Tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường trong dạy học môn Vật lý

07/01/2017 16:03

Bảo vệ môi trường hiện nay đang là nhiệm vụ của toàn xã hội, trong đó có học sinh. Tuy nhiên, rất nhiều em không mấy quan tâm, thậm chí thờ ơ.


thietbijtulam
Ảnh minh họa

Thế nhưng, trong quá trình dạy học bộ môn Vật lý của mình, thầy giáo trẻ Hà Văn Nhắc, người dân tộc Tày, mấy năm qua đã tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường trong dạy học môn Vật lý cho học sinh THCS. Thầy đã vinh dự được Bộ GD&ĐT tuyên dương tại Lễ tuyên dương nhà giáo và học sinh tiêu biểu năm học 2015 - 2016 và phát động phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”, giai đoạn 2016 - 2020.

Học sinh biết yêu và bảo vệ môi trường qua từng bài giảng

Sinh năm 1983, thầy Hà Văn Nhắc nhiều năm đảm nhiệm dạy môn Vật lý cho học sinh Trường THCS Tri Phú - Chiêm Hóa - Tuyên Quang. Hưởng ứng phong trào đổi mới phương pháp dạy học, dạy học tích hợp liên môn của ngành đề ra, 4 năm qua, thầy đã mạnh dạn tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường trong dạy học môn Vật lý cho học sinh trường mình, thậm chí thầy còn chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng sáng kiến ra các trường bạn.

Trong câu chuyện kể của mình, thầy Nhắc cho biết: Từ năm học 2013 - 2014 thầy đã bắt tay vào thực hiện đề tài. Tuy nhiên, năm đầu tiên thực hiện đối với giáo viên và học sinh đều rất mới mẻ với phương pháp dạy và học này. Hơn nữa, khi lấy phiếu điều tra và mẫu so sánh, để giải thích cho học sinh hiểu thế nào là bảo vệ môi trường cũng là rất khó. Đặc biệt, học sinh của thầy là học sinh miền núi, đa phần là con em đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện sống còn nhiều khó khăn nên sự hiểu biết cũng như vốn sống của các em bị hạn chế.

Không quản ngại khó khăn, thầy đã giúp học sinh tiếp cận từ thực tế, từ chính sách giáo khoa và từ những cuốn sách tham khảo được thầy lựa chọn mua về, kể cả thông qua mạng Internet. Trước hết, theo thầy phải nâng cao vấn đề nhận thức về môi trường của từng học sinh.

Trước đây, nhận thức của các em về môi trường, về bảo vệ môi trường sống rất hạn chế. Các em không biết là bảo vệ môi trường thì hành động phải như thế nào. Môi trường sống của các em ở miền núi có gì khác so với miền xuôi và thành thị. Rõ ràng từ những nhận thức tưởng như đơn giản ấy, nếu thầy Nhắc không cặn kẽ chỉ giúp cho học sinh thì các em sẽ không nhận ra phải làm sao mới có được hành động bảo vệ môi trường đúng đắn và hiệu quả.

Chẳng hạn với học sinh lớp 6, từ bài học sự nóng chảy, từ bài học vận dụng kiến thức trong sách giáo khoa, thầy cho học sinh thực hành. Qua đó, thầy giảng cặn kẽ cho học sinh: Nếu học sinh thực hiện không tốt, để nóng chảy, không có xử lý thì sẽ ảnh hưởng tới môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người.

Giờ học kết thúc, thầy hướng dẫn học sinh cất dọn đồ dùng, làm vệ sinh đồ dùng dạy học sạch sẽ để không ảnh hưởng đến môi trường lớp học, trường học, rồi cách bảo quản chúng. Thầy cũng nhắc nhở luôn học sinh, những việc làm tưởng đơn giản ấy nếu các em làm không tốt cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường.

Lan tỏa nhận thức về bảo vệ môi trường

Có thể thấy, qua 3 - 4 năm triển khai đề tài, đến nay, nhận thức bảo vệ môi trường của học sinh Trường THCS Tri Phú đã có sự thay đổi lớn. Trường học khang trang và sạch sẽ. Cảnh quan môi trường cứ năm sau lại đẹp hơn năm trước. Hàng ngày học sinh quét dọn, đặt các thùng rác thông minh. Ý thức bảo vệ môi trường của học sinh tăng lên rõ rệt.

Từ việc trang bị kiến thức cho học sinh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh, hướng dẫn các em cách làm thực tế, nay học sinh của thầy Nhắc đã biết tự bảo vệ môi trường, từ phạm vi nhỏ nhất. Thành công hơn nữa, năm học 2013 - 2014 khi tham gia dạy học sinh giỏi môn Vật lý học sinh của thầy Nhắc đã có giải cấp huyện, đặc biệt năm học vừa qua có học sinh đạt giải Nhì, giải Ba, giải Khuyến khích huyện Chiêm Hóa. Tiêu biểu như học sinh Triệu Thị Trang, Triệu Thị Hà.

Điều quan trọng hơn đó chính là sau khi áp dụng đề tài tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường trong dạy học Vật lý, học sinh Tri Phú có nhận thức tốt hơn về công tác bảo vệ môi trường nói chung như vệ sinh môi trường cảnh quan lớp học, khuôn viên trường được bảo vệ, vệ sinh sạch sẽ hơn. Học sinh cũng tham gia tích cực hơn các hoạt động của địa phương về công tác bảo vệ môi trường. Mỗi học sinh trở thành một tuyên truyền viên về công tác bảo vệ môi trường.

Thầy Nhắc chia sẻ: Trong quá trình dạy học Vật lý, tôi chắc rằng các giáo viên đã đề cập đến các biện pháp giáo dục bảo vệ môi trường. Tuy nhiên việc làm này còn chưa thường xuyên, đôi khi còn mang tính sách vở, thiếu sự gần gũi với đời sống thực tế của học sinh.

Trong khi đó, Vật lý là môn khoa học mang tính thực tiễn cao, chúng ta hoàn toàn có thể vừa đưa ra các biện pháp giáo dục bảo vệ môi trường liên quan đến từng nội dung trong các bài học cụ thể lại vừa gần gũi với sự hiểu biết của học sinh. Chính điều này sẽ có tác dụng kích thích tính tò mò, sáng tạo, hứng thú học tập, mở rộng sự hiểu biết của học sinh, đặc biệt là hướng sự quan tâm của các em tới môi trường để từ đó biết cách bảo vệ môi trường.

Trong năm học mới, thầy Hà Văn Nhắc mong muốn giáo viên trường vùng cao được trang bị cơ sở vật chất, những bộ đồ dùng tốt hơn để cả thầy và trò được tiếp cận, trang bị kiến thức gần gũi hơn, áp dụng nhuần nhuyễn hơn kiến thức từ lý thuyết vào thực tiễn cuộc sống cho học sinh.

Ý kiến của bạn

Bình luận