Theo ông Nguyễn Nhật – Cục trưởng Cục HHVN cho biết: Năm 2014, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện ước đạt 98,5 triệu tấn (135,7 tỷ T.Km) tăng trưởng rất thấp so với năm 2013 (0,13%). Hoạt động kinh doanh vận tải biển Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và tiếp tục đối mặt với cạnh tranh gay gắt. Đội tàu biển trong nước chỉ đảm đương khoảng 10-12% thị phần vận tải hàng hoá của Việt Nam xuất, nhập khẩu qua đường biển. Các tàu biển Việt Nam chủ yếu mới chỉ hoạt động trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Đối với hoạt động vận tải biển nội địa, Cục HHVN đã triển khai triệt để chỉ đạo của Bộ GTVT về hạn chế tàu nước ngoài tham gia vận tải nội địa nên đã có kết quả rất tích cực, hiện đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển. Riêng đối với tàu công-ten-nơ, sau thời gian hơn một năm thực hiện chính sách trên, số lượng tàu công-ten-nơ Việt Nam vận tải nội địa đã tăng từ 19 lên trên 30 tàu. Tuy vậy, vận tải biển nội địa vẫn đang đối mặt với khó khăn về giá cước thấp, nguồn hàng khan hiếm và mất cân đối giữa hai chiều Bắc – Nam (chiều từ Bắc vào Nam chỉ đạt khoảng 60% so với chiều từ Nam ra Bắc).
Trong năm, Cục HHVN đã thực hiện nghiêm túc chủ trương tăng năng lực vận tải đường thủy và hàng hải để giảm tải cho đường bộ và kiểm soát chặt tải trọng phương tiện trong lĩnh vực hàng hải. Đến nay đã có 206/222 doanh nghiệp cảng biển đã ký cam kết thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện (còn lại là các cảng chuyên dùng, cảng hành khách hoặc chưa hoạt động). Cục đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Bộ GTVT công bố tuyến vận tải ven biển nhằm tận dụng đội tàu S1 (hiện có khoảng 5.000 chiếc) có thể nâng cấp lên SB để vận tải ven biển. Số tàu SB vận tải ven biển đã tăng nhanh chóng, hiện có khoảng 250 tàu trọng tải từ 500 đến 5.000 tấn đang hoạt động trên các tuyến ven biển. Tính đến hết tháng 11/2014, qua gần 5 tháng hoạt động, lượng hàng vận tải do tàu SB vận chuyển (chủ yếu trong khu vực từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế) đạt được gần 700.000 tấn với khoảng 500 lượt tàu, tương đương với hơn 23.000 lượt xe tải.
Các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động hàng hải tại Việt Nam trong những năm vừa qua đã có bước phát triển tốt, cơ bản đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ vận tải biển nói riêng và ngành Hàng hải nói chung.
Về hoạt động logistics, hiện Việt Nam có trên 1.000 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài với mức tăng trưởng bình quân hàng năm 20 – 25%. Theo xếp hạng năng lực quốc gia về logistics của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 53/155 nước. Mặc dù có số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng hầu hết là quy mô rất nhỏ, vốn đăng ký dưới 1 tỷ đồng, cơ cấu tổ chức đơn giản, thiếu chuyên sâu, chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu nội địa và chủ yếu thực hiện dịch vụ cho các công ty.
Theo đó, dịch vụ đóng mới và sửa chữa tàu sau thời gian triển khai thực hiện tái cơ cấu nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp, đến nay về cơ bản đã có định hướng sản xuất tiếp cận thị trường, chủ yếu là sửa chữa tàu biển và đóng mới gam tàu vừa và nhỏ như tàu hàng khô đến 20.000 DWT, tàu công-ten-nơ đến 3000 TEUS, tàu dầu 50.000DWT, tàu phục vụ khai thác dầu khí, tàu đánh bắt thủy sản, tàu du lịch va vận tải hành khách…
Để góp phần tìm kiếm giải pháp tiếp tục phát triển ngành công nghiệp đóng, sửa chữa tàu trong giai đoạn khó khăn, Cục HHVN đã báo cáo Bộ GTVT trình và được Chính phủ ban hành Nghị định quy định đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng đồng thời triển khai lập Quy hoạch chi tiết các cơ sở phá dỡ tàu cũ.
Lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng trưởng mạnh. Năm 2014 sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 370,3 triệu tấn, tăng 14%, trong đó hàng công-ten-nơ đạt 10,24 triệu TEUs, tăng 20,1% so với năm 2013.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng thông báo trong năm 2014 ngành GTVT có nhiều chuyển biến tích cực, các thứ hạng đánh giá đều cao hơn những năm trước. Riêng công tác Cải cách thủ tục hành chính được Bộ Nội vụ xếp thứ 1, trong đó có sự đóng góp đáng kể của ngành HHVN.
Theo Bộ trưởng, cảng Cái Mép – Thị Vải là cảng lớn nhất cả nước, song sản lượng chưa được 20% công suất thiết kế, dù đã có tăng so với năm trước. Chở khách mới chiếm 0,01% tổng thị trường, hàng hóa mới đc 19%, chiếm thị phần rất nhỏ trong khi ta có hơn 3.000km bờ biển.
Bộ trưởng yêu cầu loại bỏ thủ tục xuất bến của tàu biển. Đăng kiểm phải chịu trách nhiệm về kỹ thuật tàu. Luồng tuyến đã có quy định, song bất hợp lý, tăng chi phí, người dân có thực hiện đâu. Tại sao tàu cá nhỏ thế ngư dân đi ra tận Trường Sa, mà mình quy định tàu vận tải lớn vậy chỉ được đi ven bờ không quá 20 hải lý.
Bộ trưởng chỉ đạo, muốn cải cách phải bắt đầu từ tư duy. Ùn tắc chính là từ trong đầu. Phải đặt địa vị mình là dân, là doanh nghiệp để làm cơ chế chính sách. Bác Hồ đã nói cái gì có lợi cho dân, dù hết sức nhỏ cũng phải cố gắng làm bằng được, cái gì có hại cho dân, dù nhỏ đến đâu cũng phải hết sức tránh. Bộ trưởng cho rằng, trong quản lý, điều hành, xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, theo hướng như vậy là quyết định. Chúng ta là quốc gia biển, phải làm giàu từ biển. Do đó không có cách nào khác, phải đổi mới toàn diện, quyết liệt hơn nữa.
Khả Quân
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.