Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại hội thảo |
Sáng 27/5, Ban ATGT Tp.HCM phối hợp với báo Giao thông tổ chức buổi hội thảo nhằm tìm kiếm giải pháp nâng cao năng lực quản lý vận tải hành khách và xử lý vấn nạn bến cóc xe dù đang hoạt động rầm rộ tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại Tp.HCM và Hà Nội.
Phát biểu tại buổi hội thảo ông Lê Văn Khoa, phó Chủ tịch UBND Tp.HCM cho rằng: Tp.HCM hiện nay là một đô thị lớn với tốc độ tăng trưởng nhanh, dân số ngày càng nhiều khiến cho tình trạng xe dù bến cóc vẫn xuất hiện rầm rộ. Và theo báo cáo của Sở GTVT, Thành phố đã tổ chức triển khai xử lý 130 điểm xe dù bến cóc và hiện nay chỉ còn 36 điểm.Tuy nhiên trong quá trình xử lý vấn nạn này, chúng ta cần xem xét và tổ chức cho hợp lý để các quy định thực sự phục vụ nhu cầu người dân đồng thời đáp ứng nhu cầu chính đánh của các doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo tốt tình trạng ATGT và các quy định khác có liên quan. Ông Khoa còn cho biết thêm, Bộ GTVT sẽ làm việc với Tp.HCM để bàn bạc và đưa ra đề án quản lý kinh doanh vận tải, cũng như việc xin cơ chế đặc thù riêng cho Tp.HCM nhằm đưa ra những quy định phù hợp với tốc độ phát triển tại khu vực này.
Đại diện cho doanh nghiệp vận tải hành khách Phương Trang, ông Văn Công Điểm cho biết: Xe dù, bến cóc ở TP.HCM tồn tại hơn 30 năm nay, ngày càng mở rộng và diễn biến phức tạp hơn. Ban đầu, chỉ là các xe “mồ côi” không xin được giấy phép vào bến xe, nên mới nảy sinh xe dù, bến cóc và hoạt động tập trung chủ yếu xung quanh các bến xe. Tuy nhiên hiện nay, xe dù, bến cóc đã phát triển hơn và biến tướng thành xe khách trá hình, các bến cóc thì biến tướng thành các bến xe lậu núp dưới dạng bãi đỗ xe. Hầu hết bên trong các bãi đỗ xe các doanh nghiệp vẫn tổ chức đón, trả khách. Một số điểm còn xây dựng phòng chờ, phòng vé, tổ chức bán vé, đặt chỗ cho các hành khách.
Tình trạng bến cóc xe dù đang diễn biến ngày càng phức tạp |
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này phát triển hơn là do: Các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vận tải đường bộ nói chung và về quản lý VTHK nói riêng về cơ bản là đầy đủ. Tuy nhiên có những quy định đã không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống, cần sớm được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Và chúng ta cũng cần nghiên cứu để khắc phục hiện tượng lợi dụng 01 xe có 02 phù hiệu cùng có giá trị vào cùng một thời điểm để hoạt động “xe dù”. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý vận tải đường bộ, bản đồ số, phần mềm quản lý bến xe, phần mêm bán vé điện tử…
Sau khi nghe ý kiến góp ý của các đơn vị có liên quan, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã yêu cầu Tổng cục đường bộ, Vụ Vận tải phối hợp đến tháng 11/2016 công khai bản đồ số để DN và các tổ chức giám sát hoạt động vận tải một cách tốt hơn.
Thứ trưởng đề nghị Sở GTVT TPHCM chủ trì xây dựng đề án về những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý vận tải bằng ô tô, giải quyết những vấn đề và có thời gian thực hiện cụ thể. Trong đề án phải đưa ra được các giải pháp làm sao chống được xe dù, bến cóc. Phải cụ thể hơn trên cơ sở dự báo đến 2020 vận tải hành khách ô tô phát triển đến đâu, đưa ra các giải pháp. “Trong đề án nay có nên đề ra cuối 2016 dẹp được xe dù, bến cóc có được không? Nếu giải pháp tốt thì sẽ thực hiện được”, Thứ trưởng Thọ nói.
Đề án cũng cần nêu lên những cơ chế đặc thù, để phù hợp với tình hình thực tế tại TP.HCM trong việc quản lý hoạt động vận tải. Đồng thời phải xây dựng lộ trình thực hiện, quy trách nhiệm từng người cụ thể. Đến tháng 6/2016 phải trình đề án này lên Bộ GTVT. Thứ trưởng cũng đề nghị sau cuộc Hội thảo này Vụ vận tải, Tổng cục đường bộ VN tiếp thu ý kiến của các DN để sửa đổi Nghị định 86, công khai trên mạng để DN, người dân, tổ chức tham gia góp ý…
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.