Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, đến hết tháng 4/2015, dự án cầu Việt Trì mới đã đạt gần 83% tiến độ thi công, chậm so với tiến độ đề ra 3%.
Cụ thể, phần cầu Việt Trì (gói thầu XL.01-1 và phần cầu gói thầu số XL.01-03), cầu vượt đường sắt (thuộc gói thầu số XL.01-2) về cơ bản đã hoàn thành các hạng mục chính, khối lượng công việc còn lại chủ yếu bao gồm lắp đặt khe co giãn, thoát nước, lan can, thảm bê tông nhựa và sơn kẻ mặt cầu.
“Riêng cầu vượt Kênh (thuộc gói thầu số XL.01-2) chậm tiến độ, hiện đang là đường “găng” tiến độ chính của dự án bởi khối lượng công việc còn lại bao gồm bản mặt cầu, lớp chống thấm, lắp đặt khe con giãn, thoát nước.. và phần đường (thuộc gói thầu số XL.01-3) gồm cấp phối đá dăm loại 1 (2.651m3), bê tộng nhựa, bó vỉa, giải phân cách giữa,” ông Phan Quốc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) đánh giá.
Theo ông Phan Quốc Hiếu, dự án sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 15/5 tới đây, tuy nhiên, khối lượng công việc còn lại là tương đối nhiều bao gồm công tác hoàn thiện (lan can, giải phân cách giữa…), đây là các hạng mục có yêu cầu cao về kỹ-mỹ thuật.
Ngoài ra, cầu vượt Kênh chậm tiến độ, mới chuẩn bị thi công bản mặt cầu, khối lượng bê tông mặt đường, mặt cầu trên toàn dự án còn khoảng 12.000 tấn… trong khi số lượng máy móc, thiết bị, nhân công, mũi thi công đang huy động trên công trường còn hạn chế, khó đáp ứng được tiến độ.
Để “thúc” tiến độ, đưa dự án về đích đúng thời hạn, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đề nghị nhà đầu tư là Công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì chỉ đạo nhà thầu, tư vấn giám sát lập tiến độ thi công chi tiết khối lượng phải thực hiện cho từng ngày trên cơ sở đó tính toán bổ sung thêm nhân vật lực, thiết bị, thi công ba ca đồng thời các hạng mục bị chậm tiến độ phải kịp thời có giải pháp để bù lại…
Dự án đang trong giai đoạn gấp rút thi công để hoàn thành theo đúng tiến độ, do đó, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông yêu cầu lực lượng tư vấn giám sát cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng thi công.
“Các hạng mục công trình không đạt chất lượng phải kiên quyết chỉ đạo dỡ bỏ và thực hiện lại bằng kinh phí của nhà thầu theo đúng hồ sơ thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật. Tuyệt đối không vì mục tiêu tiến độ mà ảnh hưởng đến chất lượng công trình,” ông Phan Quốc Hiếu khẳng định.
Ngoài ra, tư vấn giám sát phải thường xuyên theo dõi, bám sát hiện trường, bố trí đầy đủ lực lượng, làm tăng ca… để kịp thời hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công. Ban Quản lý dự án Thăng Long-chủ đầu tư cử cán bộ thường trực để phối hợp kiểm tra chất lượng thi công đặc biệt là thảm bê tông nhựa…/.
Cầu Việt Trì mới là công trình cấp I gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp. Tổng chiều dài đường dẫn và mặt cầu là 3.112m (trong đó mặt cầu dài 736,5m), vận tốc thiết kế 80Km/giờ, chịu được địa chấn cấp 7. Tổng mức đầu tư của dự án (giai đoạn trước mắt) là hơn 1.900 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là hơn 1.104 tỷ đồng.
Cầu Việt Trì mới được đầu tư theo hình thức BOT. Liên danh Tổng công ty công trình giao thông 1 (Cienco 1)-Yên Khánh-Thái Sơn được Bộ Giao thông Vận tải chỉ định làm nhà đầu tư dự án với thời hạn khai thác hoàn vốn dự kiến 20 năm 8 tháng.
Nhà đầu tư sử dụng Trạm thu phí đặt tại Quốc lộ 2 thuộc địa phận phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để thu phí hoàn vốn cho dự án.
Theo Vietnam+
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.