Còn nhiều bất cập
Chia sẻ với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Văn Hải - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nghệ An cho biết, qua đợt thanh kiểm tra vừa qua, các đơn vị còn tồn tại, hạn chế mà đoàn thanh tra đã chỉ ra phải khẩn trương khắc phục như phòng học, sân tập, xe tập lái, công tác tuyển sinh, công tác đào tạo, giáo vụ, ca-bin học lái...
"Chúng tôi kiến nghị sửa đổi một số quy định đang gây khó khăn trong công tác đào tạo, ví dụ như: Trong văn bản Hướng dẫn số 09/VBHD-BGTVT ngày 09/6/2022 của Bộ GTVT quy định, cơ sở đào tạo xây dựng chương trình học phải tập trung, liên tục, học theo nhóm (học thực hành) trong khoảng thời gian cố định... Tuy nhiên, khi triển khai giảng dạy có sự điều chỉnh giáo viên, phương tiện, nhiều thời điểm học viên có nguyện vọng thay đổi lịch học, như vậy sẽ không đúng như chương trình gửi cho Sở GTVT theo báo cáo 1. Thực tế này không chỉ xảy ra ở Nghệ An mà rất nhiều địa phương khác cũng đang gặp phải", ông Hải kiến nghị.
Còn ông Đào Duy Phong - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đề nghị nên sửa chuyên ngành của giáo viên dạy lý thuyết bởi theo quy định thì giáo viên dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các ngành: luật, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô, lắp ráp ô tô; giáo viên dạy môn Kỹ thuật lái xe phải có GPLX tương ứng hạng xe đào tạo trở lên... Trong chương trình đào tạo lái xe có môn Đạo đức, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông, trong đó có nội dung học "Thực hành cấp cứu TNGT". Thực tế, các cơ sở đào tạo muốn tuyển dụng, phân công giáo viên có trình độ nghiệp vụ liên quan đến y tế để giảng dạy, nhưng giáo viên có chuyên môn về y tế lại không đáp ứng tiêu chuẩn đối với giáo viên dạy lý thuyết.
Ngoài ra, cũng cần sửa đổi quy định về chương trình và phân bổ thời gian đào tạo. Theo đó, cần quy định rõ khung thời gian học được công nhận vào ban đêm đối với học viên...; giảm thời gian lưu trữ dữ liệu giám sát bằng camera phòng sát hạch lý thuyết; mô phỏng các tình huống sát hạch trên sân sát hạch xuống còn 1 năm...
Đặc biệt, lãnh đạo nhiều sở GTVT, địa phương và cơ sở đào tạo sát hạch lái xe phía Nam đồng kiến nghị việc sử dụng thiết bị DAT trong đào tạo bởi đây là nội dung mới, phức tạp về yếu tố kỹ thuật cũng như nhân lực vận hành. Trong khi đó, đường truyền không ổn định, nhiều lúc mất tín hiệu nên không lưu trữ được dữ liệu khi đi qua khu vực mất sóng, dẫn tới việc học viên phải học bổ sung, gây phiền phức, tốn kém cho cả người học và cơ sở đào tạo.
Hoàn thiện cơ chế quản lý
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Lương Duyên Thống - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục ĐBVN) cho biết, qua kiểm tra đã phát hiện một số bất cập trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX để kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng và phòng ngừa tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX trong thời gian tới.
Ngày 08/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã ký Chỉ thị số 05/CT-BGTVT về "Đổi mới, tăng cường quản lý, phòng, chống tiêu cực và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ". Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ GTVT, giám đốc các sở GTVT khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ để kịp thời phát hiện những nội dung không còn phù hợp để đề xuất sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Bộ trưởng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo lái xe; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp GPLX cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe; đề xuất giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, sát hạch, quản lý lái xe theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục ĐBVN chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GPLX cơ giới đường bộ; nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX tại các sở GTVT, cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe theo quy định để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại.
Nghiêm túc chấn chỉnh
Thượng tá Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề - Đào tạo và Sát hạch lái xe, Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết: "Qua công tác thanh kiểm tra, Trung tâm đã nhận thấy còn nhiều tồn tại. Trên tinh thần khẩn trương và tích cực, chúng tôi đã trang bị lại đầy đủ các hình vẽ hệ thống báo hiệu đường bộ tại các phòng học môn Pháp luật giao thông đường bộ, đồng thời trong tháng 5 sẽ lắp đặt đủ thiết bị DAT trên 146 xe tập lái của Trung tâm (hiện đã lắp được 101/146 xe). Bên cạnh đó, tại biên bản của Đoàn kiểm tra có nêu một số học viên học lái xe đã hoàn thành việc học lái xe có thiết bị và dữ liệu DAT giám sát nhưng những học viên này lại học trên nhiều xe tập lái khác nhau của Trung tâm, một số trường hợp thiếu dữ liệu về giáo viên. Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm đã tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ dữ liệu của các lớp đang đào tạo lái xe của Trung tâm, đồng thời bổ sung kịp thời đủ dữ liệu theo quy định".
Ông Nguyễn Đỗ Hải Thuận - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, qua kiểm tra 6 xe sát hạch, trong đó có 2 xe sát hạch bổ sung hạng B1 số tự động trong hình và 4 xe thay thế hạng B1, B2 trong hình của Trung tâm Sát hạch lái xe Hải Vân, kết quả là các xe có cùng nhãn hiệu, kiểu loại, thông số kỹ thuật với ô tô sát hạch đang sử dụng tại các trung tâm sát hạch lái xe. Các xe có đầy đủ hồ sơ theo quy định; thiết bị chấm điểm tự động và được lắp trên các ô tô sát hạch lái xe có tự động báo lỗi, tự động trừ các lỗi về thay đổi mã số và chấm điểm theo quy định. Đồng thời, Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã kiểm tra sát hạch xe đang sử dụng, kết quả đều nằm trong danh sách xe sát hạch được Tổng cục ĐBVN (nay là Cục ĐBVN) cấp phép. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra do có bổ sung thêm xe sát hạch nên Trung tâm có thay đổi về ký hiệu xe sát hạch để thuận tiện cho việc quản lý và vận hành nên mới có sự thay đổi trên.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Trịnh Thanh Hùng - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang thông tin: "Sau khi có kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra số 2 của Bộ GTVT, chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp đào tạo và Sát hạch lái xe TP. Vị Thanh với các vi phạm: Có dữ liệu DAT nhưng không đủ tiêu chuẩn (3 học viên hạng B2, 2 học viên hạng B1 học thiếu số giờ và km quãng đường); 129 học viên không có thông tin dữ liệu DAT".
Nguyên nhân của sự việc là do phiên học của học viên được lưu trong hệ thống của trung tâm đào tạo nhưng việc truyền tải dữ liệu DAT từ cơ sở lên hệ thống quản lý dữ liệu DAT của Cục ĐBVN hoạt động không ổn định, nhiều lúc bị treo nên nhiều phiên học của học viên chỉ ghi nhận kết quả ở máy chủ tại cơ sở đào tạo. Ngay sau đó, Sở GTVT đã yêu cầu lãnh đạo và nhân viên theo dõi phần mềm DAT của cơ sở đào tạo nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm khi để xảy ra sai sót trong quá trình đào tạo.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.