Uber lên kế hoạch công khai những kiến nghị của công ty luật họ thuê điều tra những cáo buộc mà cựu kỹ sư Susan Fowler đưa ra liên quan tới vấn đề xâm hại tình dục và phân biệt giới tính. |
Hội đồng quản trị Uber đã có buổi họp bất thường vào ngày chủ nhật vừa qua nhằm tìm cách đảo ngược được tình thế hỗn loạn đang xảy ra trong công ty. Các thành viên trong ban quản trị đã bỏ phiếu nhất trí làm theo tất cả những kiến nghị rút ra sau cuộc điều tra gần đây về văn hóa nội bộ công ty với vô số cáo buộc về phân biệt giới tính, xâm hại tình dục.
Họ cũng thảo luận về số phận của 2 lãnh đạo cấp cao của công ty gồm CEO Travis Kalanick và Phó chủ tịch kinh doanh cấp cao Emil Michael sau khi quá trình xử lý hồ sơ sai lệch của một phụ nữ Ấn Độ bị hãm hiếp bởi lái xe bị đưa ra ánh sáng. Theo đó, CEO Kalnick có thể sẽ nghỉ việc trong vòng 3 tháng còn Emil Michael đang bị xem xét cho thôi việc.
Nhìn chung, Uber hiện đang trong tình huống vô cùng rối loạn. Kể từ năm 2016 khi chính phủ Ả rập Saudi tuyên bố rót khoản tiền mặt khổng lồ lên tới 3,5 tỷ USD thì cho đến nay, Uber không công bố được thêm bất kỳ khoản đầu tư lớn nào khác. Tinh thần nhân viên thì rệu rã. Các lái xe ngày càng tỏ ra không hài lòng về cách đối xử của Uber với họ. Vụ kiện cáo từ Alphabet buộc tội công ty này lấy cắp bí mật xe tự lái vẫn chưa giải quyết xong...
Từng ấy vấn đề liệu có sao không?
Nhờ những thông tin rò rỉ, giới truyền thông đã có tất cả mọi thông tin bên trong công ty. Những tin tức khá giật gân, thú vị nhưng không ít hơi "quá đà": Một công ty đại diện cho sự sụp đổ của thung lũng Silicon, Startup bị hạ gục bởi sự ngạo mạn của chính bản thân nó.... Tuy nhiên, ý tưởng cho rằng công ty đang trên bờ vực phá sản là hoàn toàn sai lầm!
Theo những công bố về tình hình tài chính mới nhất, tốc độ tăng trưởng của Uber đang tiếp tục ở mức cao, thua lỗ thì thu hẹp lại mặc dù nhìn qua, con số này không hề nhỏ. Cụ thể, công ty đã thua lỗ 2,8 tỷ USD trong năm 2016 (chưa tính đến mảng kinh doanh tại Trung Quốc đã được bán) - mức thua lỗ nhiều nhất trong lịch sử các startup.
Điều này khiến một số chuyên gia phân tích trong ngành dự đoán rằng Uber sẽ không bao giờ có thể đạt tới điểm hòa vốn và cuối cùng "sập tiệm". Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý là công ty đã tăng gấp đôi tổng giá trị các chuyến xe được đặt tới 20 tỷ USD trong năm 2016 và doanh thu thuần (ngoài trừ mảng kinh doanh tại Trung Quốc) đã tăng lên 6,8 tỷ USD. Nhìn chung, công ty này vẫn đang tiếp tục phát triển.
Dĩ nhiên, những thông tin bất lợi nhất về Uber mới chỉ xuất hiện nhan nhản trên báo chí chủ yếu trong năm nay và báo cáo tài chính năm 2017 của công ty thì vẫn chưa được công khai. Tuy nhiên, những người ủng hộ Uber vẫn dự đoán rằng công ty sẽ tiếp tục tăng trưởng mặc cho tất cả những điều đó.
Bradley Tusk - một cố vấn tại Uber đã viết trong một bài bình luận của mình rằng: "Trật tự đang được thiết lập lại. Những khối u đang dần được loại bỏ, CEO Kalnick đang cân nhắc nghỉ phép một thời gian để dành thời gian cho gia đình (cha mẹ anh vừa trải qua tai nạn khủng khiếp khiến một người thiệt mạng và 1 người bị thương nặng) và công ty đang sẵn sàng đẩy lùi mọi bê bối".
“Dù những tin tức xấu khiến hình ảnh của Uber có trở nên tồi tệ tới mức nào, người tiêu dùng cũng sẽ không quan tâm và Lyft chẳng thể nào đuổi kịp chúng tôi được”, Tusk khẳng định.
Hiện tại, đối thủ Lyft đang hết sức tận dụng thời điểm khó khăn của Uber để "chốt" hàng loạt thương vụ với nhiều công ty công nghệ lớn và hãng xe hơi nổi tiếng. Hình ảnh truyền thông “sạch sẽ” của Lyft đã giúp công ty thu hút được lượng đầu tư kỷ lục và được định giá tới 7 tỷ USD.
Tuy nhiên, so với Uber, Lyft vẫn còn kém xa về cả kích thước lẫn quy mô. Công ty vẫn chỉ hoạt động tại Mỹ trong khi đó Uber đã có mặt tại hơn 600 thành phố trên khắp thế giới. Ngoài ra số nhân viên của Lyft chỉ là 1.600 người trong khi đó, con số tương tự của Uber là 12.000 người.
