PHÒNG NGỪA XUNG ĐỘT XÃ HỘI LIÊN QUAN ĐẾN ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN NINH, TRẬT TỰ

Diễn đàn khoa học 19/03/2024 12:19

Cùng với quá trình phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa nhanh, tại Quảng Ninh đã nảy sinh các vụ xung đột xã hội đến đất đai, tác động tiêu cực đến tình hình liên quan ANTT tại địa phương. Bài viết đã phân tích, khái quát, làm rõ nhận thức cơ bản về phòng ngừa XĐXH liên quan đến đất đai góp phần bảo đảm ANTT.


PHÒNG NGỪA XUNG ĐỘT XÃ HỘI LIÊN QUAN ĐẾN ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN NINH, TRẬT TỰ- Ảnh 1.

Xung đột xã hội liên quan đến đất đai xuất hiện trong một quá trình hay tình huống xã hội, được thể hiện dưới nhiều cấp độ như bất đồng, đối lập, tranh chấp, có thể dẫn đến đụng độ, bạo lực (tranh minh họa)

Abstract: This article aims to analyze the nature and causes of social conflicts related to land in Quang Ninh province - one of the most developed provinces in the Northern region of Vietnam. The research results contribute a number of scientific arguments related to the issue of preventing social conflicts related to land for the government of Quang Ninh province, and at the same time further evaluate the current situation through scientific research, theory and practice, thereby improving effectiveness in preventing social conflicts over land, contributing to ensuring security and order in the new situation..

Keywords: Social conflicts, Security and order, Land-related social conflicts, Quang Ninh Province.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Đất đai là tài sản quốc gia có giá trị lớn, có vị trí đặc biệt quan trọng đối với đời sống của từng hộ gia đình, cá nhân, là tư liệu sản xuất đặc biệt không thể thay thế, là điều kiện tối thiểu đảm bảo cho quá trình tái sản xuất, địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các công trình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng; Trong thời kỳ hiện nay, đất đai thêm những chức năng có ý nghĩa quan trọng là tạo nguồn vốn và thu hút đầu tư phát triển. Trong điều kiện quỹ đất có hạn, giá đất ngày càng cao và nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển thì lợi ích của người sử dụng đất khi nhà nước giao đất, thu hồi đất vẫn đang là một vấn đề hết sức nóng bỏng và cấp bách. Việc bồi thường đất đai, giải phóng mặt bằng, tái định cư là một vấn đề hết sức nhạy cảm, phức tạp tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội. Xung đột xã hội (XĐXH) liên quan đến đất đai xuất hiện trong một quá trình hay tình huống xã hội, được thể hiện dưới nhiều cấp độ như bất đồng, đối lập, tranh chấp, có thể dẫn đến đụng độ, bạo lực; trạng thái và diễn biến của XĐXH liên quan đến đất đai tiềm ẩn hoặc phát sinh những yếu tố, nguy cơ gây mất ổn định tình hình ANTT.

2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

2.1. Những vấn đề cơ bản xoay quanh sự việc xung đột xã hội liên quan đến đất đai

Khái niệm xung đột xã hội liên quan đến đất đai

Xung đột xã hội là hiện tượng xuất hiện trong quá trình phát triển của xã hội, có tính lịch sử, tồn tại trong mọi giai đoạn, trong mọi hình thái kinh tế xã hội. Theo "Từ điển sơ lược xã hội học Matxcowva 1998", XĐXH là giai đoạn phát triển cao nhất của mâu thuẫn trong hệ thống các quan hệ giữa con người, các tập đoàn xã hội, các thiết chế xã hội, xã hội nói chung; được đặc trưng bằng sự đẩy mạnh các khuynh hướng và lợi ích đối lập nhau giữa các cộng đồng xã hội và các cá nhân với nhau.Chủ thể XĐXH có thể là cá nhân, nhóm, tập thể, doanh nghiệp, nhà nước, xã hội. Trong phạm vi nghiên cứu đề tài, XĐXH được hiểu là sự mâu thuẫn về các mặt lợi ích, quan điểm, nhận thức giữa các chủ thể (cá nhân, tổ chức, nhóm, nhà nước), những mâu thuẫn này có thể dẫn đến sự xô xát, bất đồng, tranh chấp và ở mức độ nghiêm trọng hơn dẫn đến xung đột, vũ trang, bạo lực qua đó ẩn chứa các yếu tố làm mất ổn định tình hình ANTT.

