Trong năm 2015, hơn 1 triệu người thiệt mạng trong các vụ tai nạn giao thông đường bộ trên toàn thế giới, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Tai nạn giao thông đường bộ vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu của những người trong độ tuổi từ 15 đến 29, tương đương với thiệt hại kinh tế 3% GDP/năm cho các chính phủ trên toàn cầu.
WHO cho biết: “Mặc dù thiệt hại lớn về người và kinh tế này – phần lớn có thể ngăn chặn được, các giải pháp để giải quyết thách thức toàn cầu này đã không hiệu quả.”
Nhưng trong khi các quốc gia đã viện đến các chiến dịch an toàn công cộng tán dương các hành động tuân thủ luật an toàn giao thông như không vượt quá giới hạn tốc độ, thắt dây an toàn, không uống rượu và lái xe, thì Thụy Điển đã đi trước một bước.
Không khoan nhượng
Vào năm 1997, Thụy Điển đã đưa ra chính sách Zero Vision với mục đích giảm số người thương vong do tai nạn giao thông xuống còn 0 người vào năm 2020. Quá trình này đòi hỏi những thay đổi vật lý trên đường và các chính sách mới để thực thi luật giao thông.
Hiện tại đã có nhiều bùng binh hơn, ít giao lộ hơn và các phương tiện không thể quay đầu ở những nơi người đi bộ qua đường. Nhiều cầu dành cho người đi bộ được xây hơn, xe đạp được tách làn riêng biệt và xử phạt nghiêm khắc đã giảm số lượng vi phạm uống rượu nhưng vẫn lái xe.
Kể từ khi chính sách này được áp dụng, số lượng tử vong do tai nạn giao thông đã giảm gần ½, 270 người trong năm 2016. Hai mươi năm trước, con số này là 541 người. Đó là một con số rất nhỏ khi so với Mỹ, nơi 41.100 người thương vong do tai nạn giao thông đường bộ vào năm 2017, theo thống kê của Cục Quản lý Đường cao tốc Liên bang.
Một tấm gương cho toàn cầu
Sự cải thiện của Thụy Điển có vẻ ấn tượng, nhưng quốc gia này gặp nhiều khó khăn để đạt được mục tiêu của mình. Hạn chót cho mục tiêu giảm số tử vong xuống con số 0 đã được đẩy lùi từ năm 2020 đến năm 2050.
Mặc dù vậy, Thụy Điển vẫn được nhiều chính phủ và tiểu bang coi là hình mẫu để học hỏi theo. Một phần của Canada, Na Uy, nhiều tiểu bang ở Mỹ và một vài quốc gia ở EU đều đã thử nghiệm các chương trình biến thể của Vision Zero.
Nếu các quốc gia và vùng lãnh thổ khác có thể đạt được sự tiến bộ như ở Thụy Điển, nhiều mạng sống sẽ được cứu. Trên thực tế, tình trạng tai nạn giao thông ở một số khu vực đã có những dấu hiệu cải thiện.
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng những bài kiểm tra nghiêm ngặt hơn cho những người mới lái xe ở châu Âu là một trong những lý do khiến đường bộ ở khu vực này an toàn hơn so với các quốc gia khác. Khoảng 25.300 người mất mạng trong các vụ tai nạn giao thông ở các nước thành viên EU vào năm 2017, nhưng con số này nhỏ hơn gần 15.000 người so với Mỹ.
Một nguyên nhân có thể được kể đến là chi phí học lái xe ở 2 khu vực này. Người Thụy Điển sẽ tốn hơn 1800 USD để học lái xe, thậm chí con số này có thể cao hơn ở các nơi khác ở châu Âu. Trong khi đó, nhiều người Mỹ có thể nhận giấy phép lái xe mà cần tốn kém và không cần chi nhiều tiền để học lái.
Thay đổi suy nghĩ
Ở Thụy Điển, một trong những thay đổi lớn nhất là cách người dân nghĩ về những cái chết do tai nạn giao thông. Trong một bài phỏng vấn năm 2014, một trong những nhà chiến lược an toàn đường bộ hàng đầu của quốc gia này, Matts-Åke Belin, cho biết những người khó bị thuyết phục nhất rằng Vision Zero đáng để thử nghiệm là những nhà kinh tế chính trị.
Belin nói: “Đối với họ, rất khó để tin vào con số “0”. Trong mô hình kinh tế của họ, bạn chỉ có chi phí và lợi ích, và dù họ không nói thẳng điều đó, thì (đối với họ) ý tưởng là sẽ có một số lượng tử vong tối ưu. Một cái giá bạn phải trả cho việc tham gia giao thông.”
Thay đổi suy nghĩ này có thể là một phần quan trọng trong việc đảm bảo rằng số người tử vong do tai nạn giao thông trên toàn cầu sẽ giảm xuống.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.