Thuộc nhóm bãi biển tồi nhất thế giới, Nha Trang sẽ cải tạo thế nào?

Thị trường 17/04/2016 12:33

Tạp chí National Geographic với cuộc bỏ phiếu của 340 chuyên gia nổi tiếng đã từng bình chọn Nha Trang vào nhóm các bãi biển tồi nhất thế giới. Vậy Nha Trang sẽ làm gì để lấy lại vị thế du lịch của mình?

Tỉnh Khánh Hòa đang có những bước đi mạnh dạn để sửa sai, trả lại không gian thông thoáng ra biển. Bờ biển sẽ được quy hoạch theo hướng công viên sinh thái.

Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung TP Nha Trang, chiều cao xây dựng công trình phía Tây đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng tối đa không được quá 40 tầng, mật độ xây dựng chỉ được phép khoảng 40%.

Cuộc đua nhà cao tầng nuốt không gian biển

Đường Trần Phú, TP Nha Trang hơn 20 năm trước là một trong những con đường cảnh quan đẹp với những biệt thự, tòa nhà thấp có sân vườn rộng hướng mặt ra biển. Thế nhưng từ năm 1996, khi khách sạn Lodge 13 tầng được xây dựng ở đây đã mở ra “cuộc đua” nhà cao tầng ken dày trên con đường này.

Các khách sạn: Yasaka Saigon Nha Trang 11 tầng, Sunrise Nha Trang 12 tầng, Novotel Nha Trang 18 tầng, Sheraton Nha Trang 33 tầng, Mường Thanh 46 tầng... lần lượt mọc lên. Hệ thống khách sạn dày đặc hệt như một “bức tường cao ốc” làm xấu đi cảnh quan bờ biển Nha Trang.

Thuộc nhóm bãi biển tồi nhất thế giới, Nha Trang s
Những tòa nhà, khách sạn cao tầng mọc lên dày đặc ven bờ biển Nha Trang. Ảnh:Minh Hoàng.

Tháng 11/2010, Tạp chí National Geographic với cuộc bỏ phiếu của 340 chuyên gia quốc tế nổi tiếng đã bình chọn Nha Trang vào nhóm các bãi biển tồi nhất thế giới. Đánh giá của cuộc bình chọn cho thấy: “Nơi này đã bị phát triển quá mức mà không được kiểm soát chặt, kỹ. Những bờ biển dài giờ đã bị biến mất và “vẻ đẹp thiên nhiên đến ngạc nhiên” ở nơi này đang bị đe dọa nghiêm trọng”. 

Theo dự thảo đồ án điều chỉnh quy hoạch TP Nha Trang, đến năm 2020, du khách đến địa phương đạt 3,4 triệu lượt/năm, doanh thu khoảng 7.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 113.000 lao động trong ngành du lịch.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuân- Chuyên gia Kiến trúc quy hoạch cho rằng, ở nhiều nước châu Á thường xây khu resort ở nơi yên tĩnh, không gần khu vực đô thị sầm uất như thường thấy ở Việt Nam. Bãi biển ở trung tâm thành phố không ai chiếm dụng riêng mà họ để người dân, du khách tự do tiếp cận chứ không làm sát bãi biển.

Ông Tuân đơn cử, Phuket, Pattaza (Thái Lan), Penang (Malaysia) người ta xây khách sạn, resort ra xa trung tâm thành phố còn khu vực ven biển trung tâm để phục vụ người dân, du khách. 

"Do thiếu quy hoạch ngay từ đầu nên Nha Trang để các tòa nhà cao tầng quá sát nhau, giờ giống như sự đã rồi, rất khó điều chỉnh", TS Tuân nói. 

Theo chuyên gia này, việc Khánh Hòa di dời khu resort Anna Manara để xây công viên ven biển là "động thái dũng cảm", xử lý mạnh dạn của chính quyền. Nếu địa phương đã trót "chấp thuận" thì có thể thương thảo nhà đầu tư điều chỉnh thiết kế công trình, để tạo khoảng trống cho gió biển vào bên trong khu vực thành phố. 

Khắc phục sai lầm quy hoạch

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho rằng, mục tiêu của phác thảo đồ án điều chỉnh quy hoạch này hướng đến xác định lại tầng cao các công trình điểm nhấn không quá 40 tầng.