Các Mác viết: "Đất đai là tài sản mãi mãi với loài người, là điều kiện để sinh tồn, là điều kiện không thể thiếu được để sản xuất, là tư liệu sản xuất cơ bản trong nông, lâm nghiệp". Ở nước ta, trước Hiến pháp năm 1980, Nhà nước thừa nhận nhiều hình thức sở hữu đất đai (sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân). Sau khi Hiến pháp năm 1980 được thông qua, Nhà nước trở thành đại diện chủ sở hữu duy nhất về đất đai trên phạm vi cả nước. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, trong năm vừa qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, đáng chú ý nhất là Luật Đất đai năm 2013 và gần đây nhất là Luật Đất đai năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua và ban hành đầu năm 2024 và sắp có hiệu lực trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh với những kết quả trên thì trong năm vừa qua, ở nước ta đã phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu kiện trên lĩnh vực đất đai, liên quan đến cả chính sách về đất đai của địa phương. Phần lớn những loại XĐXH liên quan đến đất đai ở nước ta xuất phát từ những giữa quyền, lợi ích kinh tế liên quan đến đất đai. Tuy vậy, có những XĐXH liên quan đến đất đai không kịp thời được giải quyết đã diễn biến trở thành "điểm nóng" về ANTT, khiếu kiện lâu dài, chịu những ảnh hưởng của các yếu tố chống đối, thù địch, gây xuất hiện những mâu thuẫn phức tạp, các nguy cơ mất trật tự an ninh xã hội. Như vậy, XĐXH liên quan đến đất đai là những XĐXH phát sinh do tranh chấp, khiếu kiện đất đai, chứa đựng những yếu tố, nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên một phạm vi nhất định.Từ những định nghĩa trên, có thể hiểu: XĐXH liên quan đến đất đai được hiểu là sự mâu thuẫn về các mặt lợi ích, quan điểm, nhận thức liên quan đến đất đai giữa các chủ thể (cá nhân, tổ chức, nhóm, nhà nước), những mâu thuẫn này có thể dẫn đến sự xô xát, bất đồng, tranh chấp và ở mức độ nghiêm trọng hơn dẫn đến xung đột, vũ trang, bạo lực qua đó ẩn chứa các yếu tố làm mất ổn định tình hình ANTT.

Đặc điểm của XĐXH liên quan đến đất đai

Từ những phân tích trên có thể đưa một vài đặc điểm của XĐXH liên quan đến đất đai, là cơ sở để nhận biết, phân biệt với các XĐXH khác cũng như lưu ý trong thực hiện công tác phòng ngừa như sau:

Một là, XĐXH liên quan đến đất đai là lĩnh vực có tính nhạy cảm trong tình hình cụ thể của Việt Nam, tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh chính trị và trật tự xã hội. Hai là, XĐXH liên quan đến đất đai có nguyên nhân chủ yếu và quan trọng nhất là lợi ích kinh tế. Ba là, chủ thể tham gia XĐXH liên quan đến đất đai có biểu hiện phong phú nhiều thành phần, phức tạp bởi mục đích tham gia. Cuối cùng là, XĐXH liên quan đến đất đai là một vấn đề có những diễn biến phức tạp, khó giải quyết, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống Đảng, Nhà nước, để lại những hậu quả xấu, tác động lâu dài đối với khối đoàn kết toàn dân và tình hình ANTT ở địa phương.

2.2. Thực trạng xung đột xã hội liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Khái quát về tỉnh Quảng Ninh và tình hình xung đột xã hội liên quan đến đất đai trên địa bàn của tỉnh

Được ví như là một "Việt Nam thu nhỏ", Quảng Ninh có vị trí "địa chiến lược về chính trị, kinh tế". Bên cạnh đó, Quảng Ninh là địa phương có quỹ đất dồi dào với 601.000 ha, trong đó có 50.364 ha là đất nông nghiệp đang sử dụng, 146.019 ha đất lâm nghiệp với nhiều diện tích đất có thể trồng phù hợp cho chăn nuôi, khoảng gần 20.000 ha có thể trồng được cây ăn quả. Với những tiềm lực và thế mạnh đó đã là cơ sở để tỉnh Quảng Ninh thực hiện đổi mới với mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển một cách bền vững; tăng cường huy động và sử dụng một cách hợp lý nguồn lực từ đất đai, khoáng sản, thị trường bất động sản…, phát huy tối đa nguồn lực hiệu quả từ đất đai qua các hình thức hợp tác đầu tư. Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong công tác triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng chiến chiến lược như: Đường cao tốc, sân bay, hạ tầng công nghiệp và dịch vụ, đường xá nhằm khai khác một cách tối ưu nguồn lực mà đất mang lại. Bên cạnh những mặt tích cực mà nhóm nghiên cứu trình bày ở trên, thì Quảng Ninh cũng tồn tại nhiều vấn đề khúc mắc trong công tác sử dụng và quản lý đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất phục vụ lợi ích cộng đồng. Những năm trở lại đây, tình hình xung đột xã hội liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh càng trở nên đa dạng, phức tạp và kéo dài.

