Lối vào chợ Đông Phương Yên la liệt người bán hàng tràn ra lề đường |
Muôn thuở nạn chợ cóc
Quốc lộ 6 (đoạn từ quận Hà Đông đi Tp. Hòa Bình) là tuyến đường huyết mạch, cửa ngõ phía Tây của Thủ đô nên lượng người và phương tiện qua lại rất đông. Nhưng mỗi khi lưu thông trên tuyến QL6, từ Km 27+800 đến Km 28+200 đoạn qua khu vực Chợ Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ, Tp. Hà Nội), các phương tiện đều phải giảm tốc độ đề phòng xảy ra TNGT. Điều đáng nói là các chợ này đã tồn tại hàng chục năm nay, nhiều vụ TNGT đã xảy ra, chính quyền địa phương nhiều lần tổ chức giải tỏa hành lang ATGT nhưng đâu lại vào đấy.
Chợ Đông Phương Yên là một trong số 3 chợ lớn của huyện Chương Mỹ nằm ven tuyến đường QL6 và cũng là điểm nóng về tình trạng họp chợ lấn chiếm hành lang ATGT. Bất chấp nhiều lệnh cấm của cơ quan chức năng, rất nhiều tiểu thương vẫn ngang nhiên mang hàng hóa ra bày bán ngay sát lề đường, thậm chí là ngang nhiên căng phông bạt che nắng mưa gây khuất tầm nhìn. Chưa kể, cách nơi họp chợ vài chục mét là một điểm tập kết rác sinh hoạt, cùng với lượng rác do hoạt động chợ khiến không khí bốc mùi hôi thối.
Cùng với chợ Đông Phương Yên, tại khu vực cầu Mai Lĩnh nhiều hộ kinh doanh phương tiện xây dựng, sắt thép, phế liệu, đặc biệt là họp chợ lấn chiếm hành lang giao thông để tập kết, bày bán hàng hóa, tràn xuống lòng, lề đường. Tình trạng họp chợ này đã diễn ra cả chục năm nay. Cứ sáng sớm hay chiều tối, chợ hoạt động tấp nập, khiến cả một đoạn đường dài lúc nào cũng ngổn ngang bàn ghế, phông bạt, nông sản… rất hỗn độn và thiếu quản lý. Vào giờ cao điểm, đoạn đường này thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường do hoạt động buôn bán ngày càng nghiêm trọng. Mặc cho nhiều lần có lực lượng chức năng xuống giải tỏa nhưng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Tình trạng họp chợ lấn chiếm lòng lề đường và hành lang ATGT vẫn diễn ra tại một số tụ điểm, điển hình là Chợ Gốt (Đông Sơn), chợ Mai Lĩnh (Đồng Mai)….
Tiểu thương căng ô dù, phông bạt, dựng quầy hàng lấn chiếm lề đường QL 6 tại chợ Đông Phương Yên. Hình ảnh tương tự diễn ra tại nhiều nơi: chợ Gốt (Đông Sơn), chợ Mai Lĩnh (Đồng Mai)…. |
Trước tình trạng chợ cũ thiếu an toàn, gây mất TTATGT, chính quyền phường Đồng Mai đã xây dựng khu chợ mới cách chợ cũ khoảng 40m, có diện tích gần 8000 m2, kinh phí hơn 55 tỷ đồng lại không mấy ai buôn bán. Giải thích lý do không di chuyển vào vị trí chợ mới, các tiểu thương đều cho biết, dù là chợ mới nhưng lại nằm sâu bên trong, không gần mặt đường, cũng không thuận đường về của mọi người nên bán ngoài mặt đường còn có người hỏi mua, chi phí thuê mặt bằng cũng lớn hơn nhiều so với chợ cũ.
Dù đã có phương án miễn phí tiền thuê mặt bằng để các hộ ổn định buôn bán. Nhưng hơn 3 năm qua, việc di chuyển hoạt động buôn bán sang chợ mới vẫn “giậm chân tại chỗ”. Chợ cũ vẫn họp gây ách tắc giao thông, trong khi chợ mới thì ngày càng xuống cấp.
Gian nan hướng giải pháp
Về việc họp chợ lấn đường tại chợ Đông Phương Yên, ông Phan Ngọc Huấn - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên, thừa nhận: “Tình trạng lấn đường họp chợ tại chợ Đông Phương Yên thường xuyên diễn ra, đặc biệt, vào dịp Tết thì càng nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân là bởi diện tích chợ nhỏ, được xây dựng từ lâu đến nay không còn đáp ứng được nhu cầu mua bán của người dân hiện nay. Đặc biệt là ý thức còn rất kém của người bán hàng, nên biết là sai nhưng vẫn cố tình làm. Bên cạnh đó, một phần lỗi lớn nằm ở người mua, vì thấy tiện đường nên nhiều người ghé mua và vô tình tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.
“Chính quyền xã cũng đã nhiều lần chỉ đạo lực lượng xuống giải tỏa nhưng với kiểu buôn bán nhỏ lẻ, khi thấy lực lượng chức năng đến thì họ bê hàng hóa vào sâu bên trong. Khi lực lượng công an đi khỏi họ lại ra ngoài”, ông Huấn cho biết.
Khu chợ mới thay thế chợ Mai Lĩnh (Đồng Mai) cũ vắng bóng tiểu thương do nằm sâu bên trong. |
Khi được hỏi về những biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng họp chợ lấn đường, ông Huấn cho hay, xã đã phản ánh tình trạng họp chợ lên UBND huyện. Phía huyện cũng đã có kế hoạch xây dựng khu chợ mới và giao cho một nhà thầu. Tuy nhiên, người dân chưa đồng ý phương án trên vì khu chợ hiện tại đã có từ lâu, người mua kẻ bán đã quen đến đây. “Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với huyện tổ chức các đợt ra quân giải tỏa, cưỡng chế, đồng thời vận động người dân chấp nhận phương án của huyện”, ông Huấn nói.
Vấn đề “chợ cóc”, chiếm hè, lấn đường tràn lan không phải cán bộ xã, phường không biết, không phải bây giờ báo chí mới phản ánh, nhưng dẹp dứt điểm, cũng không phải chỉ tuyên truyền vận động bằng miệng, văn bản hoặc cho lực lượng đến tịch thu; hoặc “đuổi”, “bắt”, “dọn gọn” vào lề đường, ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng còn phải có chế tài đủ mạnh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.