Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, 11 tháng đầu năm 2022, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh giảm 2 tiêu chí về số vụ, số người bị thương so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể số vụ giảm 161 vụ (362/523, tương đương -30,7%), số người bị thương giảm 137 người (176/313, tương đương -43,7%). Tuy nhiên số người chết tăng 54 người (259/205, tương đương +10,2%); để xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng trên đường ĐT.869, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè (làm 3 người chết và 2 người bị thương).
Nhằm góp phần kiềm chế và phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông ít nhất từ 5% trở lên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Ấp Bắc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao chỉ đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ, nội dung sau:
Triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban An toàn giao thông tỉnh trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ nay đến cuối năm 2022.
UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng chức năng của tỉnh và Công an các huyện, thành phố, thị xã mở cao điểm tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường thủy. Trong đó tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như: vi phạm quy định nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, không nhường đường, đi ngược chiều…chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép; Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải và các lực lượng khác ứng trực trên các tuyến giao thông trọng điểm, các khu vực giao thông phức tạp, có nguy cơ ùn tắc giao thông để có phương án tổ chức, điều tiết giao thông, cứu nạn kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn, không để phát sinh ùn tắc giao thông.
Để đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông vận tải: Tăng cường kiểm tra, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng. Thường xuyên kiểm tra, rà soát bổ sung kịp thời hệ thống vạch sơn, biển báo hiệu giao thông, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo phản quang tại các nút giao, các đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, xử lý bảo đảm an toàn giao thông tất cả các công trình đang khai thác và các công trình đang thi công; chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông, việc vi phạm hành lang an toàn giao thông; phối hợp với Công an tỉnh điều tiết, phân luồng giao thông, kịp thời điều tiết khi xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, nhất là trên các tuyến có lưu lượng phương tiện lớn, các điểm thường xảy ra ùn tắc giao thông như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 60, khu vực cầu Rạch Miễu, ngã 4 Lương Phú, ngã tư Đồng Tâm, ngã 3 An Thái Trung…
UBND tỉnh giao Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh: Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Chủ động báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh các vấn đề mới phát sinh, tham mưu, đề xuất các giải pháp xử lý kịp thời.
UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tình hình thực tế của địa phương xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.