“Người tiêu dùng chỉ quan tâm tới họ thôi. Nếu iPhone là một sản phẩm tuyệt vời còn Apple là một công ty chẳng ra gì thì khách hàng cũng chẳng ai quan tâm tới điều đó đâu”, Tusk nhấn mạnh.
Harry Campbell - một cựu lái xe Uber viết trên blog rằng chỉ cần ứng dụng gọi xe của công ty tiếp tục làm tốt hơn các đối thủ, Uber sẽ vẫn thống trị trên thị trường.
“Tất cả những bài báo tồi tệ về Uber có thể gây tổn hại tới tinh thần trong nội bộ công ty và gây khó khăn cho những nỗ lực, mục tiêu trong ngắn hạn nhưng điều quan trọng là các khách hàng vẫn sẽ được Uber phục vụ đi từ điểm A tới điểm B một cách an toàn với mức giá rẻ. Một vài khách hàng cũng thoải mái đề cập tới các vấn đề Uber đang gặp phải - tôi cá là họ đọc được trên báo chí. Hầu hết tương tác của khách hàng về công ty xảy ra thông qua tài xế”.
Chiến dịch #DeleteUber xảy ra vào đầu năm đã phơi bày rắc rối của công ty trong việc thu hút và giữ chân người dùng mới nhưng nó đồng thời cũng cho thấy mức độ người dùng tiêu cực là có giới hạn. Mọi người giận giữ nhưng không quá nhiều. Lyft đã có lúc suýt vượt Uber về lượt tải ứng dụng nhưng sự thật là công ty này vẫn không thể làm được.
“Người tiêu dùng chỉ quan tâm tới họ thôi. Nếu iPhone là một sản phẩm tuyệt vời còn Apple là một công ty chẳng ra gì thì khách hàng cũng chẳng ai quan tâm tới điều đó đâu”, Tusk nhấn mạnh.
Rủi ro thật sự với Uber lúc này sẽ xảy ra bên trong như tinh thần nhân viên, việc tuyển dụng và các mối hợp tác làm ăn. Các nhà đầu tư và đối tác là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi nói về triển vọng trong dài hạn của công ty và hiện tại các khoản đầu tư có thể bị cho là đi sai hướng.
“Đối với một tổ chức, sự hỗn loạn luôn tồi tệ nhưng không phải điều gì quá bất thường. Là một công ty đang trở thành mục tiêu thâu tóm của kẻ địch hay một công ty có CEO mất đột ngột... đều là những tình huống gây ra sự hỗn loạn to lớn cho một tổ chức. Nhưng nếu công ty đang nắm vị trí thống trị trên thị trường thì những rắc rối đó không nhất thiết sẽ làm suy yếu sức mạnh của họ”.
“Trong trường hợp của Uber, điều đáng quan tâm nhất lúc này theo tôi là họ cần phải điều chỉnh chiến lược một cách nhanh chóng và quay lại tập trung gọi vốn. Nếu gọi vốn trong bối cảnh công ty hỗn loạn, họ sẽ phải trả giá vì điều đó”, Evan chia sẻ.
Đó có thể xem là một thủ thuật tinh vi - vừa giải quyết bê bối vừa phát triển. Người tiêu dùng đọc tin tức nhưng họ có xu hướng đưa ra quyết định mua hàng dựa trên nhu cầu. Chắc chắn Uber có thể ngập trong những cáo buộc, bê bối theo chủ nghĩa phân biệt giới tính và quấy rối tình dục nhưng có một sự thật là giá xe của họ rẻ. Thực tế là họ đã phải trợ cấp hàng tỷ đôla mỗi năm để có được điều đó.
Michelle Thorpe, 43 tuổi hiện đang là Giám đốc tiếp thị của Des Moines nói rằng cô thích Uber bởi nó rẻ và thuận tiện hơn xe taxi truyền thống. Với cô, sự an toàn - chứ không phải mấy bê bối tình dục xảy ra trong công ty - mới là điều quan trọng nhất khi xem xét có nên sử dụng dịch vụ không.
“Tin tức về Uber rất giật gân trong những ngày này. Tôi chỉ tiếp nhận một phần nhỏ những gì nghe được và không nghĩ rằng tất cả đều là sự thực”.
Câu chuyện của Susan đã lan truyền nhanh chóng vào tháng 2 và châm ngòi cho toàn bộ cuộc khủng hoảng Uber đang gặp phải nhưng thành thật mà nói đó là điều hết sức bình thường tại thung lũng Silicon. Nói thẳng ra, phân biệt giới tính, quấy rối, bắt nạt và các hành vi không phù hợp khác đang lan tràn ở rất nhiều công ty, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hành động đưa vấn đề ra ánh sáng của Susan là rất quan trọng và nó khuyến khích những người khác cũng dám nói ra sự thật.
Nhưng kết quả thế nào?
Một nhóm người bị đuổi khỏi Uber. Một số khác tự rời đi. Còn công ty đang đứng trước một cuộc cách mạng toàn diện về văn hoá. Nhưng thay đổi thì không thể được thực hiện chỉ làm sau 1 đêm. Chính vì vậy miễn là Uber vẫn thu hút được người dùng mới và mở rộng thêm thị trường, thực sự thì “đếch ai quan tâm” tới những vấn đề họ đang gặp phải đâu!
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.