Cụ thể, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã làm việc với Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam vào ngày 6/4 và đến chiều ngày 12/4 Cục cũng đã tổ chức làm việc với đại diện hợp pháp của Công ty TNHH Uber Việt Nam. Tại buổi làm việc chiều 12/4, đại diện Uber cho biết từ 23h59 ngày 08 tháng 4 năm 2018, Uber đã chính thức chấm dứt hoạt động của ứng dụng Uber tại Việt Nam và hiện tại Văn phòng Uber Việt Nam cũng đã đóng cửa. Như vậy, giao dịch tập trung kinh tế giữa Grab và Uber đã chính thức hoàn tất tại thị trường Việt Nam.
Thương vụ Grab mua Uber đã hoàn tất, tuy nhiên phía GrabTaxi không hề thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi thực hiện và cho rằng thị phần của Grab trên thị trường thấp hơn 30%. Trên cơ sở kết quả làm việc với các bên liên quan và thông tin thu thập được, căn cứ Khoản 2 Điều 86 Luật Cạnh tranh năm 2004, Cục CT&BVNTD quyết định tiến hành điều tra sơ bộ vụ việc hạn chế cạnh tranh liên quan đến hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế nêu tại Luật Cạnh tranh năm 2004. Thời hạn điều tra sơ bộ là 30 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra sơ bộ.
Quyết định của Cục cạnh tranh có vẻ như hơi muộn và không đủ quyết liệt. Thương vụ Grab mua Uber không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà cả ở các nước Đông Nam Á khác, nhưng trong lúc Singapore và Philippines, Malaysia… đã sớm yêu cầu hai hãng giữ nguyên tình trạng trước khi sáp nhập, hoãn tắt ứng dụng, giữ nguyên giá cước vận chuyển để chờ kết luận của cơ quan chức năng, thì Việt Nam vẫn để thương vụ hoàn tất và chỉ có những "khuyến cáo" đối với Grab. Một tuần sau khi hai bên đã sáp nhập, Việt Nam mới ra được một quyết định "điều tra sơ bộ" với thời hạn lên tới 30 ngày.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, pháp luật quy định trong thời gian điều tra sơ bộ, Grab vẫn sẽ hoạt động bình thường. Sau 30 ngày, khi Cục quản lý cạnh tranh thông báo về việc sát nhập này có những dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh đến đâu thì quyết định tạm thời đối với hãng này mới được đưa ra. Sau đó, Cục còn phải ra quyết định điều tra chính thức dựa vào kết quả sơ bộ nếu thấy có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế. Cuộc điều tra chính thức sẽ diễn ra trong vòng 180 ngày (6 tháng), vẫn theo quy định của luật trước khi áp dụng một biện pháp chính thức với Grab. Như vậy, Grab sẽ có ít nhất 9 tháng hoạt động trước khi bị áp dụng hình thức phạt (nếu có).
Theo Luật Cạnh tranh, nếu sau khi sáp nhập, thị phần mới của Grab chiếm từ 30-50% mà các bên liên quan không thông báo cho Cục Cạnh tranh trước khi thực hiện, các công ty liên quan sẽ bị phạt tiền 10% tổng doanh thu của năm tài chính trước đó. Nếu quá 50% thì giao dịch có thể bị cấm. Nếu chiếu theo các số liệu đã công bố của cả Grab và Bộ GTVT, thì thị phần của Grab tại Việt Nam là trên 80% chưa bao gồm thị phần của Uber, vì thế thương vụ này nhiều khả năng bị cấm. Nhưng để doanh nghiệp đã sáp nhập xong và hoạt động nhiều tháng rồi mới tiến hành cấm thì liệu có hợp lý và khả thi, các hậu quả rắc rối xảy ra do sự chậm trễ này sẽ được xử lý như thế nào?
Sự lúng túng của cơ quan chức năng còn thể hiện ở chỗ, biết rõ Uber Việt Nam còn đang nợ một khoản thuế lên đến 53 tỉ đồng và GrabTaxi tuyên bố không trả nợ thuế thay Uber, thế nhưng các cơ quan quản lý không một đơn vị nào có quyết định ngăn chặn không cho Uber sáp nhập Grab trước khi giải quyết các vấn đề tồn đọng hoặc có phương án xử lý rõ ràng. Việc này chẳng khác gì "thả gà ra đuổi", liệu rằng số nợ thuế có đòi được không, không đòi được thì ai phải chịu trách nhiệm?
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.