Xung đột xã hội phát sinh từ mâu thuẫn lợi ích liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ triển khai các công trình an ninh, quốc phòng, phúc lợi xã hội, dự án thương mại

Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được ban hành luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân lên trên hết, nhưng có những chủ trương, chính sách khi triển khai vấp phải sự phản ứng gay gắt, không đồng thuận của một bộ phận quần chúng nhân dân có liên quan trực tiếp đến thực hiện các chủ trương, chính sách đó, làm phát sinh những mâu thuẫn giữa người dân và các cấp chính quyền.

Cùng với quá trình đô thị hóa, phát triển các dự án bất động sản, Tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện các dự án phát triển nhà thương mại, khu đô thị lớn. Quá trình đó cũng làm nảy sinh những mâu thuẫn, xung đột, trong đó có những vụ việc chỉ đơn thuần là mâu thuẫn giữa nhóm dân cư với doanh nghiệp liên quan đến đền bù, giá cả chuyển nhượng đất. Khiếu kiến của một số hộ dân thuộc dự án Khu đô thị Tây Ka Long từ những năm 2005 vẫn cò nhiều yếu tố phức tạp, không hợp tác với thành phố trong việc giải quyết chế độ, chính sách, mặc dù vụ việc thời điểm đó đã được các cấp, các ngành giải quyết dứt điểm. Đáng chú ý, ngay trước ngày khai mạc đại hội Đảng toàn quốc, ngày 19/01/2016 có 05 đại diện hộ dân có đất thu hồi trong dự án Tây Ka Long lên Trụ sở tiếp dân Trung ương khiếu kiện.

Xung đột xã hội khi triển khai các dự án liên quan đến vấn đề môi trường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát XĐXH liên quan đến ANTT

Dự án Khu đô thị 10B phường Quang Hanh (TP. Cẩm Phả) có tổng mức đầu tư 1.232 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất), quy mô hơn 31,8 ha, do Công ty TNHH Đỗ Gia Capital (trụ sở tại phường Cẩm Thạch, TP. Cẩm Phả) làm chủ đầu tư. Khu vực này vốn là bãi triều sình lầy ngập mặn được UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án đô thị. Theo quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh, Công ty TNHH Đỗ Gia Capital là doanh nghiệp trúng đấu giá quyền sử dụng đất với giá trị trúng đấu giá là 1.192 tỷ đồng. Sau khi ký hợp đồng thuê đất, Công ty TNHH Đỗ Gia đã làm các thủ tục cần thiết để triển khai thực hiện dự án. Từ tháng 8/2023, Công ty TNHH Đỗ Gia đã tiến hành san lấp mặt bằng xây dựng dự án khu đô thị. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau đó, ngày 19/9/2023, lực lượng chức năng của Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã tiến hành kiểm tra, cho rằng việc Công ty TNHH Đỗ Gia Capital đổ đất trực tiếp, không có kè vây xuống khu vực biển thuộc vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho rằng việc đổ đất này sẽ gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái của di sản. Bên cạnh đó, báo chí, dự luận còn có nhiều luồng ý kiến xung đột về tính đúng hay sai của dự án tác động đến môi trường, cảnh quan của Vịnh Hạ Long.

Xung đột xã hội nảy sinh khi nhà nước tiến hành cải tạo nhà, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi mô hình chợ, tiềm ẩn nguy cơ XĐXH liên quan đến ANTT

Nhằm phục vụ nhu cầu phát triển và quản lý, Tỉnh Quảng Ninh chủ trương chuyển đổi một số mô hình chợ thành các trung tâm thương mại, thực hiện dồn điền đổi thửa đối với đất nông nghiệp.Vụ việc 30 hộ kinh doanh tại chợ ASEAN kéo đên Trụ sở UBND thành phố gây áp lực, yêu cầu Thành phố sớm giải quyết dứt điểm tinh trạng họp chợ trái phép tại đường Trần Phú kẻo dài đề chủ động xử lý, giải quyết. Năm 2018, thành phố Móng Cái tiếp tục triển khai, thực hiện nhiêu dự án phát triển kinh tế - xã hội lớn (dự án cao tốc Móng Cái - Vân Đôn, dự ăn khu kinh tế cửa khẩu, dự án nâng cấp chợ 3, xây dựng chợ 4, giải tỏa chợ tạm, dự an khu công nghiệp Hải Yên giai đoạn 4, các dự án xây dựng khu đó thị) tiềm ẩn các yêu tố phức tạp về ANTT liên quan đên công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, vượt cấp.

2.3. Thực trạng XĐXH liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn

Tình hình và kết quả thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Về những mặt đạt được:Đối tượng thu hồi đất rõ ràng (quy định tại Điều 61 và Điều 62 Luật Đất đai). Quy định nội dung quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, trợ và tái định cư trong cùng một ngày tránh tình trạng phương án bồi thường, hỗ trợ được phê duyệt sau quyết định thu hồi đất một khoảng thời gian dài, trong khi chính sách và đơn giá bồi thường có nhiều biến động; Quy định rõ ràng về giá đất cụ thể để bồi thường về đất tại thời điểm thu hồi đất đảm bảo quyền lợi của người có đất thu hồi.

