Tiki quảng cáo trên xe bịt bùng: Vẫn nghênh ngang diễu phố sau bị phạt

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Bạn đọc 22/01/2021 15:01

Các xe dán quảng cáo cho sàn giao dịch điện tử Tiki vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí chạy “rùa bò” diễu phố Thủ đô sau khi bị CSGT xử phạt.

IMG_20210122_124841
Xe dán quảng cáo Tiki  "qua mặt" CSGT làm nhiệm vụ trên đường Đại Cồ Việt vào sáng 22/1/2021 - Ảnh: PV

Như Tạp chí GTVT phản ánh, thời gian gần đây, trên các tuyến phố tại Hà Nội, xuất hiện tình trạng các xe khách cỡ lớn được dán kín bưng bẳng đề can chạy lòng vòng các tuyến phố vào giờ cao điểm. Các xe này chủ yếu nhằm mục tiêu quảng cáo, không hề chở khách. Hành vi này được xác định là vi phạm pháp luật về quảng cáo, pháp luật về an toàn giao thông.

Trong các doanh nghiệp vi phạm, sàn thương mại điện tử Tiki có lượng xe vi phạm lớn nhất.

Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia Nguyễn Trọng Thái cho hay, việc dùng decal quảng cáo phủ kín gần như toàn bộ xe đã uy hiếp an toàn giao thông đối với người và phương tiện tham gia giao thông. Việc làm này còn vi phạm Luật Giao thông đường bộ năm 2008 với ô tô tham gia giao thông, như: tự ý thay đổi màu sơn so với đăng kí xe; vô hiệu hóa gương chiếu hậu (đặt trong xe); thay đổi đặc tính kĩ thuật kính xe ô tô, ảnh hưởng tới tầm nhìn, quan sát của lái xe khi điều khiển xe; hạn chế khả năng thoát hiểm của những người trong xe khi xảy ra sự cố. 

Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị Ban ATGT Hà Nội chỉ đạo lực lượng chức năng của thành phố phối hợp xác minh nội dung phản ánh trên, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm. Kiểm tra, rà soát chấn chỉnh hoạt động quảng cáo bằng xe ô tô theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông an toàn.

Theo ghi nhận của PV Tạp chí GTVT, trong các ngày từ 20-22/1/2021, trên nhiều tuyến đường thuộc các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa... các xe dán quảng cáo cho thương hiệu Tiki vẫn ngang nhiên hoạt động, như thách thức cơ quan chức năng. Thậm chí, các xe này còn nối đuôi nhau, chạy “rùa bò” trên đường trong giờ cao điểm và dễ dàng qua mặt nhiều chốt CSGT làm nhiệm vụ trên đường.

Các xe này lần lượt mang biển kiểm soát 29B-057.72, 29B-201.28, 89B-006.96...

DSC08184
 
20210119_095704
Một xe khách dán kín mít quảng cáo xung quanh xe trên đường Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội - Ảnh: PV

Trao đổi với PV, Đại úy Đặng Hồng Giang - Đội trưởng Đội CSG số 3 (PC 08, Công an TP. Hà Nội) - đơn vị phụ trách địa bàn quận Đống Đa cho biết: "Gần đây, đơn vị này đã xử lý một số trường hợp vi xe ô tô khách dán kín mít quảng cáo vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Cụ thể, ngày 13/10/2020, tại số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Thượng úy Đỗ Hữu Đức, Cán bộ đội CSGT số 3 đã thu giữ 1 giấy phép lái xe, 1 giấy chứng nhận kiểm định an toàn phương tiện giao thông của ông Lê Quang Vịnh (Bắc Ninh) và yêu cầu buộc dỡ bỏ quảng cáo.

Tiếp đó, ngày 7/12/2020, tại ngã ba đường Láng - Láng Hạ, cán bộ Đội CSGT số 3 đã tiến hành kiểm tra và tạm giữ giấy phép lái xe mang tên Quách Văn Mẫn (Hưng Yên) với hành vi quảng cáo vượt quá diện tích các mặt trên phương tiện; đồng thời yêu cầu buộc dỡ bỏ quảng cáo Tiki dán kín mít thân xe.

Còn theo Chỉ huy Phòng CSGT Hà Nội, do mức phạt cho hành vi này còn thấp, nên nhiều lái xe vẫn cố tình vi phạm.

"Để xử lý tận gốc của vấn đề, thiết nghĩ Cục Đăng kiểm Việt Nam nên có giải pháp từ chối đăng kiểm cho phương tiện cố tình vi phạm, vì lợi nhuận mà tiếp tay các cho hoạt động quảng cáo vi phạm Luật Giao thông đường bộ này", vị này thông tin.

Về góc độ quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, việc dùng decal quảng cáo phủ kín gần như toàn bộ xe đã uy hiếp an toàn giao thông đối với người và phương tiện tham gia giao thông, vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, việc vô hiệu hóa gương chiếu hậu đặt trong xe, thay đổi đặc tính kỹ thuật kính xe ôtô, đồng thời hạn chế khả năng thoát hiểm của những người trong xe khi xảy ra sự cố.

PicsArt_12-07-01.20.55
CSGT Hà Nội xử lý một xe ô tô có hành vi dán quảng cáo cho thương hiệu Tiki, vi phạm Luật Giao thông đường bộ hồi tháng 12/2020 - Ảnh: PV

"Bởi các xe quảng cáo dán kín kính phía sau sẽ che tầm quan sát của gương chiếu hậu, việc quảng cáo trên kính sẽ hạn chế tầm nhìn, khiến cho hành khách phía trong không quan sát, phán đoán được tình hình phía ngoài xe để có phản ứng phù hợp. Đặc biệt, khi xe ôtô xảy ra tai nạn, nếu chất liệu quảng cáo không đảm bảo, hành khách sẽ không thể đập vỡ kính để thoát hiểm. Việc dán quảng cáo toàn bộ xe cũng vi phạm quy định về việc tự ý thay đổi màu sơn xe", vị này nhấn mạnh.

Còn ở góc độ thương hiệu, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trưởng bộ môn PR, quảng cáo, Viện Đào tạo báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, cho rằng: “Quảng cáo trên phương tiện giao thông là hình thức quảng cáo mới xuất hiện tại Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn. Ưu điểm của loại hình này là bắt mắt, thu hút mọi người chú ý. Tuy nhiên, để thương hiệu chiếm được cảm tình của công chúng, thì hoạt động này cần phải tuân thủ đúng các quy định về ATGT cũng như luật quảng cáo”.

Ý kiến của bạn

Bình luận