“Thương mại điện tử - Xu thế phát triển bền vững”

Tác giả: Đăng Quý

saosaosaosaosao
Sản phẩm 05/12/2022 12:57

Ngày 02/12/2022 vừa qua, Báo Công Thương (Bộ Công thương) tổ chức Hội thảo “Thương mại điện tử - Xu thế phát triển bền vững”. Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện Techfest Vietnam 2022 được tổ chức tại Bình Dương.


Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Tiến Cường - Phó Tổng biên tập Báo Công Thương - cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận để đưa ra giải pháp phát triển bền vững ngành Thương mại điện tử Việt Nam. Bên cạnh đó, tại hội thảo các diễn giả chia sẻ, thảo luận những cơ hội cũng như thách thức, thuận lợi của việc thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; giải pháp thanh toán số và công nghệ số, giải pháp logistics hỗ trợ cho các doanh nghiệp…

Với mục tiêu tiên phong ứng dụng công nghệ và nền tảng số trong thương mại điện tử để tối ưu hóa lợi ích cho người tiêu dùng và nhà bán hàng. Bà Ngô Thị Trúc Anh - Giám đốc Bộ phận Vận chuyển Lazada Logistics Việt Nam đã có bài chia sẻ có chủ đề: “Giải pháp đồng hành cùng thương hiệu và nhà bán hàng chuyển đổi số bền vững”. 

“Thương mại điện tử - Xu thế phát triển bền vững” - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo

Theo bà Ngô Thị Trúc Anh trong giai đoạn 2020 – 2021 mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến toàn nền kinh tế song thương mại điện tử đã có sự tăng trưởng vượt trội. Cụ thể, trong giai đoạn này tốc độ tăng trưởng của mua sắm trực tuyến trong khu vực đạt 50%, song giai đoạn 2021 - 2022 mức tăng trưởng này giảm xuống còn 16%. Dự báo giai đoạn 2022 - 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17%.

Báo cáo thay đổi hành trình mua sắm tại Đông Nam Á “Từ nhu cầu tìm kiếm đến trải nghiệm nhận hàng” do Lazada thực hiện vào tháng 9/2022 cho thấy, 76% người tiêu dùng Việt Nam mua sắm mỗi tháng một lần trên thương mại điện tử, 83% người dùng Việt Nam có thói quen tìm kiếm sản phẩm trực tiếp trên các sàn thương mại điện tử, 50% các đơn hàng trên thương mại điện tử ở Việt Nam được mua mà không có dự tính.

 “Điều này cho thấy thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi, và các sàn thương mại điện tử đã định hình những thói quen này. Các sàn thương mại vẫn tiếp tục là nền tảng giúp các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả”, bà Ngô Thị Trúc Anh thông tin.

Trước các diễn biến phức tạp của nền kinh tế, các doanh nghiệp nên có những bước chuyển đổi khi đưa ra những chiến lược kinh doanh dài hạn. Điều này giúp doanh nghiệp “giữ sức đường dài” để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất, đặc biệt là những nhóm doanh nghiệp kinh doanh đa kênh, đa nền tảng. Theo đó, để chuyển đổi số bền vững, các doanh nghiệp cần những giải pháp từ công nghệ, giải pháp từ con người và giải pháp từ cơ sở hạ tầng, logistics.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Grap Việt Nam đã chia sẻ chủ đề: Ứng dụng thương mại điện tử thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Để hỗ trợ người dân Grab cũng thực hiện nhiều chương trình chung tay vì nông sản Việt như hỗ trợ nông dân mở cửa hàng trực tuyến.

 “Sự ra đời Grab Mart đã góp phần hỗ trợ nông dân Việt Nam trong việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Và đến nay Grab đã ký hợp tác 4 bên với Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Liên minh minh hợp tác xã trong việc tiêu thụ nông sản cho nông dân”- bà Mỹ Hạnh nói.

Đồng thời để hỗ trợ người dân, Grab cũng thực hiện nhiều chương trình chung tay vì nông sản Việt như hỗ trợ nông dân mở cửa hàng trực tuyến; tăng cường năng lực công nghệ cho nông dân: hỗ tợ tiêu thụ nông sản: đưa nông sản đến tận tay người dùng và góp phần thúc đẩy chuyển đổi số.