Địa phương sẽ đánh giá, xác định lại các không gian ngầm kết hợp đi bộ qua lại trên trục đường Trần Phú; tháo dỡ, điều chỉnh các khu resort, nhà nghỉ, nhà hàng, quán bar... phía Đông đường Trần Phú.

Ông Nguyễn Văn Lộc- nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa cho hay, người dân lẫn giới kiến trúc sư địa phương đều đồng tình ủng hộ. 

"Tháo dỡ, điều chỉnh các resort, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng... phía Đông đường Trần Phú để làm công viên cây xanh vừa bảo tồn được di sản quốc gia vịnh Nha Trang, vừa thúc đẩy du lịch biển phát triển bền vững", ông Lộc nói. 

Thuộc nhóm bãi biển tồi nhất thế giới, Nha Trang s
Khánh Hòa nỗ lực tạo không gian thông thoáng, sinh thái ven bờ biển Nha Trang. Ảnh:Minh Hoàng.

Trước những năm 90, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa từng tốn nhiều công sức giải tỏa hàng trăm hộ dân cùng nhiều nhà hàng, quán ăn trên đường Trần Phú. Việc nỗ lực trả lại môi sinh cho cây xanh và không gian thơ mộng bờ biển đã góp phần đưa vịnh Nha Trang trở thành một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới.

Vài năm gần đây, Khánh Hòa “quy hoạch ngược” tính chất của dải bờ biển phía Đông đường Trần Phú. Bãi biển Nha Trang không còn là công viên bảo tồn, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên danh thắng quốc gia phục vụ lợi ích cộng đồng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đô thị hóa sát bên bờ biển Nha Trang là sai lầm về quy hoạch.

Ông Nguyễn Hoàng - Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa nhìn nhận, việc giải tỏa các công trình ven biển để làm công viên sinh thái hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho du lịch địa phương. Điều này vừa giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, vừa tạo cảnh quan ven biển xanh, sạch, đẹp, phục vụ tốt hơn nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân địa phương lẫn du khách.

Quan điểm của ông Phạm Minh Nhựt - chuyên gia lĩnh vực du lịch, là việc tháo dỡ, điều chỉnh các công trình kiến trúc che khuất tầm nhìn ra biển là hướng đi phù hợp của Khánh Hòa. Tuy nhiên địa phương không nhất thiết phải "dọn sạch" hết, cần xem xét để lại vài khu dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân lẫn du khách.

Vị chuyên gia này đề xuất, bờ biển Nha Trang trải dài gần 10 km, cần có điểm dừng chân nghỉ ngơi uống cà phê, giải khát hay nhà vệ sinh công cộng, nhà tắm nước ngọt phục vụ người dân, du khách sau khi tắm biển lên bờ...

Trước mắt, Khánh Hòa cần dừng ngay việc cấp giấy phép cho công trình cao tầng sát biển Nha Trang, khắc phục tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường biển. Tỉnh nên mời đơn vị tư vấn giàu kinh nghiệm để quy hoạch thành phố Nha Trang xứng tầm di sản là một trong 29 vịnh biển đẹp nhất thế giới. 

Theo Luật Di sản văn hóa điều 32, khoản 1 và 2 quy định: Vùng 1(vùng lõi, gốc) bao gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích thì cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt giữ nguyên hiện trạng, môi trường.

Vùng 2 (vùng đệm, vùng bao quanh khu vực di tích), có thể được bố trí xây dựng các công trình phục vụ việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan, môi trường sinh thái của di tích và phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ VHTT&DL đối với Di tích cấp quốc gia như vịnh Nha Trang. 

Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia từng lưu ý Khánh Hòa, vịnh Nha Trang là khu vực nhạy cảm, cần nghiên cứu kỹ, đảm bảo khoa học để có phương án hài hòa phát triển và bảo tồn. Cần tổ chức thi ý tưởng quy hoạch kiến trúc để thu thập ý kiến nhà khoa học và người dân; hạn chế thấp nhất tình trạng san ủi, lấn biển...

Ý kiến của bạn

Bình luận