Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 96/CĐ-TTg ngày 16/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới trên Quốc lộ 32C nối huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Công điện nêu rõ: Để nhanh chóng giải quyết tình trạng đứt gãy giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giao thông trên Quốc lộ 32C và khu vực huyện Tam Nông, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ là cơ quan chủ trì, khẩn trương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan triển khai ngay nghiên cứu, khảo sát, hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng cầu Phong Châu mới trên Quốc lộ 32C, bảo đảm kiên cố, an toàn trong mọi điều kiện mưa lũ; báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 1/10/2024.
Giao Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, chủ động hướng dẫn tỉnh Phú Thọ để hoàn thiện sớm nhất các thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án; cân đối, bố trí nguồn vốn thực hiện Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/9/2024.
Như Tạp chí GTVT phản ánh, cầu Phong Châu được xây dựng, khai thác từ năm 1995. Cầu dài 375 m làm bằng thép và bêtông cốt thép dự ứng lực với quy mô vĩnh cửu. Phần đường xe chạy 7 m, lề người đi mỗi bên 1m, bề rộng mặt cầu 9,5 m. Cầu gồm 8 nhịp và các trụ cầu bằng bêtông cốt thép.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ, kết quả kiểm định cầu năm 2019 đánh giá cho thấy cầu không phải cắm biển hạn chế tải trọng xe qua, mỗi lần sửa đều kiểm định lại độ an toàn.
Ngày 9/9/2024, mực nước trên sông Hồng dâng cao làm sập nhịp cầu Phong Châu trên Quốc lộ 32C nối huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, làm đứt gãy giao thông trên tuyến Quốc lộ 32C.
Theo đó, vụ sập cầu Phong Châu tại Km18+300 Quốc lộ 32C xảy ra vào khoảng 10h ngày 9/9 đã cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc huyện Tam Nông). Thời điểm xảy ra sự cố có khoảng 10 phương tiện đang di chuyển trên cầu; 8 người mất tích; đã cứu, đưa 3 người bị thương đi cấp cứu tại cơ sở y tế.
Đến chiều 14/9, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể bà N.T.H (48 tuổi, trú tại xã Thạch Đồng, H.Thanh Thủy, Phú Thọ). Bà H. là nạn nhân mất tích được tìm thấy đầu tiên trong vụ sập cầu Phong Châu.
Trước đó, chiều 9/9, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết cầu Phong Châu và tuyến quốc lộ 32C được lập kế hoạch bảo trì, giao vốn thực hiện bảo trì hàng năm. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ (chủ đầu tư) tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện bảo trì theo kế hoạch.
Năm 2010, các đơn vị đã sửa chữa lan can cầu, mặt cầu, khe co giãn. Năm 2013, cầu được thay dầm nhịp bêtông cốt thép, thay khe co giãn bằng loại khe răng lược, thảm lại mặt cầu. Năm 2018 cầu được xử lý trụ, chống va xô. Năm 2019, các trụ T6, T7 được xử lý xói lở. Năm 2023 cầu được sửa chữa, sơn kết cấu nhịp dầm thép, khe co giãn.
Trước cơn bão Yagi, Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu tổ chức trực phòng chống kiểm tra đánh giá tình trạng cầu nằm trong vùng ảnh hưởng của bão, cầu yếu phải theo dõi, kiểm tra thường xuyên và xử lý kịp thời.
Sau sự cố sập cầu Phong Châu, UBND tỉnh Phú Thọ có văn bản gửi Thủ tướng, đề nghị T.Ư hỗ trợ công trình xử lý khẩn cấp khắc phục ảnh hưởng cơn bão số 3.
Tỉnh này đề nghị xây dựng cầu mới thay thế cầu Phong Châu cũ với quy mô hiện đại, đồng bộ với quy mô tuyến QL32C với chiều dài 430 m, chiều rộng 21,5 m; tổng mức đầu tư 865 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ 100%).
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.