Về những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân cụ thểĐối với dự án khi thu hồi đất thực hiện dự án mới với số lượng hộ gia đình và tổ chức sử dụng đất bị ảnh hưởng khi nhà nước thu hồi đất thu hồi lớn, nhưng trong Luật đất đai năm 2013 quy định việc Quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong cùng một ngày là hết sức khó khăn.

Việc hỗ trợ đối với đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở: Theo quy định của Luật Đất đai 2003 thì khi nhà nước thu hồi đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở, việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp, còn được hỗ trợ theo giá đất ở bằng 30-70% giá đất ở thửa đất đó, diện tích hỗ trợ không quá 5 lần hạn mức giao đất ở tại địa phương. Tỉnh Quảng Ninh quy định khoản hỗ trợ đó bằng 50% giá thửa đất ở bị thu hồi theo quy định của Luật đất đai 2003.

Nay Luật Đất đai 2013 thì chỉ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp, không còn khoản hỗ trợ bằng 50% giá đất ở. Trong khi việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình cá nhân từ đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất thì thu tiền bằng 50% tiền sử dụng đất. Điều này gây mâu thuẫn về lợi ích, gây khó khăn trong việc GPMB.

Việc định giá đất cụ thể đối với đất nông nghiệp

Rất khó khăn trong phương pháp định giá đối với đất nông nghiệp. Vì phương pháp so sánh trực tiếp đối với đất nông nghiệp không thực hiện được do nhiều địa phương không có chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trên thực tế. Sử dụng phương pháp thu nhập thì có khó khăn là do Nghị định và Thông tư quy định là thu nhập thực tế của thửa đất. Mà thực tế thì người sử dụng đất nông nghiệp trồng các loại cây khác nhau, có mức thu nhập khác nhau (do pháp luật không cấm người sử dụng đất nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng). Vì vậy, giá đất theo phương pháp này tạo ra chênh lệch rất lớn;

Nghị định số 01/2017/NĐ-CP có sửa đổi, bổ sung quy định trường hợp thửa đất có cùng mục đích, khả năng sinh lợi… thì áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất.

Việc định giá đất cụ thể đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp

Thực tế việc chuyển nhượng đất phi nông nghiệp cơ bản là không có. Vì đất phi nông nghiệp chủ yếu là đất nhà nước cho tổ chức thuê, nên không có quyền chuyển nhượng. Còn đất phi nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân thường là ổn định lâu dài và được xác định theo giá đất ở. Vì vậy, phải định giá theo các phương pháp thu nhập, thặng dư của từng dự án và điều này dẫn đến giá đất không phản ánh được giá trị thị trường.

3. KẾT LUẬN

Những năm qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phòng ngừa, quản lý, giải quyết các XĐXH nhất là XĐXH liên quan đến đất đai. Thời gian qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng đã nảy sinh các vụ XĐXH đến đất đai, trong đó một số vụ việc tác động tiêu cực đến tình hình liên quan ANTT tại địa phương.Trên cơ sở tiếp thu, kế thừa những vấn đề lý luận cơ bản, hợp lý của các công trình nghiên cứu trước đó, bằng việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học phù hợp, bài viết đã phân tích, khái quát, làm rõ nhận thức cơ bản về phòng ngừa XĐXH liên quan đến đất đai góp phần bảo đảm ANTT. Đồng thời, đề tài cũng đã khái quát, làm rõ tình hình XĐXH có liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thời gian qua.

-------------------------------



4. TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2002), Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 06/3/2002 về "Một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay", Hà Nội.

* Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2008), Thông báo số 130-TB/TW ngày 10/01/2008 về "Kết luận của Bộ Chính trị về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 1996 đến nay và giải pháp trong thời gian tới", Hà Nội.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2012), Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 "về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Hà Nội.

Chu Văn Tuấn (2018) Xung đột xã hội và biểu hiện của nó ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 4 - 2018, Hà Nội.

* Đỗ, T. X (2016). Quản lý nhà nước về đất đai tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Luận văn Thạc sỹ Quản lý Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam.

* Võ Khánh Vinh (2010), Xung đột xã hội và đồng thuận xã hội trong quá trình phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội: Cơ sở lý luận và thực tiễn, Đề tài khoa học cấp nhà nước, Hà Nội.

5. GIẢI THÍCH TỪ VIẾT TẮT

XĐXH: Xung đột xã hội

ANTT: An ninh trật tự

UBND: Ủy ban Nhân dân

CNQSDĐ: Chứng nhận quyền sở hữu đất

GPMB: Giải phóng mặt bằng


Ý kiến của bạn

Bình luận