Tiền đầu tư camera giao thông sẽ được tính vào phí của người dân?

Ý kiến phản biện 01/01/2016 19:29

"Cuối cùng, số tiền đầu tư sẽ được tính vào phí giao thông của người dân, đó là điều tất yếu, hết sức bình thường".

 

Tiền đầu tư camera giao thông sẽ được ti
Camera giám sát giao thông

Người dân có thêm tiền phí

Trước việc, công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sẽ lắp đặt hệ thống camera giám sát trên quốc lộ 51, với tổng mức đầu tư là 270 tỷ đồng cho 19 camera, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết: "Tôi rất ủng hộ việc lắp camera giám sát, để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, của người lái xe.

Bởi vì, lực lượng CSGT sẽ có thể căn cứ vào các dữ liệu camera thu được để xử phạt. Hơn nữa, trong thời đại công nghệ phát triển, không áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào để quản lý và xử phạt những vi phạm trong lĩnh vực giao thông thì không thể kiểm soát được".

Riêng về tổng mức đầu tư lớn hay nhỏ, như chuyện Bà Rịa - Vũng Tàu bỏ ra 270 tỷ lắp đặt, theo ông Thanh, cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện phải báo cáo, giải trình với người dân, về số tiền chi vào những việc cụ thể ra sao.

Người dân cũng có quyền giám sát, có quyền thắc mắc về số tiền đầu tư, nếu đối tượng nào vi phạm liên quan đến tài chính dự án thì xử phạt.

Để từ đó người dân hiểu và ủng hộ việc áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt công nghệ thông tin để tổ chức quản lý giao thông, xử phạt hành vi vi phạm một cách nghiêm khắc.

Ông Thanh phân tích: "Chúng ta phải thấy những mặt lợi của việc lắp camera giám sát, thứ nhất, vì nó là cỗ máy thông minh, nên cứ sai là phạt, vô tư không bị yếu tố chủ quan con người can thiệp vào, hạn chế việc tiếp xúc giữa con người với con người.

Thứ hai, lực lượng cảnh sát, lực lượng thanh tra giao thông sẽ giảm đi khi áp dụng camera giám sát.

Thứ ba, thậm chí còn hạn chế được việc mãi lộ trên đường, vì hiện nay nhiều doanh nghiệp lên tiếng cho rằng tiền mãi lộ nhiều hơn tiền phí đường, không có chuyện cảnh sát ra đường chặn xe kiếm tiền.

Ở đây, cái quan trọng là sử dụng số liệu một cách khách quan vô tư, lắp vào xử phạt nghiêm túc, chứ không phải chuyển cho cảnh sát muốn phạt hay không phạt".

Tuy nhiên, theo ông Thanh, cái gì chính quyền đề ra thì cũng phải tính, đưa cái này vào thì chắc chắn phải chi thêm cho nhà sản xuất, nhà quản lý, mà những đơn vị này không khi nào bỏ tiền túi ra làm.

"Cuối cùng, số tiền đầu tư sẽ được tính vào phí giao thông của người dân, đó là điều tất yếu, hết sức bình thường, mặc dù, chắc chắn say này lực lượng CSGT sẽ lấy tiền phạt để trang trải duy trì camera", ông Thanh khẳng định.

Phải minh bạch tiền đầu tư

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho hay: "Vừa qua, Hà Nội cũng có thí điểm lắp hệ thống camera giám sát giao thông, hiệu quả là khá tốt.

Đầu tiên, một số chủ xe sau khi nhận được thông báo đến cơ quan công an nộp phạt, tránh được việc rượt đuổi trên đường, gây nguy hiểm cho lái xe, CSGT, có vật chứng, bằng chứng. Hơn nữa, mật độ giao thông HN dày đặc, không có camera thì rất khó xử lý.

Mặt khác, việc lắp camera giám sát không phải chỉ VN mà thế giới đã làm từ lâu rồi, đến nhiều thành phố như Trung Quốc, Singapore ra đường cũng không nhìn thấy lực lượng CSGT hay công an làm việc.

Chính hệ thống camera đã thay cho lực lượng công an, còn Việt Nam đi đến đâu cũng thấy áo vàng, áo xanh trên đường, núp bóng cây, vừa tốn nhân lực mà không hiệu quả bằng giám sát camera".

Về mức đầu tư lắp camera, theo ông Liên cũng khó có thể xác định, bởi chất lượng camera cũng có nhiều loại khác nhau, từ kỹ thuật cho đến tính năng, nên việc giá đắt hay rẻ còn tùy thuộc từng loại.

Tuy nhiên, các cơ quan triển khai dự án cần phải minh bạch trong việc lắp đặt, thậm chí đấu thầu công khai để cho nhiều doanh nghiệp có năng lực tham gia vào, như thế mới tránh được lợi ích nhóm, làm cho vai trò của công an được đề cao lên trong khi xã hội còn nhiều dư luận lợi ích nhóm.

Nên cải tiến phương pháp đấu thầu công khai, không nên hợp đồng với một đơn vị, sẽ dễ mang tiếng.

Ông Liên cũng cho biết thêm: "Tiền camera lắp đặt theo tôi được biết sẽ trích theo tiền xử phạt phân bổ cho ngành công an, trước đây xử phạt họ trừ luôn tiền đó làm tiền bồi dưỡng, đầu tư.

Cách đây một vài năm, khi sửa đổi Luật xử phạt hành chính, Bộ Tài chính đề nghị tất cả tiền xử phạt hành chính đều quy về Bộ Tài chính quản lý, từng cơ quan lập dự trù cho Bộ Tài chính phân bổ, thiếu thì điều chỉnh cho đủ".

Đặc biệt, ông Liên nhấn mạnh: "Tiền đó chắc chắn không thể tính vào phí giao thông được, vì tiền ngân sách cũng là tiền do dân đóng góp. Người dân cứ yên tâm sẽ không bị tăng phí".

Ý kiến của bạn

Bình luận