Chia sẻ về nguyên nhân vì sao thị trường giao thức ăn trực tuyến tại Việt Nam hấp dẫn, ông Jinwoo Song - Tổng giám đốc BAEMIN Việt Nam cho biết, so với những thị trường khác, thị trường Việt Nam có nhiều người trẻ sành sử dụng công nghệ, bắt kịp xu hướng hiện đại, sẵn sàng trải nghiệm những thói quen tiện lợi.

 “Ngoài ra về công nghệ, Việt Nam có lực lượng kỹ sư công nghệ chất lượng cao cùng với các ứng dụng được phát triển đạt chất lượng cao. Chính vì vậy, thị trường giao thức ăn trực tuyến tại Việt Nam trong thời gian tới vẫn vô cùng tiềm năng”, ông Jinwoo Song khẳng định.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, công ty vẫn gặp những thách thức nhất định. Điển hình là sự cạnh tranh mã khuyến mại. Việc ứng dụng các mã khuyến mãi khiến các đơn vị nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường với lượng đơn hàng tăng cao. Tuy nhiên việc này cũng có những bất cập như phát triển không bền vững, thổi phồng thị trường mục tiêu.

Điều này đòi hỏi các đơn vị phải nâng cao năng lực cạnh tranh trên môi trường thương mại điện tử. Theo đó, về phía cơ quan quản lý cần hoàn thiện khung pháp lý về thương mại điện tử thông qua việc Hoàn thiện môi trường pháp lý phù hợp với bối cảnh thực tế; Quy định về hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài cần giải quyết những bất cập hiện tại. Đồng thời xây dựng tín nhiệm tiêu chuẩn trong thương mại điện tử… 

“Thương mại điện tử - Xu thế phát triển bền vững” - Ảnh 2.

Tại hội thảo đã diễn ra phiên trao đổi giữa các diễn giả, doanh nghiệp

Tại hội thảo đã diễn ra phiên trao đổi giữa các diễn giả, doanh nghiệp. Theo đó, các diễn giả cho rằng, kinh doanh thương mại điện tử là cuộc chiến về chiến lược tư duy bền vững. Trên các sàn thương mại điện tử, một số thương hiệu có chiến lược bán hàng rất bài bản, tối ưu hoá hiệu quả kinh doanh và đảm bảo phát triển thương hiệu. Các doanh nghiệp, nhà bán hàng cần xây dựng thương hiệu có chiều sâu, có chính sách chăm sóc khách hàng, chiến lược phát triển sản phẩm rõ ràng. Bên cạnh đó, là phải đầu tư tìm hiểu về thị hiếu đối tượng khách hàng để phục vụ, chăm sóc, hậu mãi… cũng là giữ chân khách hàng mua sắm trong tương lai. Với sự phát triển công nghệ hiện nay, những doanh nghiệp nhỏ cũng có thể sử dụng các giải pháp, dịch vụ khách hàng do các doanh nghiệp thứ ba cung cấp.

Phiên thảo luận này đi sâu thảo luận một số các chủ đề: Giải pháp phát triển bền vững ngành Thương mại điện tử Việt Nam; Cơ hội cũng như thách thức, thuận lợi của việc thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; Cơ hội để các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng; giải pháp thanh toán số và công nghệ số, giải pháp logistics hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Techfest Vietnam năm 2022 có hơn 30 hội thảo, diễn đàn được tổ chức, với nhiều nội dung phong phú, đa dạng. Trong đó, nổi bật là các chuyên đề về xu hướng công nghệ, kết nối đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; chia sẻ kinh nghiệm, bài học về chuyển đổi mô hình nhằm thích ứng và bứt phá sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Techfest Vietnam năm 2022 có 250 gian hàng các sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu trên toàn quốc tham dự. Các gian hàng đã thu hút nhiều người đến tham quan, điều đó cho thấy Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia ngày càng có sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội.

Dịp này, Ban tổ chức Techfest Vietnam năm 2022 đã vinh danh 10 tập thể, 12 cá nhân đã có các hoạt động tích cực tại Techfest Vietnam năm 2022; vinh danh và trao giải thưởng Ngôi sao sáng chế IPStar, tốp 20, tốp 5 tác giả tạo ra các sáng chế được cấp bằng…Tỉnh Bình Dương có Công ty TNHH Minh Long I với sản phẩm bộ dụng cụ lọc đồ uống có chức năng điều tiết áp suất nhận danh hiệu IPStar tốp 5 sản phẩm tiêu biểu từ sáng chế.


Ý kiến của bạn

Bình luận