Tịch thu hàng chục nghìn lít rượu tự nấu, phạt tiền hơn 1,1 tỷ đồng

Tác giả: Cafebiz

saosaosaosaosao
Xã hội 04/04/2017 05:16

Chi cục Quản lý Thị trường tại các địa bàn trọng điểm đã kiểm tra 966 vụ, xử lý 491 vụ, phạt tiền gần 1,1 tỷ đồng

ruou-tu-nau_rdfr
Ảnh minh họa.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo kết quả thực hiện chỉ thị số 02 của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu có hiệu lực thi hành ngày 14/3/2017.

Báo cáo cho biết, tại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức triển khai tổng kiểm tra, kiểm soát cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, phòng chống ngộ độc rượu trên địa bàn thành phố với 689 đoàn kiểm tra.

Tại Bắc Ninh, Sở Công Thương phối hợp với Phòng kinh tế hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố lập hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề sản xuất rượu thủ công tại những địa bàn tập trung nhiều hộ sản xuất kinh doanh rượu nhỏ lẻ.

Tại Sơn La, Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành Kế hoạch kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh Sơn La với nội dung, đối tượng, thời gian kiểm tra và việc phân giao nhiệm vụ các Sở, ngành chức năng, Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố rất chi tiết, cụ thể.

Kết quả kiểm tra cho thấy, giai đoạn từ ngày 1 - 27/3, Chi cục Quản lý Thị trường tại các địa bàn trọng điểm (Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP.HCM) đã kiểm tra 966 vụ, xử lý 491 vụ, phạt tiền gần 1,1 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 734 triệu đồng, tạm giữ, tịch thu 40.176 lít rượu, 1.431 chai rượu các loại, 2 can, 17 bình rượu, 2 chum rượu ngâm 67 kg, 4,9 kg men rượu và 59 vỏ chai rượu.

Một số vụ việc đang tiếp tục được xác minh, làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện vẫn còn một số khó khăn tồn tại do thời gian tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị mới ở giai đoạn đầu, qua tổng hợp báo cáo địa phương cho thấy chủ yếu là công tác chỉ đạo, lập kế hoạch và phân giao nhiệm vụ để chuẩn bị thực hiện.

Bước đầu ghi nhận một số khó khăn từ báo cáo của tỉnh Quảng Ninh và Kon Tum như đa số các hộ dân sản xuất rượu thủ công có quy mô nhỏ, một số hộ dân nấu rượu kết hợp với việc sử dụng phụ phẩm để chăn nuôi nhằm cải thiện thu nhập là chủ yếu nên không chú trọng đến chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu, đồng thời việc sản xuất diễn ra không thường xuyên. Do đó công tác kiểm tra, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn;

Tại địa phương chưa được bố trí nguồn ngân sách cho công tác quản lý an toàn thực phẩm nên công tác kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm hoặc lấy mẫu test nhanh hàm lượng methanol có trong rượu chưa được thực hiện đầy đủ…

Ý kiến của bạn

Bình luận