính của dự án BOT và xác định nhu cầu đầu tư với quy mô chiều rộng nền đường 16,5 m là hợp lý, hiệu quả. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư đoạn tuyến này theo hình thức hợp đồng BOT có sự hỗ trợ vốn của Nhà nước với quy mô đoạn qua đô thị có chiều rộng nền đường 20,5 m, đoạn ngoài đô thị có chiều rộng nền đường 16,5 m. Như vậy, việc mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam đã được triển khai đúng quy định, bảo đảm hiệu quả.
Về việc di chuyển trạm thu phí Tam Kỳ tại Km997+100 về Km1027+000, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện bố trí 2 trạm thu phí, gồm: trạm thu phí tại Km943+975 để thu phí hoàn vốn cho Dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước, Tứ Câu - Vĩnh Điện và đoạn Km947 - Km987 theo hình thức hợp đồng BOT; trạm thu phí Tam Kỳ tại Km997+100 để thu phí hoàn vốn cho Dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn Km987 - Km1027 theo hình thức hợp đồng BOT. Khoảng cách giữa 2 trạm là 53 km. Ngoài ra, khoảng cách giữa trạm thu phí tại Km943+975 và trạm Bắc hầm Hải Vân, thành phố Đà Nẵng là 50 km, trạm thu phí Tam Kỳ tại Km997+100 cách trạm Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi là 67 km. Như vậy, khoảng cách giữa các trạm thu phí trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi là tương đối như nhau. Việc di chuyển trạm thu phí Tam Kỳ tại Km997+100 về Km1027+000 như đề nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam sẽ khó thực hiện do khoảng cách giữa trạm Tam Kỳ với trạm Đức Phổ chỉ còn khoảng 37 km. Việc bố trí các trạm thu phí đã được Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Bộ Tài chính và UBND cấp tỉnh phù hợp theo quy định.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.